Dự án xây dựng đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng (đoạn qua huyện An Lão, TP.Hải Phòng) thu hồi của gia đình bà Nguyễn Thị Thuận 643,1m2. Theo phương án bồi thường, toàn bộ diện tích đất trên được áp gia đất nông nghiệp - 60.000 đồng/m2. Bà Thuận cho rằng việc xác định nguồn gốc đất để đền bù hoàn toàn sai, gây thiệt lớn cho gia đình bà.
Đơn kiến nghị của gia đình bà Thuận |
Nhân chứng khẳng định là đất ở
Theo xác minh của phóng viên PLVN, đất của gia đình bà Thuận có một quá trình lịch sử khá dài. Trước đây, gia đình bà ở trong làng thuộc thôn Câu Đông, xã Quang Trung với diện tích 2 sào 1 thước (tương đương 744m2). Sau đó, UBND xã và HTX nông nghiệp có mở con đường từ làng đi qua thôn ra quốc lộ 10A.
Do con đường này đi qua khu đất của gia đình nên lãnh đạo xã đã nhất trí đổi cho gia đình một mảnh đất khác để ở gần đê, tại bãi Câu Đông. Năm 1967, do bão lụt làm sụt đê, xã và huyện một lần nữa thương lượng với gia đình chuyển đi nơi khác để chính quyền đào lấy đất trong vườn của gia đình đắp đê.
Mảnh đất được đổi chính là mảnh đất hiện đang bị thu hồi cho dự án xây đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Như vậy, có thể thấy, đất của gia đình bà Thuận có nguồn gốc trước đó được chính quyền đổi, bố trí để ở và phải được xác định là đất ở khi đền bù. Trên thực tế, sau khi được đổi đất đến nay, gia đình bà Thuận đã xây nhà và sinh sống ổn định tại đây và không hề có đất ở nơi khác.
Tiếp xúc với phóng viên về vấn đề này, nhân chứng là những người đã trực tiếp điều chuyển nhà đất gia đình bà Thuận đều khẳng định việc đổi đất ở là chủ trương của xã và huyện.
Ông Vũ Đức Khu, nguyên Thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND huyện An Thụy khẳng định với PLVN: “Thời gian năm 1968, tôi công tác ở huyện và phụ trách công tác phòng chống bão lụt trên địa bàn. Do gia đình ở quãng đê này quá thấp, không đảm bảo an toàn nên nên UBND huyện và xã quyết định dời gia đình ông Nguyễn Văn Tộ (bố bà Thuận) để lấy đất gia cố đê. Tôi khẳng định đó là sự thật và đề nghị các cấp giải quyết cho gia đình này đỡ thiệt thòi”.
Còn ông Nguyễn Văn Thế, nguyên Chủ nhiệm HTX Câu Đông cũng cho hay: “Tôi cũng là người trực tiếp tham gia vận động gia đình cụ Tộ chuyển từ đê ra nơi ở hiện nay. Tôi nhớ lúc đó điều chỉ bằng miệng, không có giấy tờ gì, diện tích khoảng hơn 700m2… Bây giờ chính quyền nói là đất nông nghiệp thì thiệt cho họ quá!”.
Chính quyền hứa sẽ xem lại
Ngoài các nhân chứng nói trên, phóng viên còn phát hiện một tài liệu quan trọng khác chứng minh đất của gia đình bà Thuận là đất ở. Cụ thể, năm 2000, một phần đất của gia đình bà Thuận (319m2) đã bị thu hồi để phục vụ cho dự án quốc lộ 10. Hội đồng đền bù giải phóng mặt bằng dự án này khi đó đã xác định đó là đất ở và đã bồi thường theo giá đất ở. Điều đáng nói là phương án đền bù được chính UBND xã Quang Trung, UBND huyện An Lão lập sau khi xác định loại đất để áp giá.
Vì sao cùng một mảnh đất, một nguồn gốc mà tại hai dự án UBND xã Quang Trung và UBND huyện An lão lại mâu thuẩn nhau, lúc thì đất ở, lúc lại đất nông nghiệp? “Họ biết mâu thuẫn này nhưng khi gia đình tôi khiếu nại, kèm theo toàn bộ hồ sơ đền bù dự án trước đây để chứng minh là đất ở thì họ lại nói “không quan tâm đến dự án trước”- bà Thuận bức xúc.
Phóng viên đã có cuộc làm việc với lãnh đạo UBND huyện An Lão về vấn đề này. Sau khi nghe phóng viên phản ánh những bất hợp lý nêu trên, ông Lương Văn Lịch, Thường vụ Huyện ủy, Viện trưởng VKSND huyện An Lão (người được Huyện ủy phân công theo dõi Đảng bộ xã Quang Trung), nói: “Chúng tôi sẽ gặp gỡ lại các nhân chứng như phóng viên phản ánh để có những thông tin cần thiết nhằm dựng lại hồ sơ. Những xác nhận của các nhân chứng là các bác lãnh đạo huyện đã nghỉ cũng chưa được gửi đến cho chính quyền. Chúng tôi sẽ xác minh các tình tiết mới này để làm sao quyền lợi của người dân được đảm bảo nhất”.
Gia đình bà Thuận cho rằng, họ hoàn toàn ủng hộ việc các cơ quan chức năng triển khai dự án trên, nhưng gia đình hộ dân này cũng mong rằng đất của gia đình bà bị thu hồi sẽ được xem xét và đền bù theo đúng bản chất, tránh gây thiệt hại cho gia đình.
“Năm 1968, tôi công tác ở huyện và phụ trách công tác phòng chống bão lụt trên địa bàn. Do gia đình ở quãng đê này quá thấp, không đảm bảo an toàn nên huyện và xã quyết định di dời gia đình ông Tộ (bố bà Thuận - PV) để lấy đất gia cố đê. Tôi khẳng định đó là sự thật và đề nghị các cấp giải quyết cho gia đình này đỡ thiệt thòi.” - Ông Vũ Đức Khu, nguyên Thường vụ Huyện ủy, Phó chủ tịch UBND huyện An Thụy. |
P.V.