Quảng Ninh: Quyết liệt “tuyên chiến” với thực phẩm bẩn

Quảng Ninh: Quyết liệt “tuyên chiến” với thực phẩm bẩn
(PLO) -  Bước vào thời gian cao điểm mùa du lịch, nhiều biện pháp quyết liệt “tuyên chiến” với thực phẩm bẩn của chính quyền tỉnh là rất cần thiết, vì mục tiêu an toàn cuộc sống cho người dân và hàng triệu du khách đến với Quảng Ninh.

Phát hiện 2.635 cơ sở vi phạm về ATTP  

Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh hiện có 17.129 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, trong đó có 2.059 cơ sở nuôi trồng, sơ chế, chế biến nông, lâm sản thủy sản; 9.442 cơ sở kinh doanh thực phẩm; 5.628 cơ sở dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố. Hàng nghìn tấn thực phẩm được sử dụng mỗi ngày, từ nhiều nguồn cung cấp trong tỉnh, ngoài tỉnh và nhập khẩu với đa dạng, phong phú chủng loại. Do vậy, nguy cơ mất vệ sinh ATTP trên địa bàn luôn tiềm ẩn.

Trong 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh đã tổ chức 625 đoàn thanh tra, kiểm tra. Trong đó có 406 đoàn thanh, kiểm tra liên ngành từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở; 219 đoàn thanh tra, kiểm tra chuyên ngành về ATTP.

Tổng số cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm đã được thanh, kiểm tra là 14.886 cơ sở, phát hiện 2.635 cơ sở vi phạm về ATTP (chiếm 17,3%), lập biên bản xử phạt vi phạm 812 cơ sở với số tiền 2,7 tỷ đồng; đôn đốc, nhắc nhở 1.447  cơ sở chấp hành các quy định bảo đảm ATTP. Trong quá trình thanh tra, kiểm tra đã phát hiện, tịch thu, tiêu hủy nhiều loại thực phẩm không bảo đảm ATTP của 367 cơ sở, ước tính giá trị  khoảng 3 tỷ  đồng.

Bên cạnh công tác tăng cường thanh tra, kiểm tra, tỉnh Quảng Ninh đặc biệt quan tâm tới hoạt động tuyên truyền, giáo dục làm thay đổi nhận thức cho người dân, nhất là những chủ cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm về vấn nạn này. Nhờ sự vào cuộc tích cực của các cơ quan chức năng, trong 6 tháng đầu năm, có 59 sự kiện, lễ hội dài ngày trên địa bàn tỉnh được kiểm soát bảo đảm tuyệt đối không để xảy ra ngộ độc thực phẩm.  

Tuy nhiên, trước vấn nạn thực phẩm bẩn tràn lan như hiện nay, bên cạnh những kết quả bước đầu đạt được, ông Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh cũng thẳng thắn chỉ rõ, công tác thanh, kiểm tra, giám sát ATTP trong sản xuất kinh doanh sản phẩm thực phẩm nông lâm, thủy sản chưa thường xuyên; còn nương nhẹ với các cơ sở sản xuất vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm; một số địa phương chưa công khai danh tính các cơ sở vi phạm trên các phương tiện truyền thông đại chúng; sự phối hợp của các ngành, các địa phương chưa chặt chẽ, sự chủ động của một số đơn vị chưa cao.

Những biện pháp quyết liệt được thực thi ngay

Đó là ý kiến chỉ đạo của ông Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo liên ngành về sinh ATTP tỉnh trong hội nghị giao ban công tác vệ sinh an toàn thực phẩm 6 tháng đầu năm.

Lực lượng liên ngành kiểm tra cơ sở kinh doanh rượu
Lực lượng liên ngành kiểm tra cơ sở kinh doanh rượu

Tinh thần chung trong thời gian tới, tiếp tục sự vào cuộc và nâng cao nhận thức về vệ sinh ATTP của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, trong đó công tác quản lý Nhà nước về ATTP của các cấp chính quyền và lực lượng chức năng từ tỉnh đến cơ sở phải hiệu quả, quyết liệt hơn, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong quá trình triển khai thực hiện.

Triển khai các biện pháp cụ thể, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, chính quyền cơ sở phải chịu trách nhiệm và kiểm soát chặt chẽ các chợ đầu mối, các nguồn cung cấp thực phẩm, nhất là thực phẩm không có nguồn gốc; lập đường dây nóng và công khai những sản phẩm không an toàn để nhân dân được biết, tuyên truyền về hình thức xử lý nghiêm minh đối với các hành vi vi phạm, đưa một số vụ việc nghiêm trọng ra xét xử công khai. 

Cương quyết di dời các cơ sở giết mổ đan xen trong khu dân cư vào khu giết mổ tập trung, không để các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ còn tồn tại; lực lượng chức năng phải tiến hành kiểm tra, thanh tra đột xuất, và thông báo công khai ngay các cơ sở không đảm bảo vệ sinh ATTP trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Điều chỉnh cơ chế, chính sách cho hợp lý, nhất là đối với một số cơ sở giết mổ, cơ sở nuôi trồng và chế biến thực phẩm với quy mô lớn, khuyến khích các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất sản phẩm an toàn theo công nghệ cao và các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp để dần chiếm lĩnh thị trường, đáp ứng nhu cầu của nhân dân trong tỉnh.

Tỉnh sẽ ưu tiên đầu tư các trang thiết bị để nâng cao năng lực kiểm nghiệm đạt chuẩn của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, phục vụ quản lý nhà nước về ATTP. Trang bị phương tiện hiện đại cho lực lượng chức năng kiểm tra, xét nghiệm các mẫu thực phẩm trong thời gian ngắn nhất. 

Các ngành chức năng phối hợp các cơ quan truyền thông tiếp tục phát huy, đẩy mạnh hơn nữa hoạt động truyền thông, giáo dục, nâng cao nhận thức người tiêu dùng bằng nhiều hình thức, ưu tiên tuyên truyền các cửa hàng thực phẩm an toàn, sản phẩm an toàn giúp người dân trở thành người tiêu dùng thông minh. 

Ngoài ra, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các địa phương tổ chức các lớp đào tạo bồi dưỡng cán bộ, nhất là cán bộ cơ sở; cấp huyện, cấp xã củng cố Ban chỉ đạo và đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong việc triển khai nghiêm túc chỉ đạo của tỉnh.

Đọc thêm

Rước họa vì thói quen nhiều người hay làm

Bệnh nhân nhập viện vì uống thuốc nam không rõ nguồn gốc. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
(PLVN) -  Liên tiếp trong thời gian gần đây, các bác sĩ tại các bệnh viện thường tiếp nhận nhiều trường hợp cấp cứu vì tự ý uống thuốc nam không rõ nguồn gốc. Điều đáng nói, nhiều người hiện nay tự ý sử dụng các loại thuốc này để điều trị nhiều căn bệnh như: Viêm gan B, sỏi túi mật….

Không dễ dãi với mặt hàng đặc thù liên quan sức khỏe

Ảnh minh họa.
(PLVN) - Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược (dự kiến được trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 vào tháng 5/2024), mới đây khi được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đã được chỉ ra một số nội dung cần xem xét.