Theo thống kê trong tự điển nơi thờ cúng ghi đời Lê Hiển Tông, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 24 (1763) thì ở vùng dãy núi Tam Đảo có 54 tổng xã có đền thờ Quốc Mẫu Tây Thiên.
Trong đó, di tích quan trọng nhất là trung tâm của tục thờ Quốc Mẫu Tây Thiên, đó là Đền Thượng Tây Thiên trên ngọn núi Thạch Bàn, bên cạnh chùa Tây Thiên, đền Mẫu sinh ở Đông Lộ, thuộc xã Đại Đình, huyện Tam Đảo; đền Xóm Xím, thuộc Đông Lộ là đền Mẫu hóa, Đền Ngò thuộc xã Sơn Đình là nơi xưa kia Mẫu luyện quân đánh giặc....
Như vậy, không gian phân bố các đền thờ Quốc mẫu Tây Thiên đã tạo thành không gian thiêng, không gian văn hóa thờ Quốc mẫu. Đặc biệt, ngoài địa bàn này ra, ở nước ta không có nơi nào có không gian tục thờ Quốc Mẫu Tây Thiên trùng hợp với không gian thờ Phật.
Có thể nói, nơi nào có đền thờ Quốc Mẫu thì cũng chính nơi đó có chùa thờ Phật. Do vậy, mối quan hệ giữa Phật và Mẫu ở đây có mối liên hệ khăng khít khó lý giải.
Theo nhiều nhà nghiên cứu và thực tế cũng chứng tỏ Tây Thiên là nơi Phật giáo du nhập và phát triển từ rất sớm. Ngay trong khu danh thắng Tây Thiên với chiều dài 11 km, chiều ngang khoảng 1 km đã có tới 8 ngôi chùa, trong đó có Chùa Đồng cổ ở chân núi Thạch Bàn, nơi các nhà nghiên cứu tìm thấy các di tích khảo cổ thuộc thời Lý Trần.
Có thể nói ở đây chùa thờ Phật và đền thờ Quốc Mẫu luôn luôn cặp đôi với nhau, nói cách khác, nơi nào có đền Mẫu thì có chùa và ngược lại. Các nhà nghiên cứu địa phương cho rằng, các ngôi chùa ở Tây Thiên không chỉ là chùa làng, mà chắc rằng trong lịch sử, nơi đây đã từng là một trong các trung tâm Phật giáo lớn của nước ta. Ngay cái tên Tây Thiên đã gợi nên ý niệm về cõi Phật, giống như Tây Trúc ở Ấn Độ.
Ngày nay, ngoài các ngôi chùa cổ, Phật giáo Việt Nam đã xây dựng Thiền Viện Tây Thiên, một trung tâm tu hành, nghiên cứu và giảng dạy Đạo Phật của nước ta. Chính sự du nhập, kết hợp Mẫu - Phật, Phật - Mẫu không chỉ nâng tầm của việc thờ Mẫu Tây Thiên mà còn quảng bá rộng hơn cho Phật giáo.
Hiện tượng thờ Quốc Mẫu Tây Thiên còn thể hiện sự tích hợp văn hóa liên tộc người. Hiện tại, trên địa bàn các nơi thờ Quốc Mẫu Tây Thiên, đặc biệt ở các ngôi đền Mẫu Hóa, Mẫu Sinh đều là làng của người Sán Dìu. Họ không chỉ là chủ nhân thờ phụng Mẫu ở các ngôi đền chính này, mà còn tích cực tham gia các lễ hội hàng năm vào các dịp ngày đản và ngày kỵ Quốc Mẫu.
Khi chúng tôi hỏi các cụ người Sán Dìu thì họ đều khẳng định Quốc Mẫu Tây Thiên chính là vị Mẫu thần của dân tộc họ và họ tham gia lễ hội với tư cách là chủ nhân văn hóa. Như chúng ta biết, người Sán Dìu (Sơn Nhân) là tộc người thiểu số ở nam Trung Quốc di cư vào nước ta khoảng trên dưới 300 năm nay. Có thể giải thích hiện tượng này từ cơ sở tương đồng văn hóa.
Rất có thể ngay từ quê hương xưa, họ đã từng tôn thờ vị nữ thần núi, khi đến Việt Nam, họ đã sớm hòa nhập vào việc tôn thờ Quốc Mẫu Tây Thiên và coi đó như là văn hóa tín ngưỡng của chính mình. Sự hội nhập văn hóa này khiến cho mối quan hệ giữa người Việt và người Sán Dìu trong vùng càng trở nên gắn bó và đoàn kết hơn.
Đó cũng là nét độc đáo của truyền thống văn hóa của nhân dân vùng Tây Thiên Vĩnh Phúc. Tục thờ Mẫu ở Tây Thiên đã là yếu tố cốt lõi tạo nên một không gian văn hóa tâm linh với vẻ đẹp thiên nhiên vừa hùng vĩ vừa thơ mộng, ở đó các di tích kiến trúc thờ cúng đã có tuổi lâu đời, ít nhất cũng từ thời Lý, Trần...