“Vừa có tiếng, vừa có miếng, tội gì không thi chui”
Đó là “tuyên ngôn” và “kim chỉ nam” của một số người đẹp Việt. Đây cũng là lý do những năm gần đây, hàng loạt các người đẹp tham dự các cuộc thi nhan sắc ngoài nước mà không xin phép cơ quan quản lý ngành văn hóa. Dư luận có thể dễ dàng điểm tên một số gương mặt “xé rào” thi chui. Giữa tháng 10 vừa qua, người mẫu Lâm Thùy Anh tham gia cuộc thi Hoa hậu Sắc đẹp Hoàn cầu tổ chức tại Hàn Quốc.
Trước đó, Nguyễn Thị Quỳnh Nga tham gia cuộc thi Hoa hậu Đông Nam Á tại Malaysia; Huỳnh Thúy Anh tham gia Hoa hậu Cộng đồng người Việt (Mỹ) và Hoa hậu liên lục địa (Đức); Tường Vy, Quế Vân tham gia Hoa hậu người Việt thế giới (Mỹ); Kim Duyên tham gia Hoa hậu Việt Nam toàn cầu (Mỹ); Cao Thùy Linh tham gia Hoa hậu quốc tế (Thái Lan), Diệu Linh tham gia cuộc thi Hoa hậu Du lịch quốc tế; Phan Hoàng Thu tham gia Hoa hậu Đông Nam Á.
Sở dĩ các cô gái này chọn con đường thi chui bởi họ đều là những người đẹp ít tên tuổi, không có nhan sắc quá nổi bật. Đặc biệt, họ không có giải thưởng trong nước. Mà theo quy định, họ phải có giải thưởng mới được Cục Nghệ thuật biểu diễn, cơ quan chức năng cấp phép để đường hoàng đi thi quốc tế.
Các người đẹp đi thi đã vi phạm Nghị định 79 quy định về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, người đẹp, người mẫu. Biết mình bị xử phạt hành chính nhưng không vì thế khiến họ “chùn bước”. Với số tiền xử phạt 30 triệu trở xuống quá “hẻo” so với những gì họ kiếm được.
Bỏ ra 30 triệu tiền phạt cùng một số chi phí tham gia dự thi những cuộc thi tầm cỡ… “ao làng” ở xứ người, họ nhiễm nhiên dắt túi danh hiệu Hoa hậu, Á hậu gắn mác quốc tế. Chưa kể tới việc, việc phạm luật do thi “chui” bỗng chốc tên tuổi của các cô nàng “vô danh” trở nên “nổi bần bật” trên các phương tiện truyền thông mà không tốn tiền, công sức quảng bá.
Các người đẹp này điềm nhiên bước vào làng giải trí với các quảng cáo, hợp đồng dự sự kiện, đóng phim, chụp ảnh… cùng với số tiền catxe tăng gấp vài chục lần so với thời “vô danh”. Rất nhiều cô gái sau khi kiếm “tí tiếng” ở các cuộc thi quốc tế (dù trong nước không công nhận danh hiệu đó) đã kiếm vô số “miếng” ở làng giải trí với tiền tỉ, nhà lầu, xe hơi với các đại gia tháp tùng.
Theo quy chế, ngoài việc bị xử phạt thì những giải thưởng họ đạt được cũng sẽ không được thừa nhận tại Việt Nam. Nhưng trên thực tế, đi đâu họ cũng “ngạo nghễ” xưng danh với danh hiệu đi kèm mà chẳng có ai “tuýt còi”.
Việc các người đẹp đi thi, sẵn sàng chịu phạt để mong được nổi tiếng, bước chân vào showbiz như thách thức các nhà quản lý. Cục Nghệ thuật biểu diễn đang tìm giải pháp mạnh hơn bằng đề nghị tạm dừng xuất cảnh và cấm hoạt động biểu diễn, quảng cáo 3 tháng đối với các thí sinh thi chui lần thứ 2 trở lên.
Trước giải pháp này, một người đẹp đoạt giải cuộc thi quốc tế bật cười: “Việc thi chui một lần, kiếm giải thưởng gắn mác quốc tế cũng đủ để tôi “thăng hạng”, “lên xe, xuống ngựa” rồi, cần gì phải thi chui lần nữa!”. Nếu có hiệu lực, “án phạt” này cũng chẳng đủ để một số người đẹp sợ. Có cô nàng mạnh miệng: “Cấm hoạt động biểu diễn 3 tháng nhằm nhò gì. Thời gian đó, mình tút thêm nhan sắc để 3 tháng sau tha hồ “chinh chiến” với các danh hiệu đẳng cấp… quốc tế.”
Lâm Thùy Anh |
“Can thiệp thẩm mỹ”- tại sao không?
Các nhà quản lý không chỉ “đau đầu” việc “xé rào” đi thi chui của người đẹp mà họ còn đối mặt với việc người đẹp “lách luật” để đi thi hoa hậu. Theo Thông tư 03/2013/TT-Bộ VH-TT&DL quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định 79/2012 về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu... quy định rõ thí sinh của các cuộc thi người đẹp trong nước phải có vẻ đẹp tự nhiên, không qua phẫu thuật thẩm mỹ.
Tuy nhiên, với công nghệ làm đẹp phát triển như hiện nay thì nhiều khi việc thay đổi cấu trúc gương mặt trở nên đẹp hơn mà không cần đến việc phải mổ xẻ. Thay vào đó là khái niệm “can thiệp thẩm mỹ”. Điều này giúp cho tránh để lại dấu vết khi thi sắc đẹp mà vẫn đạt được hiệu quả. Các chuyên gia sẽ tiêm butox hoặc filler- một dạng chất lỏng vào vị trí cần chỉnh sửa, vừa không để lại dấu vết mà vẫn đạt được hiệu quả với thời gian nửa năm.
Và rất nhiều người đẹp đã “khôn khéo” sử dụng “can thiệp thẩm mỹ” “tút” nhan sắc tham gia đấu trường sắc đẹp. Chẳng lạ khi rất nhiều cuộc thi hoa hậu, người đẹp xì xèo cô này độn cằm, cô kia sửa mũi nhưng không tìm ra “vết tích” dao kéo. Tất nhiên, vì không có “chứng cứ” nên các cô “can thiệp thẩm mỹ” không vi phạm quy chế dự thi, ung dung lĩnh giải thưởng mà không vướng trở ngại nào.
Điều này khiến nhiều cô gái “mộc mạc” khác cảm thấy bất công nhưng đành phải chịu vì… “quy chế nó vậy”. Dù biết bất công nhưng dĩ nhiên, các nhà quản lý không thể xử phạt cũng như tước giải thưởng. Và, điều bất công nữa là quy định, quy chế cứ mãi “mướt mải” đuổi theo… các người đẹp.