Mặc dù phản ánh một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhưng đa số đại biểu đều thể hiện quyết tâm làm tốt khâu xây dựng chính sách để tránh tình trạng “vừa thiết kế, vừa thi công”.
Chính sách đưa ra vẫn chưa sát với thực tiễn
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu nhấn mạnh, công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật có vai trò hết sức quan trọng trong công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Vì vậy, nhiều chủ trương, chính sách đã được ban hành, từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật, đồng thời đề ra nhiều biện pháp bảo đảm cho pháp luật được thi hành nghiêm minh. Một trong những thành tựu đó là Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 được Quốc hội khóa 13 thông qua ngày 22/6/2015.
Theo quy định của Luật năm 2015, trước khi đưa các đề xuất xây dựng luật, pháp lệnh vào Chương trình hàng năm thì các cơ quan đề xuất phải thực hiện quy trình lập đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh. Trong đó, việc phân tích, xây dựng chính sách, đánh giá tác động của chính sách để làm rõ nội dung chính sách, lựa chọn giải pháp thực hiện chính sách phù hợp nhất là khâu quan trọng hàng đầu. “Đây chính là khâu chuẩn bị “bản thiết kế chi tiết” trình phê duyệt nhằm tạo cơ sở cho việc xây dựng dự thảo văn bản, tức khâu tổ chức thi công” – Thứ trưởng Hiếu so sánh và khẳng định khâu này vô cùng quan trọng và cũng hết sức phức tạp, đặt ra những yêu cầu rất cao cho các cơ quan chủ trì lập đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Nhận định về hơn 1 năm thực hiện Luật năm 2015 và Nghị định số 34 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật, Bộ Tư pháp và Thứ trưởng Hiếu cho rằng: Thực tế lập đề nghị của Chính phủ về Chương trình năm 2018, điều chỉnh Chương trình năm 2017 cũng như lập đề nghị xây dựng nghị định của Chính phủ thì các bộ, ngành đã bước đầu nắm rõ và cơ bản thực hiện đúng về việc lập đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, nghị định, được Chính phủ, các Ủy ban của Quốc hội và đại biểu Quốc hội đánh giá cao. Tuy nhiên, việc lập đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, nghị định thời gian qua còn nhiều hạn chế, bất cập như chưa tuân thủ đầy đủ trình tự, thủ tục; chất lượng xây dựng chính sách chưa cao; việc đánh giá tác động của chính sách có lựa chọn giải pháp thực hiện chính sách còn hình thức, chưa sát với yêu cầu thực tiễn, phụ thuộc nhiều vào tư duy chủ quan của người đưa ra chính sách; vẫn còn tình trạng xin rút, xin lùi thời hạn trình các dự án luật, pháp lệnh…
Bộ Tư pháp sẵn sàng hỗ trợ việc lập đề nghị
Cũng đề cao bước tiến của Luật năm 2015 khi tách bạch quy trình xây dựng chính sách và soạn thảo văn bản, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Tài chính) Nguyễn Thị Thu Thủy phản ánh: Qua hơn 1 năm đã làm quen với quy trình, thủ tục mới của Luật năm 2015 và bước đầu đạt được những kết quả nhất định. Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, theo bà Thủy, cần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc xây dựng chính sách để đầu tư, chú trọng cho khâu này. Bên cạnh đó, với khối lượng văn bản phải xây dựng nhiều như của nước ta thì cần phải có trọng tâm, đồng thời nghiên cứu tách bộ phận làm chính sách với bộ phận soạn thảo văn bản… Đối với Bộ Tư pháp, bà Thủy đề xuất nên tổng hợp thống kê xem có bao nhiêu chính sách được đưa vào luật, pháp lệnh; bao nhiêu chính sách bị bỏ ra; bao nhiêu chính sách mới bổ sung để xem đáp ứng được yêu cầu hay chưa, nguyên nhân và giải pháp ra sao thì mới nâng cao hiệu quả công tác xây dựng pháp luật.
Vụ trưởng Vụ Pháp luật (Văn phòng Chính phủ) Đinh Dũng Sỹ chia sẻ, có cán bộ làm pháp chế kể với ông rằng có nhất thiết phải làm chính sách không khi mà đến bước soạn thảo văn bản lại xem xét lại những chính sách này. Theo ông Sỹ, đây là tư duy ngại đổi mới, dẫn đến tình trạng chưa có ý tưởng đã đưa vào Chương trình nên việc “vừa chạy vừa xếp hàng” không có gì khó hiểu. Sử dụng hình ảnh so sánh của Thứ trưởng Hiếu, ông Sỹ nói, nếu chúng ta xây nhà mà có bản thiết kế trước thì ngôi nhà chắc chắn sẽ đẹp hơn việc vừa xây nhà vừa thiết kế. Tuy nhiên, ông Sỹ kiến nghị nên thu hẹp hơn phạm vi phải lập đề xuất xây dựng chính sách, nhất là đối với những nghị định quy định chi tiết thi hành luật.
Thứ trưởng Hiếu đề nghị, việc thảo luận cho Chương trình năm 2019, điều chỉnh năm 2018 tới đây phải tập trung đánh giá tình hình lập đề nghị xây dựng các luật, pháp lệnh theo chủ trương, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước hoặc được nhiều đại biểu Quốc hội, cử tri quan tâm; các luật, pháp lệnh cần sửa đổi, bổ sung để bảo đảm thực hiện đồng bộ với dự án Luật Quy hoạch; các luật, pháp lệnh cần sửa đổi, bổ sung, ban hành mới liên quan đến đất đai, xây dựng, nhà ở, đầu tư, kinh doanh; các luật, pháp lệnh cần sửa đổi, bổ sung, ban hành mới để bảo đảm thực hiện đồng bộ với dự án Luật Quốc phòng sửa đổi. Hoan nghênh tinh thần quyết tâm thực hiện những quy định mới của Luật năm 2015 của đại diện các bộ, ngành, Thứ trưởng Hiếu cho biết Bộ Tư pháp sẵn sàng hỗ trợ các bộ, ngành trong công tác lập đề nghị.