Tranh chấp kéo dài
Năm 1992, Cty Pang Rim Co.Ltd (Hàn Quốc) ký hợp đồng thuê nhà xưởng, đất đai với Nhà máy Dệt Vĩnh Phú (nay là Cty CP Dệt Vĩnh Phú) với thời hạn 20 năm. Sau khi có hợp đồng thuê, Cty Pang Rim Co.LTd đã xin và được cơ quan chức năng của Việt Nam cho phép thành lập công ty 100% vốn tại Việt Nam. Sau nhiều thay đổi, sáp nhập, hiện thành Cty TNHH MTV Pang Rim Neotex (Cty Pang Rim). Ngày 14/12/1995, UBND tỉnh Phú Thọ đã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Cty Pang Rim.
Năm 2012, hết thời hạn thuê, Cty Pang Rim đã đề nghị UBND tỉnh Phú Thọ cho thực hiện tiếp việc thuê đất theo quy định của pháp luật, trong đó có việc thu hồi, bồi thường đất và tài sản gắn liền với đất theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, sau khi UBND tỉnh Phú Thọ đưa ra phương án bồi thường thì Cty CP Dệt Vĩnh Phú không chấp nhận.
Ngày 17/5/2013, Cty CP Dệt Vĩnh Phú khởi kiện Cty Pang Rim ra TAND tỉnh Phú Thọ với nội dung: Cty CP Dệt Vĩnh Phú đã ký thỏa thuận cùng Cty Pang Rim với nội dung thuê nhà xưởng và vật kiến trúc là đường sá trên diện tích 64.242m² đất tại phường Nông Trang, trong thời gian 20 năm, đến 30/6/2012 hết hạn. Đến khi khởi kiện, 2 bên vẫn chưa thanh lý hợp đồng, Cty Pang Rim vẫn sử dụng tài sản của Cty CP Dệt Vĩnh Phú để sản xuất; yêu cầu Cty Pang Rim phải trả tiền sử dụng tài sản tương đương hơn 8,2 tỷ đồng.
Ngày 24/12/2013, TAND tỉnh Phú Thọ xét xử sơ thẩm, buộc Cty Pang Rim phải trả cho Cty CP Dệt Vĩnh Phú 358.743,8USD, tương đương hơn 7,5 tỷ đồng. Ngày 6/8/2014, Toà Phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội xét xử phúc thẩm tuyên huỷ bản án sơ thẩm, chuyển hồ sơ vụ án về cho TAND tỉnh Phú Thọ giải quyết lại vụ án.
Ngày 1/7/2015, TAND tỉnh Phú Thọ xét xử sơ thẩm lần 2 đã tuyên buộc Cty Pang Rim phải trả tiền sử dụng nhà xưởng, đường đi hơn 23,3 tỷ đồng; tách phần yêu cầu huỷ bỏ Hợp đồng 254 ngày 20/11/2002 để giải quyết theo một trình tự pháp luật khác.
Cả hai bên kháng cáo, thì ngày 22/1/2016 TAND Cấp cao tại Hà Nội đã có quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án.
Tuy nhiên mới đây ngày 19/10/2016, TAND Tối cao đã có Kháng nghị giám đốc thẩm số 30/2016/KN-KDTM đối với Quyết định đình chỉ xét xử vụ án kinh doanh thương mại số 10/2016/QĐPT-KDTM ngày 22/1/2016 của TAND Cấp cao tại Hà Nội giữa nguyên đơn là Cty CP Dệt Vĩnh Phú với bị đơn là Cty Pang Rim và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là UBND tỉnh Phú Thọ. Đề nghị Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao xét xử phúc thẩm, hủy bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Phú Thọ và Quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm của TAND Cấp cao tại Hà Nội; giao hồ sơ vụ án cho TAND tỉnh Phú Thọ xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm đúng quy định của pháp luật.
Nhiều điều cần làm rõ
Theo kháng nghị giám đốc thẩm, thì Tòa án cấp sơ thẩm xác định đây là tranh chấp ngoài hợp đồng, không đưa Cty Pang Rim vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là không đúng, là vi phạm tố tụng. Bởi vì đây là vụ án kinh doanh thương mại tranh chấp tiền sử dụng tài sản phát sinh từ Bản thỏa thuận ngày 28/4/1992, nên việc đánh giá quyền, nghĩa vụ của các bên phải theo Bản thỏa thuận và theo đó việc gia hạn hay không gia hạn thời hạn thuê là do thỏa thuận giữa Cty Pang Rim và Cty CP Dệt Vĩnh Phú.
Ngoài ra việc Tòa án cấp sơ thẩm buộc Cty Pang Rim phải trả tiền sử dụng nhà xưởng, đường đi cho Cty CP Dệt Vĩnh Phú từ 30/6/2012 đến 30/6/2015 với số tiền 1.076.231,4 USD (quy đổi là hơn 23,3 tỷ đồng) là không đúng, chưa đủ cơ sở vững chắc, bởi lẽ: Pang Rim Co.,Ltd và Cty CP Dệt Vĩnh Phú thỏa thuận sẽ cho Cty Pang Rim thuê cơ sở sản xuất thông qua hợp đồng, diện tích sẽ còn tùy thuộc vào diện tích đo đạc chính xác sau…
Mặt khác, Tòa án cấp sơ thẩm chưa làm rõ thời điểm ký Bản thỏa thuận, Cty CP Dệt Vĩnh Phú có quyền ký hợp đồng cho thuê đất hay không? Sau khi được thành lập, Cty Pang Rim và Cty CP Dệt Vĩnh Phú có đo đạc chính xác diện tích thuê hay không? Có ký hợp đồng thuê nhà xưởng (và các hợp đồng khác) theo Biên bản thỏa thuận hay không? Nếu không ký hợp đồng thuê tài sản là nhà xưởng thì tại sao vẫn thực hiện một trong các mục của bản thỏa thuận là trả tiền thuê? Cũng không yêu cầu đương sự cung cấp thỏa thuận giữa Cty Pang Rim với Pang Rim Co.,Ltd, giữa Cty Pang Rim với Cty CP Dệt Vĩnh Phú về việc giao sử dụng tài sản từ Pang Rim Co., Ltd hay từ Cty CP Dệt Vĩnh Phú và việc trả lại tài sản khi hết thời hạn thuê thì Cty Pang Rim trả lại tài sản cho ai để từ đó xác định trách nhiệm của các bên như thế nào?
Hơn nữa, quá trình giải quyết vụ án, Tòa án cấp sơ thẩm cũng chưa xác minh làm rõ diện tích đất đường đi hiện đang thuộc thẩm quyền sử dụng của ai vì nếu theo Hợp đồng thuê đất số 254/HD-TĐ ngày 20/11/2012 được ký kết giữa Sở TN&MT tỉnh Phú Thọ với Cty Pang Rim thì diện tích đất 64.242m2 thuê đã bao gồm cả đường đi; chưa làm rõ nếu diện tích đất này Cty Pang Rim đang thuê của UBND tỉnh Phú Thọ mà vẫn buộc Cty Pang Rim phải thanh toán tiền sử dụng đường đi cho Cty CP Dệt Vĩnh Phú là không đúng…
Được biết, ngày 3/11/2016, Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam đã có Công hàm mang ký hiệu KEV-16- 925 gửi Chánh án TAND Tối cao Việt Nam với nội dung: “Kính đề nghị TAND Tối cao quan tâm và xem xét tích cực để yêu cầu phúc thẩm của Công ty được giải quyết một cách công bằng và khách quan theo pháp luật Việt Nam, tạo điều kiện để Công ty tiếp tục hoạt động doanh nghiệp”.
Báo PLVN sẽ tiếp tục thông tin về sự việc này.