Quyết định số 140/2021/QĐ-TANDTC của TAND Tối cao ban hành Quy chế quản lý, sử dụng xe ô tô phục vụ chức danh, xe ô tô phục vụ công tác chung, xe ô tô chuyên dùng trong hệ thống TAND.
Việc ban hành quy chế nhằm quản lý, sử dụng xe ô tô đúng quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và phát huy tinh thần trách nhiệm của các đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong hệ thống TAND khi sử dụng xe ô tô phục vụ công tác, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả, chống lãng phí.
Theo đó, Quy chế này áp dụng cho cán bộ, công chức và các đơn vị thuộc hệ thống TAND khi quản lý, sử dụng xe ô tô phục vụ chức danh, xe ô tô phục vụ công tác chung, xe ô tô chuyên dùng (gọi tắt là xe ô tô).
Theo Quy chế mới, một số chủng loại xe ô tô sử dụng trong hệ thống tòa án gồm: Xe ô tô phục vụ chức danh là loại xe ô tô 05 chỗ và 07 chỗ ngồi; xe ô tô phục vụ công tác chung là loại xe 07 chỗ ngồi đến 45 chỗ ngồi, có từ 01 cầu đến 02 cầu chủ lực.
Đối với chủng loại xe, nhãn hiệu xe, màu sơn của xe, căn cứ vào tình hình thực tế của nhà sản xuất cung ứng ra thị trường tại thời điểm trang bị, do Chánh án TAND Tối cao quyết định. Các xe này sau khi mua từ nhà sản xuất đưa vào lưu hành thì gắn biểu tượng (logo) của TAND hai bên cửa trước xe với đường kính của logo là 20cm đối với xe ô tô 7 chỗ ngồi; 25cm đối với xe 16 chỗ ngồi; xe ô tô chuyên dùng để phục vụ cho hoạt động của các đơn vị và thực hiện chức năng, nhiệm vụ chính trị của hệ thống TAND theo quy định của pháp luật.
Đáng chú ý, liên quan đến chế độ sử dụng xe ô tô phục vụ công tác đối với các chức danh có tiêu chuẩn sử dụng xe, Quy chế mới của TAND Tối cao quy định: Xe ô tô phục vụ Chánh án, Phó Chánh án, Thẩm phán TAND Tối cao và các chức vụ có hệ số phụ cấp lãnh đạo từ 1,25 trở lên được Nhà nước bố trí, trang bị sử dụng xe ô tô theo nhu cầu công tác.
Còn cán bộ, lãnh đạo có hệ số phụ cấp lãnh đạo từ 0,7 đến dưới 1,25 và các đối tượng khác khi có nhu cầu sử dụng xe ô tô phục vụ công tác chung, xe ô tô chuyên dùng thì thủ trưởng các đơn vị căn cứ vào số lượng xe ô tô hiện có trong từng thời điểm quyết định bố trí xe ô tô phục vụ công tác cho các đối tượng này đảm bảo đúng quy định và hiệu quả.
TAND Tối cao cũng cho biết sẽ xử lý nghiêm đối với việc mua sắm, trang bị, thanh lý, điều chuyển, cho thuê, cho mượn xe ô tô không đúng thẩm quyền, vượt tiêu chuẩn định mức của Nhà nước gây thiệt hại tài sản, kinh phí của Nhà nước thì người ra quyết định và các cá nhân có liên quan phải bồi thường thiệt hại đồng thời bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Đối với việc quản lý, sử dụng xe ô tô không đúng quy định thì thủ trưởng cơ quan, đơn vị và các cá nhân liên quan phải chịu trách nhiệm về việc sử dụng ô tô trái với quy định của Nhà nước; tùy theo tính chất, mức độ của hành vi vi phạm và mức độ thiệt hại mà phải bồi thường thiệt hại, đồng thời bị xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật.
Tập thể, cá nhân thực hiện tốt Quy chế này sẽ được biểu dương khen thưởng. Tập thể, cá nhân vi phạm Quy chế này tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật, hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Việc thực hiện Quy chế này là một căn cứ để bình xét thi đua, khen thưởng hàng năm và đánh giá nhận xét cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong đơn vị.