Cần chính sách phù hợp trước nguy cơ già hóa dân số
Theo Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA), Việt Nam là một trong các quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Già hóa dân số đặt ra những cơ hội và thách thức về mặt kinh tế - xã hội, đặc biệt dẫn đến tình trạng thiếu lao động trong tương lai cũng như nhu cầu an sinh xã hội ngày càng tăng ở người cao tuổi.
Tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV vào tháng 5/2024, đề cập về vấn đề tỷ lệ sinh của Việt Nam năm 2023 đã xuống tới mức thấp, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh đây là dấu hiệu cần đặc biệt được quan tâm và đề nghị Chính phủ sớm có sơ kết để cập nhật các giải pháp đã nêu trong Nghị quyết 21/2017 của Trung ương về công tác dân số trong thời kỳ mới, để từ đó có những chính sách phù hợp nhằm bảo đảm phát triển về lao động, dân số, ứng phó với tình trạng già hóa dân số. Dẫn chứng bài học kinh nghiệm từ các quốc gia phát triển như Hàn Quốc, Nhật Bản có tỷ lệ sinh hiện nay rất thấp, dẫn đến những hệ lụy về phát triển kinh tế - xã hội, ông Nhân đề nghị cần chuyển đổi nhận thức để đất nước đạt 2,1 con/phụ nữ; đồng thời Chính phủ cần có hướng dẫn mức sinh phù hợp cho các địa phương.
Cũng đề cập về vấn đề tỷ lệ sinh con hiện nay, Đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan cho rằng mỗi chính sách đều đúng trong một thời điểm, một giai đoạn. Trước đây, việc hạn chế người dân sinh không quá 2 con là phù hợp với tình trạng gia tăng dân số lúc đó, nhưng hiện nay trước nguy cơ già hóa dân số, không có lao động thay thế, cần xem xét chính sách này.
Trước tình trạng dân số già rất nhanh như hiện nay và tỷ suất sinh không đồng đều giữa các địa phương, các chuyên gia cho rằng Việt Nam cần đưa ra nhiều chính sách để tác động nhằm tăng mức sinh. Các chuyên gia đã xác định mức sinh thay thế tốt nhất ở nước ta là 2,1 con/phụ nữ, nhưng mức sinh ở nhiều địa phương lại khác nhau. Vì vậy, cần có một kế hoạch thống nhất để khuyến khích các cặp vợ chồng trẻ sinh đủ 2 con. Tại dự thảo Luật Dân số, Bộ Y tế cho biết, thực hiện mục tiêu của Nghị quyết số 21-NQ/TW, đến năm 2030 duy trì vững chắc mức sinh thay thế (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có 2,1 con), quy mô dân số 104 triệu người; giảm 50% chênh lệch mức sinh giữa nông thôn và thành thị, miền núi và đồng bằng; 50% số tỉnh đạt mức sinh thay thế, dự thảo Luật đề xuất quy định các cặp vợ chồng, cá nhân có quyền quyết định tự nguyện, bình đẳng và có trách nhiệm về thời gian sinh con, số con, khoảng cách giữa các lần sinh phù hợp với lứa tuổi, tình trạng sức khỏe, điều kiện học tập, lao động, thu nhập và nuôi dạy con tốt. Mỗi cặp vợ chồng, cá nhân nên có hai con.
Bộ Y tế đề xuất 2 phương án quy định quyền, nghĩa vụ của mỗi cặp vợ chồng, cá nhân trong việc thực hiện cuộc vận động dân số và kế hoạch hóa gia đình. Tại phương án 1, Bộ Y tế đề xuất: Quyền của mỗi cặp vợ chồng, cá nhân không tách rời nghĩa vụ trong việc thực hiện cuộc vận động dân số và kế hoạch hóa gia đình. Mỗi cặp vợ chồng và cá nhân có quyền: Quyết định tự nguyện, bình đẳng và có trách nhiệm về thời gian sinh con, số con, khoảng cách giữa các lần sinh phù hợp với độ tuổi, tình trạng sức khỏe, điều kiện học tập, lao động, thu nhập và cùng Nhà nước thực hiện duy trì mức sinh thay thế; bình đẳng trong lựa chọn, quyết định sử dụng biện pháp kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản.
Tại phương án 2, Bộ Y tế đề xuất quy định: Quyết định tự nguyện, bình đẳng và có trách nhiệm về thời gian sinh con, khoảng cách giữa các lần sinh phù hợp với độ tuổi, tình trạng sức khỏe, điều kiện học tập, lao động, thu nhập và nuôi dạy con tốt. Bình đẳng trong lựa chọn, quyết định sử dụng biện pháp kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản và thực hiện các nghĩa vụ khác liên quan đến kế hoạch hóa gia đình. Sinh một hoặc hai con, trừ 7 trường hợp được quy định cụ thể trong luật.
Chủ trương của Đảng về chính sách dân số trong tình hình mới
Dự thảo Luật Dân số cũng nêu rõ nghĩa vụ của cặp vợ chồng, cá nhân: thực hiện chính sách, pháp luật về dân số; bảo đảm trách nhiệm chăm sóc và nuôi dạy con tốt; bình đẳng trong thực hiện các nghĩa vụ khác liên quan đến chăm sóc sức khoẻ sinh sản, kế hoạch hoá gia đình; khuyến khích mỗi cặp vợ chồng và cá nhân tự nguyện thực hiện các cuộc vận động của Đảng và Nhà nước về công tác dân số phù hợp với từng thời kỳ.
Về chủ trương của Đảng về chính sách dân số, ngày 22/3/2005, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 47-NQ/TW về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách dân số và kế hoạch hoá gia đình, nhấn mạnh: “Xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên vi phạm chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình theo Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 và Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 06/3/1995 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa VII)”. Đến ngày 25/10/2017, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 21 về công tác dân số trong tình hình mới, khẳng định: “Tiếp tục chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển”; “Đề cao tính gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong việc thực hiện chính sách dân số, xây dựng gia đình văn hoá, hạnh phúc” (nội dung 2 Mục III)...
Ngày 15/11/2017, Bộ Chính trị - Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Quy định 102-QĐ/TW quy định về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm. Khoản 1 Điều 27 Quy định 102 nêu: “Đảng viên vi phạm một trong các trường hợp sau gây hậu quả ít nghiêm trọng hoặc vi phạm trong trường hợp sinh con thứ ba (trừ trường hợp pháp luật có quy định khác) thì kỷ luật bằng hình thức khiển trách”.
Ngày 06/7/2022, Bộ Chính trị ban hành Quy định 69-QĐ/TW quy định về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, thay thế Quy định 102/2017/QĐ/TW và ngày 22/11/2022, Ủy ban Kiểm tra Trung ương ban hành Văn bản 05 hướng dẫn thực hiện một số điều trong Quy định số 69-QĐ/TW. Theo đó, Điều 52 Quy định 69/2022 nêu: “Đảng viên vi phạm một trong các trường hợp sau gây hậu quả ít nghiêm trọng thì kỷ luật bằng hình thức khiển trách: Cản trở, cưỡng bức thực hiện kế hoạch hoá gia đình; tham gia các hoạt động xét nghiệm, chẩn đoán để xác định giới tính thai nhi trái quy định; Vi phạm chính sách dân số”.
Có thể thấy, theo quy định mới đã không còn liệt kê các hành vi đảng viên sinh con thứ 3, 4, 5 bị kỷ luật mà thay vào đó quy định hành vi “vi phạm chính sách dân số”. Vậy, có phải Quy định 69-QĐ/TW năm 2022 đã bỏ quy định kỷ luật đảng viên sinh con thứ 3, 4, 5?
Tại nội dung 1 Mục III, Nghị quyết 21-NQ/TW năm 2017 quy định về nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu trong chính sách dân số trong tình hình mới, có nêu quan điểm: “Đề cao tính tiên phong, gương mẫu của mỗi cán bộ, đảng viên trong việc thực hiện chủ trương, chính sách về công tác dân số, nhất là sinh đủ 2 con, chú trọng nuôi dạy con tốt, gia đình hạnh phúc, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong toàn xã hội”. Như vậy, theo Nghị quyết 21-NQ/TW thì việc đề cao tính gương mẫu trong việc thực hiện chính sách dân số, xây dựng gia đình văn hoá, hạnh phúc vẫn rất cần thiết ở mỗi cán bộ, đảng viên.
Quyền quyết định số con của cặp vợ chồng, cá nhân phù hợp với Hiến pháp năm 2013
Tại Hội thảo “Góp ý, hoàn thiện chính sách trong Luật Dân số và gợi ý chính sách chuyển đổi nhân khẩu học của các nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương” ngày 6/8 do Cục Dân số, Bộ Y tế và các đối tác phối hợp thực hiện, theo Bộ Y tế, vấn đề dân số có liên quan mật thiết đến quyền con người, quyền công dân được quy định trong Hiến pháp 2013 nên cần phải quy định ở cấp độ luật những nội dung liên quan đến quyền con người trong thực hiện chính sách dân số, đồng thời phù hợp với sự biến đổi của cơ cấu dân số. Quy định quyền quyết định số con của cặp vợ chồng, cá nhân phù hợp với Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền công dân; phù hợp với điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên liên quan đến công tác dân số, các cam kết chính trị mà Việt Nam đã đưa ra tại các diễn đàn đa phương về quyền sinh sản.
Việc quy định quyền, nghĩa vụ của mỗi cặp vợ, chồng trong việc sinh con ở Luật Dân số sẽ giúp bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất của chính sách với hệ thống pháp luật. Tuy nhiên, cũng cần nhấn mạnh hiện nay Pháp lệnh Dân số vẫn còn hiệu lực, cơ sở pháp lý cao nhất vẫn là luật hiện hành và các quy định nới lỏng mới chỉ là đề xuất.