Chính sách cần phù hợp với địa phương
Thông tin về dự thảo Luật Nhà giáo, ông Đặng Văn Bình - Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho biết, với sự nghiêm túc, chuẩn bị kỹ lưỡng trong thời gian dài, đến tháng 4/2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhất trí đưa việc xây dựng Luật Nhà giáo vào Chương trình xây dựng luật năm 2024 của Quốc hội khóa XV.
“Dự thảo Luật Nhà giáo có những điểm mới như định danh nhà giáo; quyền và nghĩa vụ nhà giáo, những hành vi bị nghiêm cấm; chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo; tuyển dụng, sử dụng nhà giáo; đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo; chính sách tiền lương, đãi ngộ, tôn vinh đối với nhà giáo. Bộ GD&ĐT mong muốn tiếp tục nhận được nhiều đóng góp để hoàn thiện bộ luật quan trọng này”, ông Đặng Văn Bình cho hay.
Đồng tình với các đại biểu về đề xuất “tiền lương của nhà giáo được xếp cao nhất so với hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp”, TS. Vũ Thị Lan - Phó Chủ tịch Hội Cựu giáo chức Bộ GD&ĐT mong muốn trong luật cần có quy định cụ thể về vai trò của địa phương trong việc đầu tư các chế độ, chính sách cho nhà giáo. Với những vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn… Nhà nước nên có quy định bắt buộc, phù hợp với từng địa phương để địa phương có trách nhiệm cao trong việc quan tâm đến chế độ chính sách cho nhà giáo.
Về quy định chứng chỉ hành nghề nhà giáo trong dự thảo Luật, GS.TS Nguyễn Ngọc Phú - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục Việt Nam đề nghị, việc cấp chứng chỉ hành nghề, trước hết phải thông qua một Hội đồng khoa học, có các nhà khoa học chuyên ngành tham dự và phải được thực hiện ở chính các trường nơi giáo viên, giảng viên đang hành nghề giảng dạy.
Theo TS. Vũ Thị Bình - Phó Giám đốc, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại tỉnh Lào Cai, cần tăng cường công tác truyền thông để mọi tầng lớp Nhân dân hiểu rõ hơn về vai trò và trách nhiệm của nhà giáo, từ đó tôn trọng và hợp tác với nhà giáo. Đồng thời, đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát bảo đảm việc thực thi Luật Nhà giáo minh bạch, nghiêm túc và hiệu quả; xây dựng môi trường làm việc chuyên nghiệp, tạo điều kiện để nhà giáo có thể phát huy tối đa khả năng sáng tạo, nghiên cứu và giảng dạy.
Cần thay đổi chính sách quản lý nhà giáo
Vừa qua, tại thành phố Đà Nẵng, đại diện 60 Sở GD&ĐT cũng đã góp ý dự thảo hồ sơ Luật Nhà giáo. Bên cạnh góp ý sửa đổi, bổ sung vào từng điều khoản để Ban soạn thảo hoàn thiện dự thảo Luật, ý kiến từ các Sở GD&ĐT cũng đề nghị bổ sung thêm một số nội dung chưa quy định trong dự thảo như: quy định về thời hạn của chứng chỉ hành nghề, nhà giáo được điều động lên làm tại các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục, quy định phụ cấp ưu đãi nghề cho giáo viên mầm non công lập…
Một số ý kiến cho rằng, dự thảo Luật cần quy định chi tiết hơn về thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi, các biện pháp bảo vệ nhà giáo trước áp lực công việc, áp lực từ phía phụ huynh học sinh, nhà trường, xã hội,… Và các công việc khác không liên quan trực tiếp đến nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục, đặc biệt là đối với nhà giáo ở các vùng khó khăn.
Tiền lương của nhà giáo nên được xếp cao nhất so với hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp vì phải bảo đảm đời sống cho nhà giáo thì nhà giáo mới yên tâm công tác, cống hiến; đúng với chủ trương của Đảng “giáo dục là quốc sách hàng đầu”. Một số mong mỏi của nhà giáo như không nên cắt thâm niên của nhà giáo, không bỏ hạng giáo viên… cũng được nhiều ý kiến góp ý.
Theo GS.TS Nguyễn Thị Mỹ Lộc, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, khái niệm về nhà giáo, cán bộ quản lý cần được thể hiện tỏ tường trong dự thảo Luật. Có thực trạng là, nhiều giáo viên không muốn chuyển đổi công tác tại Phòng GD&ĐT, Sở GD&ĐT vì bị mất phụ cấp đứng lớp. Vì thế, nếu không thay đổi chính sách sẽ rất khó khi đề bạt giáo viên lên làm việc ở các đơn vị này. “Chúng ta không thể quản lý nhà giáo như những viên chức vì sản phẩm của nhà giáo là con người và nhân cách. Đây cũng là vấn đề cần đặt ra trong dự thảo Luật”, GS.TS Nguyễn Thị Mỹ Lộc nêu quan điểm.
Đồng thời cho rằng, đã đến lúc phải thay đổi chính sách quản lý nhà giáo. Theo đó, Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT phải có thẩm quyền tuyển dụng, điều động giáo viên trên trong địa phương của mình. Giám đốc Sở GD&ĐT phải có quyền cao nhất về lĩnh giáo dục ở địa phương…
Theo Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục Nguyễn Minh Đức, Luật Nhà giáo được xây dựng nhằm tháo gỡ vướng mắc, kiến tạo sự phát triển của đội ngũ nhà giáo và phù hợp với điều kiện phát triển của đất nước. Do đó, trong quá trình hoàn thiện, Ban soạn thảo mong muốn tiếp tục nhận được ý kiến từ các Sở GD&ĐT, các thầy cô…