Việc người dân có thể khởi kiện vụ án hành chính mà không cần thủ tục khiếu nại và giải quyết khiếu nại được coi là điểm mới quan trọng của Luật Tố tụng hành chính năm 2011. Thế nhưng, quy định tiến bộ này đã bị Toà “vô hiệu hoá” trong 2 vụ kiện của người dân xã Thuỵ Phương đối với người đứng đầu chính quyền cấp huyện, cấp xã ở đây…
Trên bản đồ 1994, khu đất này có ký hiệu là “T” nhưng vẫn bị chính quyền coi là đất vườn. |
Áp dụng lại thủ tục “Tiền tố tụng”
Như PLVN đã thông tin trong số báo ngày 1/11/2011, một số người dân xã Thuỵ Phương đã kiện Chủ tịch UBND xã Thuỵ Phương và Chủ tịch UBND huyện Từ Liêm, Hà Nội, ra toà vì liên quan việc bồi thường GPMB dự án đường vào Khu Công nghiệp Nam Thăng Long. Đó là vụ ông Nguyễn Văn Nhàn khởi kiện Chủ tịch UBND huyện Từ Liêm vì cho rằng Phương án bồi thường xác định sai nguồn gốc đất và không đủ diện tích; không được giải quyết đơn khiếu nại theo quy định.
Vụ án được TAND huyện Từ Liêm thụ lý nhưng khi đến thời hạn phải đưa vụ án ra xét xử thì Toà đã ra Quyết định “Tạm đình chỉ giải quyết vụ án hành chính” vì thấy “Vụ án cần đợi kết quả giải quyết khiếu nại của UBND huyện Từ Liêm”.
Theo Luật sư Vũ Lợi (Cty Luật Hoà Lợi): “Khi không được Chủ tịch UBND huyện giải quyết khiếu nại thì người dân mới khởi kiện vụ án. Nay Toà lại bắt người dân phải chờ bên bị kiện giải quyết khiếu nại là đã đẩy dân vào ngõ cụt. Đây là 1 “biến thể” của thủ tục “tiền tố tụng” 1 thủ tục đã huỷ bỏ bởi Luật Tố tụng hành chính năm 2011”.
Vụ thứ 2 bị “tạm đình chỉ” là vụ kiện của ông Vũ Văn Hiền đối với UBND xã Thuỵ Phương. Quyết định “tạm đình chỉ giải quyết vụ án” được Toà ban hành ngày 27/2/2012 với lý do, ông Hiền có đơn tố cáo Chủ tịch UBND xã Thuỵ Phương và có đơn khiếu nại Quyết định phê duyệt phương án bồi thường của UBND huyện Từ Liêm. Hai đơn trên đang được UBND huyện Từ Liêm giải quyết mà nội dung có liên quan đến yêu cầu khởi kiện của ông Hiền. Vì vậy, Toà án cần đợt kết quả giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo này.
Ngay lập tức, ông Hiền kháng cáo Quyết định tạm đình chỉ trên vì cho rằng Toà đã cố tình gán ghép 2 vụ việc với nhau. Lý giải rõ hơn, ông Hiền cho hay: “Việc tôi khởi kiện Chủ tịch UBND xã về việc xác nhận không đúng về diện tích đất ở, sai thời điểm sử dụng đất khai hoang khác hoàn toàn với việc khiếu nại tới Chủ tịch UBND huyện về Quyết định phê duyệt phương án bồi thường”.
Còn Luật sư Lợi cho rằng, “Khi xét xử, Toà phải độc lập chứ không thể dựa vào kết quả giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo để ra phán quyết được. Người dân hoàn toàn có quyền nghi ngờ về việc trì hoãn giải quyết vụ kiện và sự thiếu độc lập của Toà”.
Bản đồ, Sổ mục kê bị bỏ qua
Năm 1986, các hộ dân trên di dân đến khu vực kinh tế mới Tân Phương và được giao 360 m2 đất/hộ. Theo Giấy sử dụng đất số 1946 (30/4/1986) thì toàn bộ diện tích 20.000m2 là “nhà ở dãn dân” thực tế được giao cho 36 hộ sử dụng. Sau quá trình sử dụng, số liệu đo đạc thực tế của các hộ vào năm 1994 và hiện đều tăng lên so với 360 m2 ban đầu.
Ngoài ra, các hộ sử dụng nhiều thửa đất Ao liền kề. Thế nhưng, UBND xã Thuỵ Phương lại công nhận mỗi hộ chỉ có 200m2 đất ở “theo hạn mức”. Diện tịch còn lại bị coi là đất vườn hoặc lấn chiếm. Sau đó, UBND huyện dựa vào xác minh này để lên phương án bồi thường.
Lý giải với phóng viên về “hạn mức 200m2”, ông Nguyễn Ngọc Nam- Chủ tịch UBND xã Thuỵ Phương viện dẫn nhiều căn cứ như: Thực tế một số dự án giãn dân cùng thời điểm năm 1986; danh sách các hộ tại Tân Phương do Chủ nhiệm HTX Đông Ba lập…Tuy nhiên, ông Nam cố tình bỏ qua một tài liệu có tính pháp lý cao nhất là Bản đồ và Sổ mục kê năm 1994, trong đó thể hiện rõ diện tích của mỗi hộ đều có ký hiệu “T”- tức đất “có mục đích để ở”.
Tài liệu trên còn có một nội dung quan trọng là, tất cả các thửa ao mà ông Nam “quy kết’ các hộ lấn chiếm của UBND xã thì đều không có tên UBND xã sổ mục kê (để trống). Theo quy định của UBND TP Hà Nội thì đây phải được coi là việc các hộ sử dụng đất không có giấy tờ nhưng ổn định và không tranh chấp, đủ điều kiện bồi thường. Tạo sao lại bị coi là “lấn chiếm”?
Để xác minh về nguồn gốc và thời điểm sử dụng đất thì UBND xã Thuỵ Phương đã tổ chức họp vào ngày 14/7/2010. Nhưng thay vì phải lấy ý kiến của Mặt trận tổ quốc cấp xã và những người đã từng cư trú cùng thời điểm bắt đầu sử dụng đất (theo quy định tại Quyết định 108/2009 của UBND TP Hà Nội) thì cuộc họp này lại chỉ có mặt 1 số cán bộ xã và mang tính hình thức để cán bộ địa chính xã “độc diễn”.
Hiện nay, UBND huyện Từ Liêm đã giao cơ quan Thanh tra xem xét lại nguồn gốc, diện tích đất và các phương án bồi thường trên. Trao đỏi với phóng viên, Chánh Thanh tra huyện Từ Liêm Hồ Văn Chinh cho hay, “khoảng đầu tháng 4/2012, chúng tôi sẽ có kết luận để trả lời cho các hộ dân”. Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.
Khoa Lâm