Báo PLVN số 269 ra ngày 26/9/2011 và số 278 ra ngày 5/1/2011 có loạt bài phản ánh việc khởi tố chưa thuyết phục của Cơ quan Cảnh sát Điều tra (CQĐT) - Công an tỉnh Nghệ An đối với nguyên Phó Trưởng phòng TN&MT huyện Yên Thành Hoàng Thanh Long trong vụ sập mỏ đá Lèn Cờ khiến 18 người thiệt mạng vào tháng 4/2011…
Sau khi bài báo phản ánh, ngày 9/11/2011, CQĐT Công an tỉnh Nghệ An đã ra quyết định đình chỉ điều tra bị can Long. Tuy nhiên, ngày 19/9/2012, ông Long lại bị phục hồi điều tra và bị truy tố nhưng không hề có tình tiết mới; đồng thời, thêm một “quan” huyện khác bị truy tố trong khi những người chịu trách nhiệm chính được “tha” một cách khó hiểu
Vụ sập mỏ đá Lèn Cờ (Yên Thành, Nghệ An) ngày 1/4/2011 khiến 18 người chết thảm. Ảnh: M.H |
Không có tình tiết mới vẫn truy tố
Trước khi ông Long bị phục hồi điều tra, CQĐT, VKSND tỉnh Nghệ An đã họp phân tích, đánh giá đưa ra những căn cứ để đình chỉ điều tra đối với ông Long. Quyết định đình chỉ điều tra ngày 9/11/2011 của CQĐT Công an tỉnh Nghệ An nêu rõ, sau khi tiến hành điều tra thấy hành vi của ông Long không còn gây nguy hiểm cho xã hội, hậu quả của vụ tai nạn đã được khắc phục nên không cần thiết phải xử lý bằng biện pháp hình sự. Ngày 26/7/2012, cơ quan này có văn bản gửi UBND huyện Yên Thành đề nghị xử lý kỷ luật đối với ông Long, nên ngày 5/92012, Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Yên Thành đã kỷ luật ông Long với hình thức cảnh cáo.
Nhưng hai tuần sau, ngày 19/9/2012, CQĐT quyết định phục hồi điều tra đối với ông Long; chỉ 3 ngày sau (22//9/2012), kết luận điều tra bổ sung được hoàn tất và ngày 5/10/2012, VKSND tỉnh Nghệ An ra cáo trạng truy tố trong khi so với kết luận điều tra trước đây, hành vi của ông Long không hề có tình tiết mới; việc hoàn tất hồ sơ nhanh đến mức khiến dư luận đầy nghi ngờ.
Theo cáo trạng, ông Long bị truy tố tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Ông Long là Phó Phòng TN&MT huyện Yên Thành, được UBND huyện phân công làm trưởng 2 đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra việc khai thác khoáng sản tại mỏ đá Lèn Cờ (vào ngày 30/3/2010 và ngày 8/12/2010) nhưng đều không phát hiện được sai phạm của mỏ đá là mở moong khai thác về phía Tây Nam trong khi thẩm định không cho phép vì nguy hiểm, là nguyên nhân gây tai nạn.
Tương tự như ông Long, hành vi của ông Nguyễn Công Hải - lúc đó là Phó Phòng Công Thương UBND huyện Yên Thành, phó đoàn kiểm tra - nhưng hai cuộc kiểm tra liên ngành không phát hiện được quá trình khai thác khoáng sản không đúng với thiết kế đã được phê duyệt để báo cáo cơ quan có thẩm quyền đình chỉ việc khai thác.
Việc cơ quan công tố quy tội cho hai ông phó phòng nói trên là không đúng. Theo quy định, cấp huyện không hề được giao quyền kiểm tra quy trình khai thác mỏ, tức là không có chức năng quản lý nhà nước về công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản.
Tại mục 2 điều 6 Nghị định số 160/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 của Chính phủ quy định và hướng dẫn thi hành Luật Khoáng sản và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khoáng sản quy định thẩm quyền và trách nhiệm quản lý nhà nước về khoáng sản của UBND cấp huyện: “Thực hiện các biện pháp quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản, môi trường, an toàn lao động trong hoạt động khoáng sản; bảo đảm an ninh, trật tự xã hội tại các khu vực có khoáng sản”. Việc quản lý quy trình khai thác mỏ được giao cho các sở chuyên ngành tại Nghị định số 160/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005: “Sở TN&MT, Sở Công nghiệp, Sở Xây dựng giúp UBND cấp tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về khoáng sản; công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản....”.
Trong đó, trách nhiệm chính thuộc về Sở TN&MT: “Thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động khoáng sản của các tổ chức, cá nhân....” và “tổ chức thẩm định hồ sơ về việc cấp, gia hạn, thu hồi, trả lại giấy phép hoạt động khoáng sản”… “Với nhiệm vụ và quyền hạn lớn như vậy, nhưng mỏ đá Lèn Cờ trong giai đoạn cấp phép từ tháng 4/2007 đến khi gia hạn giấy phép tháng 8/2010 và đến thời điểm xảy ra tai nạn tháng 4/2011, Sở TN&MT không hề có một đoàn kiểm tra nào. Vậy họ có thiếu trách nhiệm không?”, ông Long nói.
Trách nhiệm quản lý quy trình khai thác mỏ không thuộc về cấp huyện nên việc UBND huyện Yên Thành giao cho đoàn kiểm tra quy trình khai thác mỏ là vượt thẩm quyền, là giao việc sai. Thực tế, cấp huyện cũng không thể đủ điều kiện và chuyên môn để kiểm tra thiết kế mỏ, phát hiện ra sai phạm của mỏ đá, nên kết luận hai ông “quan” huyện thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng là không có căn cứ và nhầm người.
“Bản thân tôi không có bằng cấp chuyên môn khai thác mỏ, về mặt thẩm quyền chúng tôi cũng không được kiểm tra qui trình khai thác mỏ nên không thể nói là chúng tôi thiếu trách nhiệm được. Hơn nữa, thời điểm kiểm tra trước khi tai nạn 1 năm, có biết bao nhiêu thay đổi và sai phạm trong suốt một năm đó mà không làm rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý thì không hề công bằng, nếu cứ đổ hết trách nhiệm cho cấp huyện thì cấp tỉnh làm gì trong việc quản lý khai thác khoáng sản?” - ông Hải chua xót nói.
Thoát tội khó tin !
Ông Long, ngoài việc không phát hiện được khai thác mỏ sai thiết kế, còn bị quy kết có hành vi ký nháy vào tờ trình xin gia hạn cấp phép để Phó Chủ tịch UBND huyện ký văn bản phát hành. Theo cáo trạng, tờ trình này không phản ánh đúng thực tế về hoạt động sai phạm của mỏ đá, tạo điều kiện để Sở TN&MT làm căn cứ trình UBND tỉnh Nghệ An cấp giấy phép gia hạn khai thác khoáng sản cho công ty (giấy phép gia hạn vào ngày 19/8/2010).
Như loạt bài trước chúng tôi đã phân tích, ông Long chỉ là người ký nháy vào văn bản do người khác soạn rồi chuyển cho Phó Chủ tịch UBND huyện ký ban hành. Theo quy định, văn bản đề nghị của cấp huyện bắt buộc phải có trong hồ sơ gia hạn giấy phép nên không thể coi văn bản này tạo điều kiện để Sở TN&MT thẩm định sai hồ sơ. Khoản 2 Điều 61 Nghị định 160/2005/NĐ-CP quy định hồ sơ xin gia hạn giấy phép khoáng sản chỉ gồm: Đơn xin gia hạn giấy phép chế biến khoáng sản; Báo cáo kết quả hoạt động chế biến khoáng sản đến thời điểm xin gia hạn, sản lượng khoáng sản tiếp tục chế biến. Những văn bản này do đơn vị được cấp phép khai thác lập và nộp cho Sở TN&MT và Sở này có trách nhiệm tổ chức thẩm định hồ sơ theo qui định đã được qui định. Việc Sở TN&MT căn cứ vào tờ trình của huyện để làm thủ tục cấp phép là sai quy định nên Sở này có trách nhiệm chính trong việc quản lý nhà nước dẫn đến sập mỏ đá.
Vậy mà cáo trạng không hề đề cập đến sai phạm này và kết luận không đủ cơ sở để xử lý bằng biện pháp hình sự đối với các cán bộ Phòng Tài nguyên khoáng sản, Sở TN&MT. Ông Phó Giám đốc Sở TN&MT - người ký công văn gửi UBND tỉnh Nghệ An đề nghị gia hạn giấy phép - cũng thoát tội vì hồ sơ gia hạn do Phòng Tài nguyên Khoáng sản lập đảm bảo đúng quy định.
Dư luận chờ đợi việc điều tra bổ sung sẽ làm rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực khoáng sản, nhưng với kết quả điều tra và bản cáo trạng nói trên khiến dư luận thất vọng và nghi ngờ sự công bằng trước pháp luật của các đối tượng liên quan…
Một luật sư thuộc Đoàn Luật sư Hà Nội khi tiếp cận hồ sơ vụ án này đã nhận xét: “Vụ án đã truy tố nhầm đối tượng. Nguyên nhân là cơ quan tố tụng đã cố tình nhầm lẫn giữa an toàn về quy trình lao động và quy trình khai thác mỏ để bỏ lọt tội đối với cán bộ của cơ quan quản lý chuyên ngành. An toàn lao động thuộc cấp huyện tức là kiểm tra việc tuân thủ qui định về trang bị bảo hộ lao động, còn kiểm tra an toàn trong quy trình khai thác mỏ thuộc về Sở TN&MT. Vụ án cần phải được xem xét lại, tránh bỏ lọt tội phạm”. |
Hà Linh