Nhiều người chưa nắm rõ quy định mới
Từ ngày 1/1/2022, Luật Bảo vệ môi trường mới đã có hiệu lực, quy định chất thải rắn sinh hoạt từ hộ gia đình, cá nhân phải được phân loại tại nguồn theo nguyên tắc bao gồm: chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm; chất thải rắn sinh hoạt khác.
Chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt được tính toán dựa trên khối lượng hoặc thể tích chất thải đã được phân loại. Đối với chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế, chất thải nguy hại phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân đã được phân loại riêng thì không phải chi trả giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý.
Các quy định nêu trên có nghĩa rằng hộ gia đình, cá nhân thải bao nhiêu rác thì trả tiền bấy nhiêu. Điều này nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong việc giảm thiểu, phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, thu gom và chuyển rác thải sinh hoạt đã được phân loại đến đúng nơi. Tuy nhiên, để quy định này đi vào thực tế vẫn còn nhiều trở ngại.
Theo ghi nhận, cận Tết, trên nhiều tuyến phố của Hà Nội, những túi rác thải vẫn còn xuất hiện bên lề đường mà chưa được phân loại tại nguồn theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.
Không chỉ là rác thải sinh hoạt thông thường như túi nilon, chai nhựa, vỏ bánh kẹo, hộp đựng thức ăn mang đi, khẩu trang, mặt nạ đã qua sử dụng,… mà còn có cả những đồ nội thất quá khổ đã cũ, hỏng mà người dân không biết vứt đi đâu. Có thể nói, thực tế này cho thấy, còn nhiều người dân Thủ đô vẫn chưa nắm rõ quy định phân loại rác thải.
Dù Luật đã có hiệu lực từ ngày 1/1/2022, nhưng nhiều người dân vẫn còn thờ ơ về quy định mới. Họ cho rằng việc kê khai, xác định chính xác khối lượng rác thải của từng hộ gia đình để tính phí là điều khó giám sát và thực hiện. Chưa kể, có rất nhiều người ý thức kém, sợ tốn tiền nên họ sẵn sàng tìm cách tẩu tán, đổ rác bừa bãi ra ngoài môi trường.
Tính phí như thế nào với rác thải cồng kềnh?
Theo Luật Bảo vệ môi trường hiện hành, các loại rác thải sinh hoạt phải được cân đo về khối lượng hoặc thể tích để tính phí. Tuy nhiên, các loại rác thải phổ biến, rác thải cồng kềnh như tủ kính, ghế sofa, bàn, nệm cũ... thường khó xử lý hơn.
Theo các chuyên gia, rác thải cồng kềnh đang bị đánh đồng với rác thải sinh hoạt – điều này sẽ gây ra những khó khăn cho việc phân loại, thu gom và thu phí. Bởi lẽ, thực tế cho thấy, chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải cồng kềnh cao hơn nhiều so với rác thải sinh hoạt.
Hàng năm, càng gần về Tết, lượng rác cồng kềnh phát sinh ngày càng nhiều nhưng cả người phát thải (người dân) và người thu gom đều khá lúng túng vì giá cả thu gom không có quy định cụ thể. Phần lớn người dân sẽ nghĩ cách đập nhỏ ra để cho vào túi hoặc thuê người đến tháo dỡ, đem đi bỏ với giá cả theo thoả thuận, chứ không gọi tới cơ quan chức năng để thu gom.
Trong khi đó, đơn giá xử lý rác thải cồng kềnh lại chưa có mức cụ thể, nhiều vỉa hè, bãi đất trống, dọc bờ kênh, gầm cầu đã trở thành những bãi rác tự phát cho người dân tập kết những rác thải rắn cồng kềnh. Đối với những rác thải cồng kềnh phát sinh tự phát ở ngoài đường, các nhân viên môi trường buộc phải thực hiện việc thu gom, xử lý chung với rác sinh hoạt nhưng làm phát sinh về nhân công, trang thiết bị và chi phí.
TP HCM là một trong số ít địa phương đã ban hành văn bản pháp luật về việc xử lý các loại rác thải cồng kềnh. Trong Quyết định 09 năm 2021 của UBND TP HCM, cá nhân, hộ gia đình, chủ nguồn thải có thể tự vận chuyển loại rác thải này đến điểm hẹn, trạm trung chuyển rác hoặc điểm tiếp nhận rác cồng kềnh do chủ thu gom, vận chuyển rác sinh hoạt phối hợp với UBND cấp huyện xác định và công bố.
Nếu không có khả năng vận chuyển thì có thỏa thuận với chủ thu gom, vận chuyển rác thải để lực lượng này thu gom, vận chuyển rác cồng kềnh đến nơi tiếp nhận. Việc nhiều địa phương chưa có những văn bản cụ thể hướng dẫn về hướng xử lý rác thải cồng kềnh sẽ phần nào gây cản trở cho công tác thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt.
Mới đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa phê duyệt kết quả thực hiện Bộ chỉ số đánh giá kết quả bảo vệ môi trường năm 2020 của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, phân loại theo 3 mức: tốt (5 địa phương), khá (34 địa phương) và trung bình (24 địa phương). Trong đó, TP Hà Nội chỉ đạt mức trung bình.
Các địa phương được xếp ở nhóm này chủ yếu do chưa hoàn thành nhiều chỉ tiêu về bảo vệ môi trường đề ra hoặc có kết quả thực hiện thấp như tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được phân loại tại nguồn, tỷ lệ đánh giá của người dân về chất lượng môi trường sống trên địa bàn ở mức hài lòng thấp… So với các thành phố trực thuộc Trung ương khác, Đà Nẵng ở mức tốt, còn TP HCM ở mức khá.