Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Quyết định số 254/QĐ-TTg phê duyệt đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011 - 2015”. Trọng tâm là các giải pháp tập trung xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, trên cơ sở phân nhóm đã và đang được Ngân hàng Nhà nước thực hiện.
Đầu tiên là định hướng là bảo đảm khả năng chi trả của các tổ chức tín dụng yếu kém qua việc tập trung hỗ trợ thanh khoản; trong đó Ngân hàng Nhà nước sẽ tái cấp vốn trên cơ sở các hồ sơ tín dụng có chất lượng tốt với mức tối đa tương đương mức vốn điều lệ của tổ chức đó.
Với các tổ chức tín dụng yếu kém – mối lo không nhỏ, sẽ phải chịu sự giám sát đặc biệt một cách chặt chẽ, toàn diện của Ngân hàng Nhà nước về quản trị, điều hành, tài chính và hoạt động. Ngân hàng thương mại nhà nước và ngân hàng thương mại cổ phần lành mạnh sẽ mua lại các tài sản và khoản nợ có chất lượng tốt của tổ chức tín dụng thiếu thanh khoản để thanh toán các nghĩa vụ nợ đến hạn. Trường hợp cần thiết, Ngân hàng Nhà nước sẽ đặt vào diện kiểm soát đặc biệt.
Sau khi áp dụng các biện pháp đảm bảo khả năng chi trả, tổ chức tín dụng yếu kém được sáp nhập, hợp nhất, mua lại trên cơ sở tự nguyện. Nếu không thực hiện một cách tự nguyện, Ngân hàng Nhà nước sẽ áp dụng các biện pháp sáp nhập, hợp nhất, mua lại trên cơ sở bắt buộc.
Đáng chú ý là đề án trên mở ra một cơ chế đặc biệt là: “Xem xét, cho phép tổ chức tín dụng nước ngoài mua lại, sáp nhập tổ chức tín dụng yếu kém của Việt Nam và tăng giới hạn sở hữu cổ phần của tổ chức tín dụng nước ngoài tại các ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém được cơ cấu lại" (hiện giới hạn tối đa là 30%).
Cùng với những nội dung trên, đề án cũng đưa ra những quan điểm về cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng mà Ngân hàng Nhà nước đưa ra thời gian qua. Định hướng của quá trình cơ cấu lại là nâng cao vai trò của các ngân hàng thương mại nhà nước; tăng nhanh quy mô, năng lực tài chính và nâng cao chất lượng tài sản, xử lý tốt nợ xấu cũng như nâng cao năng lực quản trị, hiện đại hóa… nhóm ngân hàng này để làm nòng cốt cho hệ thống. Với các tổ chức tín dụng thiếu hụt thanh khoản tạm thời, Ngân hàng Nhà nước sẽ thực hiện tái cấp vốn để đảm bảo khả năng chi trả, đi cùng với sự giám sát chặt chẽ…
Về lộ trình, Đề án đã nêu những nhiệm vụ ngay trong năm 2012 và đến các năm kế tiếp cho đến năm 2015… Cuối lộ trình này là tài chính và hoạt động kinh doanh của các tổ chức tín dụng được củng cố, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về vốn và tiêu chuẩn an toàn hoạt động ngân hàng.
Quá trình củng cố, chấn chỉnh, cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng được tiến hành với chi phí thấp nhất, loại trừ nguy cơ đổ vỡ ngân hàng ngoài tầm kiểm soát, bảo đảm giữ vững sự an toàn, ổn định của hệ thống, đồng thời không gây tác động tiêu cực đến sự ổn định kinh tế vĩ mô, an ninh chính trị và trật tự xã hội.
Chúng ta có quyền hy vọng, hệ thống ngân hàng sẽ ngày càng có những đóng góp tích cực cho quá trình đổi mới và phát triển kinh tế đất nước.
Ngô Đức Hành