Bị cáo Tuần Anh phạm tội che giấu tội phạm?
Chiều 28/5, TAND Cấp cao tại TP.HCM tiếp tục xét xử vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản đối với các bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như (SN 1978, nguyên Phó trưởng phòng Quản lý rủi ro ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam chi nhánh TP.HCM, viết tắt là Vietinbank TP.HCM) và bị cáo Võ Anh Tuấn (SN 1972, nguyên Phó Giám đốc Vietinbank, chi nhánh Nhà Bè, TP.HCM).
Tại phiên tòa, Võ Anh Tuấn giữ nguyên kháng cáo của mình. 4 công ty được xác định là nguyên đơn dân sự tiếp tục đề nghị Vietinbank phải hoàn trả thiệt hại cho mình chứ không phải Huyền Như.
Khai tại tòa, bị cáo Võ Anh Tuấn cho rằng cùng một hành vi nhưng bị cáo bị đưa ra xét xử nhiều lần. Bản án sơ thẩm xác định bị cáo Võ Anh Tuấn đã cùng với Huỳnh Thị Huyền Như ra Hà Nội gặp các công ty có nhu cầu gửi tiền để đàm phán. Sau đó, Như đã chủ động liên hệ với đại diện các công này để thuyết phục gửi tiền vào Vietinbank chi nhánh Nhà Bè với lãi suất cao. Tiền gửi vào ngân hàng đều bị Huỳnh Thị Huyền Như giả chữ ký để chiếm đoạt. Tuấn biết hành vi gian dối của Như nhưng vẫn để cho Như làm giả hợp đồng.
Tuy nhiên, đại diện VKSND thực hành quyền công tố tại tòa cho rằng, bị cáo Tuấn là người thực hiện 4 hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, hành vi phạm tội độc lập, với các công ty khác nhau nên phải chịu trách nhiệm cho từng hành vi phạm tội của mình.
Bị cáo Tuấn dù biết hành vi gian dối của Như nhưng không ngăn cản, mặc cho Như làm hồ sơ giả, chiếm đoạt của công ty Hưng Yên số tiền 200 tỷ đồng. Hành vi của Tuấn là giúp sức tích cực cho Huyền như nên phải chịu trách nhiệm.
Hành vi của bị cáo Tuấn là nguy hiểm cho xã hội, bản án sơ thẩm đã đánh giá toàn bộ tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ cho bị cáo và tuyên phạt 7 năm tù, bị cáo kháng cáo xin giảm án nhưng bị cáo nhưng không đưa ra được tình tiết giảm nhẹ hình phạt nào mới. Từ đó, đại diện VKS đề nghị HĐXX bác kháng cáo, tuyên y án sơ thẩm đối với Tuấn.
Trình bày quan điểm bào chữa cho bị cáo Võ Anh Tuấn, luật sư Phan Trung Hoài cho biết, việc xét xử bị cáo Tuấn tội lừa đảo là có dấu hiệu của việc một hành vi xử 2 lần đối với bị cáo Tuấn. Tuấn chỉ là người đi cùng Huyền Như ra Hà Nội, không biết việc Huyền Như lợi dụng danh nghĩa của Vietinbank Nhà Bè để huy động vốn. Khi về TP.HCM, Huyền Như có gửi mail cho Anh Tuấn một số mẫu hợp đồng cùng với các thỏa thuận nhưng Anh Tuấn không trả lời. Luật sư Hoài đề nghị HĐXX xem xét Anh Tuấn phạm tội Che giấu tội phạm chứ không phải Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Đối đáp lại quan điểm này, đại diện VKS khẳng định việc truy tố, xét xử bị cáo Tuấn về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản là có căn cứ. Sau khi bản án 7 năm tù được cấp sơ thẩm tuyên với Tuấn, đáng lẻ VKS kháng nghị tăng án, tuy nhiên, hành vi của Tuấn đã tách ra, số tiền ít đi nên VKS không kháng nghị. Tham gia đối đáp lại, luật sư Hoài phản bác, trong khi Viện nói tách ra, nhưng tách ra là vì có dấu hiệu của tội khác, nhưng lại tiếp tục xử bị cáo tội Lừa đảo là bất lợi cho bị cáo, là 1 hành vi xử 2 lần. Nếu chỉ xử 1 lần với tội danh và với số tiền gây thiệt hại mà tuyên 20 năm tù là đúng, đằng này VKS lại tách ra là không đúng quy định pháp luật.
Huyền Như cho nhiều doanh nghiệp “ăn” quả đắng vì tham lãi cao
Cũng tại phiên tòa, một nội dung mất rất nhiều thời gian của phiên xử, đó là trách nhiệm dân sự trong vụ án này. Trong khi bản án sơ thẩm và cả nhận định của đại diện VKS tại phiên tòa phúc thẩm này đề nghị tuyên Huyền Như và Anh Tuấn phải có trách nhiệm bồi thường trên hơn 1 ngàn tỷ đồng cho các nguyên đơn dân sự.
Phát biểu quan điểm giải quyết vụ án, đại diện VKSND Cấp cao thực hành quyền công tố tại tòa nhận định, dối với 4 công ty bị hại yêu cầu Vietinbank bồi thường, toàn bộ 4 công ty đều gửi tiền thông qua Huyền Như để hưởng lãi suất cao, đây là các thỏa thuận trái pháp luật, là lỗi của 4 công ty, bỏ mặc cho Huyền Như thao túng, bỏ mặc khoản tiền gửi, để cho Huyền như thao túng, chỉ quan tậm đến lãi suất cao.
Theo VKS, các công ty đều thực hiện thỏa thuận trái pháp luật ở ngoài trụ sở VietinBank, vì lợi ích riêng đã để mặc Huyền Như sử dụng tài sản của mình, tạo điều kiện cho Huyền Như chiếm đoạt tài sản… Vietinbank không biết Huyền Như thực hiện các hợp đồng, thỏa thuận lãi suất cao với các nguyên đơn dân sự nên Vietinbank không có trách nhiệm bồi thường cho các các nguyên đơn dân sự trong vụ án này.
Từ các nhận định trên, đại diện VKSND thực hành quyền công tố tại tòa đề nghị HĐXX không chấp nhận kháng cáo của Võ Anh Tuấn, bác kháng cáo của các công ty được xác định là nguyên đơn dân sự, tuyên giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Ngày 29/5, HĐXX tiếp tục xét xử vụ án này.