Ký kết ba bên
Nhận thấy hệ thống tổ chức đại diện quyền tác giả và quyền liên quan ở Việt Nam phát triển chưa đủ mạnh và chuyên nghiệp, ảnh hưởng đến niềm tin của hội viên. Ngày 24/2/2017 ông Vương Duy Biên Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL, ông Bùi Nguyên Hùng - Cục trưởng Cục bản quyền tác giả - đã chủ trì Hội nghị các tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan.
Tại hội nghị, đại diện của 3 tổ chức: Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC), Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam (RIAV) và Hội Bảo vệ quyền của nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc Việt Nam (APPA) đã ký kết chương trình hợp tác chung thực thi quyền SHTT.
Theo đó, VCPMC đại diện, thay mặt RIAV và APPA tổ chức đàm phán cấp phép, thu tiền bản quyền đối với trường hợp bản ghi âm, ghi hình được khai thác sử dụng; phân phối khoản tiền bản quyền sử dụng tác phẩm âm nhạc được ủy quyền. RIAV phân phối khoản tiền bản quyền sử dụng bản ghi âm, ghi hình liên quan đến tác phẩm âm nhạc được ủy quyền; còn APPA phân phối khoản tiền bản quyền biểu diễn tác phẩm âm nhạc được ủy quyền.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Vương Duy Biên chỉ đạo: Việc 03 đơn vị ký kết chương trình phối hợp là sự kiện quan trọng, đây là một bước tiến mới trong việc thực thi luật SHTT. Để các hoạt động của các tổ chức và chương trình phối hợp giữa các tổ chức được hiệu quả, Thứ trưởng đề nghị các tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan xây dựng và hoàn thiện các văn bản, Điều lệ, Quy chế nội bộ theo quy định của pháp luật, đảm bảo tính công khai, minh bạch trong thực hiện nhiệm vụ; Tổ chức thực hiện có hiệu quả nội dung của chương trình phối hợp là một dấu hiệu đáng mừng cho một xã hội phát triển, các tác giả sẽ yên tâm đóng góp cho xã hội.
RIAV phá vỡ cam kết
Ký kết giữa ba bên dưới sự chỉ đạo của Thứ trưởng Võ Duy Biên chưa ráo mực thì đã bị RIAV phá vỡ. Ngày 27/2/2017 ông Trần Chiến Thắng, Chủ tịch RIAV ký quyết định số 02/QĐ/CT/HHCNGAVN/2017 giao quyền cho Trung tâm Cấp phép và quản lý quyền (gọi tắt TT), đại diện RIAV cùng với Công ty TNHH Điện tử Hanet Việt nam (Hanet) tổ chức thực hiện dự án thu tiền bản quyền, quyền liên quan các bản ghi thuộc quyền sở hữu, quyền quản lý của RIAV đang sử dụng tại các trung tâm kinh doanh dịch vụ karaoke, các địa điểm kinh doanh dịch vụ ca hát có sử dụng thiết bị karaoke tại Việt Nam.
Quyết định 02 này đã xem thường chỉ đạo của Bộ, phá vỡ ký kết ba bên mà Thứ trưởng Biên đã chỉ đạo.
Sau đó, ngày 3/3/2017 ông Thắng lại ký tiếp Quyết định 03/QĐ/CT/HHCNGAVN/2017 bổ nhiệm ông Hoàng Anh Dũng hiện là Giám đốc Ban Marketing Công ty Hanet giữ chức vụ Phó Giám đốc TT quan thay mặt RIAV phối hợp với công ty Hanet triển khai thực hiện dự án thu tiền bản quyền và quyền liên quan.
Vì sao ông Thắng quyết liệt thực hiện cho bằng được mục đích của mình đến mức bất chấp tất cả như vậy?
Bởi vì trước đó, ngày 14/7/2016, RIAV và Hanet ký hợp đồng hợp tác số 006-07/2016/HĐHT-HANET-RIAV, theo đó: “ Các trung tâm kinh doanh karaoke có sử dụng thiết bị của Hanet sẽ được hiển thị các thông tin quảng cáo. Số tiền thu được từ kênh quảng cáo này sẽ được dùng để thanh toán tiền bản quyền sử dụng ca khúc, chia cho trung tâm karaoke...”.
Ông Võ Đức Thọ Tổng giám đốc Hanet cho biết nếu các cơ sở kinh doanh karaoke hợp tác với Hanet (mua máy karaoke của Hanet) chẳng những không phải đóng 2.000 đồng/bài hát/năm/máy cho RIAV mà còn được hưởng thêm 10% từ doanh thu quảng cáo. Thế là đã rõ mục đích quyết liệt, bất chấp của RIAV là để thực hiện cho bằng được âm mưu chiếm đoạt tài sản của hội viên và tạo cơ hội cho Hanet “cạnh tranh bẩn”.
Nói về hợp đồng hợp tác này, một hội viên của RIAV (xin giấu tên) nhận định: “RIAV là một tổ chức xã hội nghề nghiệp, đại diện cho các hội viên là những nhà sản xuất bản ghi âm. Mục đích tôn chỉ của RIAV là bảo vệ quyền lợi cho hội viên. RIAV không phải là nhà sản xuất bản ghi, những bản ghi mà RIAV có quyền thực chất là của các hội viên ủy quyền thu, sao RIAV lại cho người khác đem đi kinh doanh quảng cáo và chia chác tùm lum”. Ủy quyền này như thế nào? Nhà sản xuất nào ủy quyền? ủy quyền bao nhiêu bản ghi? ủy quyền bao lâu?...
RIAV phải công khai ra cho chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke biết vì họ là người trực tiếp trả tiền quyền liên quan. RIAV không phải nhà sản xuất bản ghi vậy sản phẩm bản ghi ở đâu mà RIAV có để giao quyền cho Hanet? Chúng tôi hỏi thì họ bảo rằng có cái họ mua! Điều này nếu đúng sự thật thì lãnh đạo RIAV đã lạm quyền và xem thường pháp luật. Bởi RIAV là một tổ chức xã hội nghề nghiệp, không phải pháp nhân kinh doanh để mua bán.
Một luật gia thuộc Hội Luật gia Tp Cần Thơ bình luận thêm: “Kết hợp RIAV- Hanet đã vi phạm luật cạnh tranh. Bởi hợp đồng ủy quyền của RIAV cho Hanet là trái pháp luật và vô hiệu, RIAV chưa chứng minh mình là chủ sở hữu bản ghi mà cho Hanet thu là trái pháp luật. Nếu Hanet thu và đúng như lời giải ông Thọ đưa ra thì tất cả cơ sở kinh doanh karaoke đều phải mua máy và bản ghi của Hanet, tạo cho Hanet thế độc quyền trong sản xuất và phân phối. Thế độc quyền đó có sự tiếp tay của RIAV”
Báo Pháp luật Việt nam sẽ tiếp tục thông tin vụ việc.