Song song với hoạt động thanh tra này thì NHNN tỉnh Nam Định cũng tiến hành kiểm tra việc thực hiện Kết luận thanh tra tại chính Quỹ này vào cuối năm 2016.
Tổ chức Đại hội “khống”?
Theo chúng tôi được biết thì Đoàn thanh tra của NHNN tỉnh Nam Định đã kết thúc việc thu thập thông tin, tài liệu tại Quỹ và đang trong quá trình đánh giá tài liệu, hoàn thiện kết luận thanh tra.
Đáng chú ý, khi cuộc thanh tra trên đang được tiến hành thì có thêm đơn thư tố cáo mới của một nguyên Kế toán trưởng Quỹ TDND Liêm Hải phản ánh về một loạt các sai phạm của ông Đồng Ngọc Bình - Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) và ông Nguyễn Xuân Tiển Giám đốc Quỹ TDND Liêm Hải trong quá trình điều hành hoạt động của Quỹ. Một trong số các sai phạm bị tố này là việc lãnh đạo Quỹ đã chi “khống” cả trăm triệu đồng để tổ chức Đại hội thành viên, Hội nghị khách hàng trong năm 2014, 2015 (không tổ chức những vẫn làm chứng từ chi hàng chục triệu/lần).
Những chứng từ thể hiện việc chi tiêu trên hiện vẫn còn trong thời hạn lưu giữ. Trong khi đó, Đại hội hay Hội nghị đều là các hoạt động công khai và có sự tham gia của cả trăm người. Chính vì vậy, việc xác minh việc “chi khống” theo tố cáo trên là không khó. Nhưng theo người tố cáo thì cần phải làm rõ số tiền chi “khống” trong những phi vụ này đã chạy đi đâu để xác định đúng bản chất của sai phạm này là “tham ô”, “cố ý làm trái quy định” hay “lợi dụng chức vụ quyền hạn”…
Trao đổi với phóng viên, một thành viên của Quỹ TDND Liêm Hải (đề nghị được giấu tên) cho biết: “Tôi là thành viên của Quỹ từ những năm đầu thành lập nhưng cuối năm, cũng chỉ thấy các anh ấy gửi cho thùng bia chứ không thấy mời dự Đại hội thành viên thường niên hoặc Đại hội thành viên nhiệm kỳ. Việc Quỹ tăng vốn điều lệ hay thay đổi bộ máy lãnh đạo tôi cũng không được tham gia biểu quyết”.
Như vậy, việc không tổ chức Đại hội thành viên như trên còn là dấu hiệu sai phạm liên quan đến tổ chức và quản lý của Quỹ. Theo quy định, Đại hội thành viên sẽ thảo luận, quyết định về các vấn đề như: Báo cáo công khai tài chính; dự kiến phân phối lợi nhuận và xử lý lỗ; Tăng giảm vốn điều lệ, mức vốn góp của các thành viên; Thông qua danh sách kết nạp thành viên mới; Sửa đổi điều lệ Quỹ…
Vấn đề đặt ra là, nếu không tổ chức Đại hội thành viên thì một loạt các vấn đề quan trọng liên quan đến hoạt động của Quỹ và quyền lợi của các thành viên sẽ được quyết ra sao?
Nhiều quy định lạ
Theo các đơn tố cáo thì nhiều năm nay, Quỹ TDND Liêm Hải tồn tại một quy định nội bộ là, ai có phần vốn góp của thành viên sáng lập (gọi là cổ phần sáng lập) vào năm 2005 thì sẽ được 1 xuất vào làm việc tại Quỹ. Chính vì vậy, nhiều người đã phải trả số tiền khá lớn mua “cổ phần sáng lập” để được vào làm tại Quỹ. Đáng nói, ông Tiển góp vốn vào năm 2007 nhưng vẫn được coi là “cổ phần sáng lập” và ông này đã đương nhiên có xuất vào làm việc tại Quỹ. Còn những người góp vốn cùng năm 2007 thì không được ưu ái như vậy?
Sau quá trình tăng vốn thì hiện nay, vốn góp của ông Tiển và ông Bình tại Quỹ đều là 230 triệu đồng. Mới đây, cả hai ông này đã chuyển nhượng 50 triệu đồng vốn góp của mình cho người khác. Do phần chuyển nhượng này được coi là “cổ phần sáng lập” nên người chuyển nhượng đã bỏ túi được một khoản chênh khá lớn.
Bằng quy định nội bộ và sau những “thủ thuật” tăng vốn góp và chuyển nhượng vốn của ông Bình, ông Tiển thì số “cổ phần sáng lập” đã tăng từ 11 thành 14 người (trong khi đúng ra thì số cổ phần sáng lập phải luôn cố định là 11 như năm 2005). Bất công hơn, lãnh đạo Quỹ đã 2 lần được hưởng quyền ưu tiên “vào làm” của “cổ phần sáng lập”.
Tự cho mình ưu ái nhưng khi phải bù lỗ cho khoản vay của ông T (đội 11 Trực Hải) thì lãnh đạo Quỹ lại bắt các nhân viên cùng chịu. Trước đó, Quỹ đã tiến hành bán tài sản thế chấp (nhà, đất) của ông T, thu về được 320 triệu đồng. Do khoản nợ của ông T là 430 triệu đồng (lỗ 110 triệu) nên lãnh đạo Quỹ trích 55 triệu từ quỹ dự phòng để bù đắp thiệt hại. Việc đền bù 55 triệu đồng còn lại được quy cho một số người nhưng mức đền bù của ông Bình, ông Tiển lại thấp hơn so với các nhân viên.
Trách nhiệm của Giám đốc Quỹ khi cho vay khoản tiền lớn hơn giá trị tài sản thế chấp đã rõ. Nhưng theo người tố cáo thì vụ thua lỗ trên còn làm lộ ra những sai phạm nghiêm trọng là: đất của ông T chỉ là đất nông nghiệp, nhà xây trên đất không hợp pháp (tức là tài sản thế chấp chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà theo quy định); Khi thế chấp không thực hiện đăng ký giao dịch bảo đảm… Như vậy, tài sản bán đấu giá cũng chưa hợp pháp. Đó là chưa kể đến việc Quỹ tự đứng ra bán đấu giá nhà, đất của ông T là không đúng thẩm quyền, không đúng thủ tục theo quy định.
Đáng nói hơn, việc cho vay mà tài sản thế chấp không hợp pháp, không đăng ký giao dịch bảo đảm như trường hợp trên đây diễn ra khá nhiều và tới đây, ai sẽ phải chịu trách nhiệm nếu việc bán tài sản thế chấp không bù đắp được khoản đã cho vay?