Một trong những vụ việc đáng tiếc là trường hợp của ông V.T.H ở TP.Tân An (Long An). Thương người con gái độc thân, vợ chồng ông lập di chúc để lại căn nhà đang ở cho chị. Năm 2006, vợ ông qua đời và hai năm sau, ông H. bị tai biến, nằm liệt tại chỗ. Việc chữa trị, chăm sóc ông rất tốn kém trong khi chỉ một tay người con gái bươn chải. Nợ nần chồng chất, ông H. và con bàn nhau bán nhà trả nợ, còn lại mua một căn nhà nhỏ để sinh sống và dư một ít tiền làm vốn cho cô con gái.
Lúc người con đem hồ sơ nhà đất và tờ di chúc ra phòng công chứng khai nhận di sản thì bị từ chối. Quay sang tư vấn để có thể thay đổi nội dung di chúc, tự bán phần một nửa căn nhà của ông, luật sư cho biết việc sửa đổi di chúc chung của vợ chồng không được làm thay đổi bản chất nội dung của di chúc… Bán nhà hay thế chấp vay tiền ngân hàng đều không được, cha con ông H. đành ngậm ngùi chấp nhận hoàn cảnh “thiếu trước hụt sau” trớ trêu ấy.
Di chúc không thể hiện được ý chí cá nhân
Luật sư Lưu Thị Ngọc Lan (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) chỉ ra: Hệ lụy rắc rối trên bắt nguồn từ Điều 668 BLDS năm 2005 quy định di chúc chung vợ chồng chỉ có hiệu lực khi cả hai người cùng chết hoặc khi người sau cùng chết.
Theo đó, xảy ra tình trạng một bên vợ hoặc chồng còn sống hoặc người thừa kế không thể khai nhận di sản thừa kế khi người vợ hoặc chồng trong di chúc chung chết trước. Việc áp dụng đúng tinh thần quy định này thì sẽ làm triệt tiêu đi quyền tranh chấp thừa kế, yêu cầu phân chia di sản của những đồng thừa kế khi một trong hai người lập di chúc còn sống vì nếu một bên vợ chồng trong di chúc chung còn sống thì di chúc vẫn chưa có hiệu lực pháp luật.
PGS.TS Dương Đăng Huệ - Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự Kinh tế, Bộ Tư pháp từng thừa nhận những bất cập, hạn chế của BLDS năm 2005 trong quy định về di chúc chung của vợ chồng. Ông Huệ phân tích, các Điều 663, 664 và 668 BLDS hiện hành quy định vợ chồng có thể lập di chúc chung và di chúc chung có hiệu lực khi người sau cùng chết.
Quy định này không phù hợp với bản chất pháp lý của di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết. Theo kinh nghiệm nước ngoài, pháp luật dân sự nhiều nước như Pháp, Nhật… không thừa nhận hình thức di chúc chung của vợ chồng.
Quay lại với BLDS năm 1995?
Bên cạnh đó, BLDS cũng chưa quy định cụ thể trong khoảng thời gian giữa hai thời điểm chết của hai vợ chồng, việc chiếm hữu, sử dụng và định đoạt tài sản chung có được thực hiện hay không? Người còn sống có những quyền nào đối với tài sản chung? Họ có nhu cầu hoặc pháp luật quy định họ phải thực hiện nghĩa vụ tài sản riêng, việc sử dụng tài sản chung đã được định đoạt trong di chúc để thực hiện nghĩa vụ riêng hoặc thực hiện việc chia tài sản chung trong trường hợp này có được công nhận không? Nếu vợ, chồng còn sống sửa đổi, bổ sung di chúc trong phần di sản của mình có dẫn tới hiệu lực của di chúc có bị thay đổi hay không?...
Đó là hàng loạt vấn đề vướng mắc trong thực tiễn thi hành pháp luật được nhiều ý kiến thẳng thắn phản ánh và đề xuất không nên tiếp tục thừa nhận hình thức di chúc chung của vợ chồng trong Dự án BLDS (sửa đổi) tới đây.
TS Nguyễn Minh Tuấn (Trường Đại học Luật) kiến nghị, nên chăng quay trở lại quy định như BLDS năm 1995 về di chúc chung của vợ, chồng. Cụ thể,vợ, chồng có thể sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc chung bất cứ lúc nào. Khi vợ hoặc chồng muốn sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc chung, thì phải được sự đồng ý của người kia. Nếu một người đã chết, người kia chỉ có thể sửa đổi, bổ sung di chúc liên quan đến phần tài sản của mình.
Trong trường hợp vợ, chồng lập di chúc chung mà có một người chết trước, chỉ phần di chúc liên quan đến phần di sản của người chết trong tài sản chung có hiệu lực pháp luật. Nếu vợ, chồng có thoả thuận trong di chúc về thời điểm có hiệu lực của di chúc là thời điểm người sau cùng chết thì di sản của vợ, chồng theo di chúc chung chỉ được phân chia từ thời điểm đó.
"Di chúc vốn là một loại giao dịch pháp lý đơn phương và không mang tính chất đền bù. Tuy nhiên, việc cho phép vợ, chồng lập di chúc chung để thừa kế lẫn nhau đã biến loại giao dịch này thành giao dịch pháp lý song phương mà mang tính chất có đền bù, làm thay đổi bản chất pháp lý của di chúc. BLDS 2005 không cấm đoán vợ, chồng lập di chúc chung thừa kế lẫn nhau sẽ dẫn đến nhiều hậu quả pháp lý xấu như: vợ, chồng thông đồng lập di chúc giả tạo để che đậy những hành vi trái pháp luật; hoặc các bên lừa dối, giả mạo di chúc để trục lợi…Thiết nghĩ, BLDS 2005 sửa đổi cần có quy định cụ thể về các trường hợp cấm lập di chúc chung, cũng như quy định chặt chẽ hơn về hình thức di chúc chung của vợ chồng để tránh những rắc rối khi thực hiện."
Thạc sỹ Hà Thị Thanh (Liên đoàn LS Việt Nam)