Để công tác bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) được triển khai hiệu quả, đạt được chỉ tiêu kế hoạch về ATTP và các chỉ tiêu Chương trình mục tiêu Quốc gia về ATTP trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, 6 tháng đầu năm 2017, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo liên ngành về ATTP tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành kịp thời. Trên cơ sở đó, UBND các địa phương đã ban hành 216 công văn, 229 kế hoạch, 193 quyết định và nghiêm túc triển khai theo chỉ đạo của UBND tỉnh và phối hợp tích cực với các sở, ngành của tỉnh về công tác bảo đảm ATTP tại địa phương.
Về công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về ATTP, trong 6 tháng đầu năm 2017, toàn tỉnh đã thực hiện trên 11.245 lượt phát thanh, truyền thanh; 485 lượt phóng sự, tin bài trên sóng truyền hình và 3.000 lượt tin, bài, ảnh tuyên truyền về vệ sinh ATTP trên các ấn phẩm của Báo Quảng Ninh; 4.500 cuốn tài liệu về ATTP, trên 11.600 băng rôn, khẩu hiệu, áp phích, phướn thả, 96.170 tờ gấp; 4.300 đĩa tiếng, đĩa hình; 22.800 cuốn bản tin ATTP khoa học và công nghệ; 800 tập tin về ATTP. Hiện có 22/22 thủ tục hành chính (TTHC) liên quan đến ATTP đều thực hiện tại Trung tâm Hành chính công.
Trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo liên ngành về ATTP tiếp tục kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc hàng hóa trên địa bàn; chú trọng vấn đề tem nhãn sản phẩm; đổi mới, đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho tập trung vào người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng; các đoàn liên ngành tăng cường thanh, kiểm tra đột xuất doanh nghiệp, cơ sở, nhà hàng và xử lý nghiêm túc các trường hợp vi phạm ATTP; đầu tư trang thiết bị kiểm tra các mẫu thực phẩm (test nhanh) tại các điểm chợ. Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu các đơn vị; các đơn vị sản xuất rượu cần công bố trên phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống cung cấp cho người tiêu dùng được biết; xây dựng chợ đầu mối của tỉnh vừa là sản phẩm du lịch vừa đáp ứng được các thực phẩm đảm bảo ATTP để cung cấp cho người tiêu dùng, đồng thời rà soát và nâng cấp, cải tạo chợ du lịch của các địa phương. Đồng thời chú trọng công tác tuyên truyền, tăng cường đổi mới hình thức nội dung truyền thông cho người dân biết để mỗi người dân là một người “tiêu dùng thông thái”.