Góp vốn vào DN để xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu phố thương mại và siêu thị, nhưng tỉnh lại ra quyết định thu hồi, bạn đọc thắc mắc quyền lợi người góp vốn sẽ được giải quyết thế nào?.
Siêu thị chợ Cuối. |
Trúng đấu giá nhưng lại bị thu hồi
Năm 2006, tỉnh Hải Dương ra quyết định số 4164 phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng khu phố thương mại và siêu thị chợ Cuối tại huyện Gia Lộc và năm 2007, tỉnh Hải Dương ra quyết định số 1487 phê duyệt điểu chỉnh cơ cấu sử dụng đất quy hoạch chi tiết khu phố thương mại và siêu thị chợ Cuối (trong đó diện tích đất ở kết hợp dịch vụ, thương mại là 5.472m2, đất trung tâm thương mại là 3.045m2, diện tích còn lại xây dựng chợ dân sinh, bãi đỗ xe, đường giao thông, cây xanh).
Cùng thời điểm năm 2006, tỉnh Hải Dương phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình: Hạ tầng kỹ thuật khu phố thương mại và siêu thị chợ Cuối huyện Gia Lộc nhằm phát triển mạng lưới chợ và phát triển kinh tế, xã hội địa phương. Cty CP đầu tư Tây Bắc (Cty Tây Bắc) đã đấu thầu và trúng đấu giá quyền sử quyền sử dụng đất để đầu tư xây dựng dự án nói trên. Hiện nay các công trình như siêu thị và một số hạng mục hạ tầng đã được DN xây dựng xong từ tháng 3/2009.
Tuy nhiên, tháng 5/2010, tỉnh Hải Dương đã ra quyết định số 1289 phê duyệt chuyển đổi chủ đầu tư thực hiện dự án, sau đó ra quyết định thu hồi đất mà Cty Tây Bắc đang quản lý, sử dụng tại thị trấn Gia Lộc giao cho UBND huyện Gia Lộc để thực hiện dự án đầu tư xây dựng chợ Cuối.
Quyền lợi người góp vốn sẽ xử lý thế nào?
Theo đơn của bà Hoàng Thị Hồng (32 Phố Cuối, thị trấn Gia Lộc, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương) gửi đến Báo Pháp luật Việt Nam, thì năm 2007, bà là một trong những người dân đã ký hợp đồng góp vốn với Cty Tây Bắc để xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu phố thương mại và siêu thị chợ Cuối tại huyện Gia Lộc. Bà Hồng sẽ được chủ đầu tư ưu đãi bằng việc sau khi xây dựng xong cơ sở hạ tầng thì sẽ ưu tiên nhận quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
Bà Hồng cho biết, dự án này đã được tỉnh Hải Dương phê duyệt và giao cho Cty Tây Bắc làm chủ đầu tư, nhưng sau đó tỉnh Hải Dương ra quyết định chuyển đổi chủ đầu tư dự án sang UBND huyện Gia Lộc và thu hồi đất do Cty Tây Bắc đang quản lý, sử dụng tại địa chỉ nói trên.
Bà Hồng thắc mắc, việc bà góp vốn vào công ty Tây Bắc đúng hay sai?. Sau khi bị tỉnh Hải Dương thu hồi, Cty Tây Bắc có được đền bù không, phương thức đền bù thế nào?. Trách nhiệm của Cty Tây Bắc với người góp vốn sẽ giải quyết ra sao?.
Trả lời Pháp luật Việt Nam, Văn phòng luật sư Nguyễn Thanh cho biết, trên thực tế Cty Tây Bắc đã trúng đấu giá và được tỉnh Hải Dương giao đất. Khi giao đất, tỉnh Hải Dương có đưa ra yêu cầu và cũng là quyền của chủ đầu tư là Cty Tây Bắc “được tự huy động vốn để thực hiện đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật” và “được kinh doanh diện tích đất trúng đấu giá”. Theo đó, việc bà Hồng góp vốn vào dự án là đúng luật.
Cũng theo Văn phòng luật sư Nguyễn Thanh, vì đây là DN hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, đất không có tranh chấp, đã thực hiện xong nghĩa vụ tài chính, Cty Tây Bắc cũng đã được cấp giấy chứng nhận sử dụng đất, đồng thời không như các dự án khác, ngay tên gọi dự án là “Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật khu phố thương mại và siêu thị chợ Cuối”, nên chỉ cần chủ đầu tư triển khai xây dựng hạ tầng kỹ thuật đã có quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất mà không nhất thiết xây dựng nhà ở để chuyển nhượng nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất.
Ngoài ra, đối với trường hợp của bà Hồng, để thực hiện dự án, Cty Tây Bắc có quyền được huy động vốn để đầu tư xây dựng hạ tầng tại dự án theo Bộ luật Dân sự và Điều 19, Luật Kinh doanh bất động sản.
Căn cứ pháp lý khi thu hồi đất và bồi thường
Theo hồ sơ, UBND tỉnh Hải Dương đã thu hồi đất để thực hiện dự án đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ công cộng căn cứ vào Luật đất đai, Nghị định 181/2004/NĐ-CP và Nghị định 17/2006/NĐ-CP. Nhà nước cũng quy định khi thu hồi đất thì người sử dụng đất được bồi thường, hỗ trợ theo quy định tại Luật đất đai, Nghị định 197/2004/NĐ-CP và Nghị định 69/2009/NĐ-CP.
Chính vì vậy, Cty CPĐT Tây Bắc cũng sẽ được bồi thường, hỗ trợ theo quy định hiện hành. Việc thu hồi đất được thực hiện theo quyết định của UBND tỉnh Hải Dương (ngoài mong muốn của chủ đầu tư) dẫn đến đối tượng của hợp đồng góp vốn không còn, hợp đồng sẽ được chấm dứt theo khoản 5 Điều 424 Bộ luật Dân sự 2004.
Việc xử lý hợp đồng góp vốn do hai bên thỏa thuận, trường hợp hai bên không thỏa thuận được thì có thể giải quyết thông qua tòa án. Khoản bồi thường, hỗ trợ của Nhà nước cho chủ đầu tư khi Nhà nước thu hồi đất là cơ sở để tính toán giải quyết quyền lợi của người góp vốn. Chủ đầu tư cũng cam kết sẽ có trách nhiệm đến cùng với những người dân góp vốn vào dự án…
Như Trang