Tranh cãi nảy lửa
Ngày 29/5, TAND Cấp cao tại TP.HCM tiếp tục phiên tòa xét xử đối với bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như (SN 1978, nguyên Phó trưởng phòng Quản lý rủi ro ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam chi nhánh TP.HCM, viết tắt là Vietinbank TP.HCM) và bị cáo Võ Anh Tuấn (SN 1972, nguyên Phó Giám đốc Vietinbank, chi nhánh Nhà Bè, TP.HCM) về cùng tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Phiên tòa được mở theo đơn kháng cáo cùa bị cáo Võ Anh Tuấn và 4 công ty được xác định là nguyên đơn dân sự trong vụ án này. Trước đó, cấp sơ thẩm đã tuyên phạt Huyền Như mức án chung thân, Võ Anh Tuấn bị tuyên phạt mức án 7 năm tù về tội danh nêu trên.
Ngoài trách nhiệm hình sự của các bị cáo, phiên tòa mất rất nhiều thời gian để làm rõ việc bị cáo Huyền Như thực chất phạm tội Lừa đảo hay Tham ô, và ai phải chịu trách nhiệm hoàn trả trên 800 tỷ đồng có 4 công ty gồm: Công ty CP chứng khoán Saigonbank - Berjaya (SBBS), công ty CP bảo hiểm Toàn Cầu, công ty Chứng khoán Phương Đông, công ty Đầu tư và thương mại An Lộc?.
Trình bày tại tòa, nhóm luật sư bảo vệ quyền lợi cho 4 công ty nguyên đơn cho rằng, các công ty gửi tiền hợp pháp vào Vietinbank và tiền đã được hạch toán vào hệ thống của ngân hàng. Vietinbank đã có lỗi khi quản lý tiền của khách hàng, để Huyền Như lợi dụng sự sở hở của hệ thống để chuyển tiền của ngân hàng ra ngoài mà không bị Vietinbank kiểm soát, nên ngân hàng phải có trách nhiệm bồi thường.
Tuy nhiên, 4 luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Vietinbank đã chỉ ra nhiều điểm bất hợp lý trong những lập luận của nhóm luật sư phía nguyên đơn. Là người đầu tiên trình bày quan điểm bảo vệ quyền lợi cho Vietinbank, luật sư Trương Thị Hoà (đoàn luật sư TP.HCM) khẳng định: Huyền Như đã có ý đồ lừa đảo chiếm đoạt tiền của các đơn vị ngay từ đầu. Hành vi lừa đảo của Như là cả một chuỗi dài, có tính toán, thủ đoạt hết sức tinh vi.
Cụ thể, ban đầu Như lợi dụng danh nghĩa của Vietinbank TP.HCM để huy động vốn của các đơn vị bằng bẫy lãi suất cao, để tạo sự tin tưởng, Như trả tiền chênh lệch trước khi ký hợp đồng hoặc ngay khi tiền chuyển về. Với những người “hợp tác kinh doanh”, Như chi riêng hoa hồng, làm dấu giả, sử dụng lệnh chi giả, ký hợp đồng giả nhằm chiếm đoạt tiền từ các khách hàng tin tưởng Như.
Các luật sư khác trong nhóm bảo vệ quyền lợi cho Vietinbank cũng nhận định, quá trình nghiên cứu hồ sơ, xâu chuỗi các sự kiện, hành vi của Như có thể nhận thấy, Như đã nhằm vào tài sản của các doanh nghiệp để chiếm đoạt. Các doanh nghiệp đưa tiền cho Như, có nhiều sai phạm, do “hám lợi” về lãi suất, tiền chênh lệch, tiền hoa hồng nên mới đề cho Như thao túng, làm giả hồ sơ, chứng từ nhằm chiếm đoạt tiền của 5 doanh nghiệp.
Khi huy động tiền từ doanh nghiệp, cụ thể là 5 doanh nghiệp liên quan trong vụ án này, Như thỏa thuận lãi suất vượt trần, chi lãi trong lãi ngoài để các doanh nghiệp thấy lợi mà gửi tiền vào Vietinbank thông qua Như. Cụ thể, với công ty Hưng Yên đã thoả thuận lãi suất từ 18-22%/năm; Công ty Toàn Cầu lãi suất ngoài hợp đồng là 2%, Công ty Phương Đông và Công ty An Lộc lãi suất ngoài hợp đồng từ 5-5,5%/năm. Công ty SBBS tự thoả thuận lãi chênh lệch ngoài hợp đồng từ 2-7%/năm; Đây là các thoả thuận trái pháp luật, vi phạm quy định của Ngân hàng Nhà nước VN.
Các thoả thuận đều xảy ra trước khi mở tài khoản chuyển tiền vào Vietinbank. Các doanh nghiệp cũng sai phạm, khi với tư cách chủ tài khoản đã bỏ mặc hoặc phó thác cho bị cáo Như thao túng, chỉ quan tâm đến việc nhận tiền lãi suất cao, lãi suất vượt trần... Điều đáng nói là các sai phạm trên hoàn toàn không thông báo cho Vietinbank biết để xử lý và Vietinbank cũng không hề biết các sai phạm của các doanh nghiệp này. Hồ sơ vụ án cũng thể hiện, Vietinbank không thực hiện giao dịch đối với 5 công ty, việc bị cáo Như thoả thuận với 5 công ty đã đăng ký mở tài khoản tại Vietinbank để thực hiện các giao dịch là bất hợp pháp.
Chỉ những khách hàng có thỏa thuận ngầm, “hám lợi” với rơi vào “bẫy” của Huyền Như
Trình bày quan điểm bảo vệ quyền lợi cho Vietinbank tại tòa, xoay quanh hành vi phạm tội của Huỳnh Thị Huyền Như đối với Công ty An Lộc, luật sư Nguyễn Văn Trung tái khẳng định chính vì giao dịch thỏa thuận trái pháp luật nên các bên đã nghe theo “đạo diễn” của Huyền Như và mở tài khoản xong thì bỏ mặc cho bị cáo thao túng, sử dụng tài khoản của mình.
Cũng theo luật sư Trung, công ty An Lộc gửi tiền xuất phát từ TPBank, điều này được thể hiện rất rõ trong lời khai của ông Nguyễn Việt Anh, Phó Giám đốc khối nguồn vốn TPBank rằng tiền Công ty An Lộc gửi là tiền xuất phát từ TPBank. “TPBank và Huyền Như đã thỏa thuận trước, rồi thông qua Công ty An Lộc ký hợp đồng gửi tiền vào Vietinbank. Do đó, Ngân hàng Nhà nước mới xác định giao dịch của TPBank khi chưa có hướng dẫn của cơ quan quản lý là vi phạm Luật các tổ chức tín dụng”, luật sư Trung phân tích.
Luật sư Lưu Văn Tám khẳng định, sai phạm của Phương Đông và TPBank là rất nghiêm trọng, bị Huyền Như dẫn dụ bằng bẫy lãi suất cao, Huyền Như đã che dấu, qua mặt hàng loạt doanh nghiệp, làm giả các chứng từ, ký giả hồ sơ, tự trả tiền lãi trong, lãi ngoài cho những đơn vị mà Như huy động vốn…. hành vi của Như rõ ràng là bằng các thủ đoạn gian dối để lừa đảo các nguyên đơn. Như lấy danh nghĩa nhân viên ngân hàng để huy động vốn, nhưng tiền Như huy động được lại bị Như làm giả các loại giấy tờ, chiếm đoạt sử dụng vào mục đích trả nợ,…
Đại diện VKS trong phần đối đáp tại tòa cũng khẳng định: “Do các công ty hám lợi, hưởng lãi suất cao vượt quy định tiền gửi theo quy định của Ngân hàng nhà nước, nên các công ty đã bị Huyền Như dẫn dụ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Toàn bộ 4 công ty gồm: SBBS, Toàn Cầu, Phương Đông và An Lộc, đều thực hiện các thoả thuận ngầm với Huyền Như về việc hưởng lãi suất cao. Qua điều tra, chỉ xác định được Huyền Như có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Đại diện VKS cũng cho biết: “Rất nhiều khách hàng khác gửi tiền vào Vietinbank đều không bị mất mát. Và chỉ có những khách hàng thỏa thuận ngầm với Huỳnh Thị Huyền Như để hưởng lãi suất cao trái quy định mới rơi vào “bẫy” và bị bị cáo chiếm đoạt tiền”.
Cũng theo đại diện VKS, tại bản án phúc thẩm xét xử Huyền như và đồng phạm (giai đoạn 1), kiểm sát viên đề nghị hủy 1 phần bản án sơ thẩm vì Huyền Như có dấu hiệu tham ô là mới có dấu hiệu chứ không phải khẳng định Huyền Như phạm tội tham ô.
Khi đánh giá hệ thống chứng cứ, ý thức ban đầu thể hiện sự gian dối của Huyền Như, khẳng định Huyền Như chiếm đoạt của các nguyên đơn chứ không phải Vietinbank. Các luật sư bảo vệ quyền lợi của các nguyên đơn đề nghị hủy án, xét xử tội Tham ô tài sản đối với Huyền Như là không có căn cứ. Theo VKS, vụ án đã bị trả hồ sơ nhiều lần để điều tra Huyền Như có phạm tội Tham ô hay không nhưng kết quả điều tra không phát hiện. Hồ sơ vụ án, hệ thống chứng cứ khẳng định Huyền Như phạm tội lừa đảo. Huyền Như cũng thừa nhận hành vi gian dối của mình.
Trình bày trong lời nói sau cùng, bị cáo Huyền Như cho rằng chính mình đã lừa đảo các nguyên đơn. Theo Huyền Như, trong quá trình điều tra, cơ quan điều tra cũng xác định bị cáo không lợi dụng chức vụ quyền hạn của mình. Những nguyên đơn trước đó có mối quan hệ với bị cáo, nếu không quen biết, tin tưởng bị cáo thì chẳng ai lại giao số tiền lớn như thế cho bị cáo để bị cáo tự làm các thủ tục. Bị cáo thừa nhận đã lừa đảo các nguyên đơn trước khi tiền được gửi vào hạch toán trên hệ thống ngân hàng.
Sau phần nói lời sau cùng của các bị cáo, HĐXX tuyên bố nghị án và sẽ tuyên án vào 10h ngày mai (30/5).