Phụ nữ 3 con tố đường vào "động lầu xanh" đất khách (Kỳ 2): Giả điên để trốn thoát
[links()]Sau 47 ngày đêm “sống trong sợ hãi” tại chốn “lầu xanh” nơi đất khách quê người, cùng với việc hàng ngày phải chịu đến 20 cuộc “tra tấn” tình dục đầy tủi nhục, chị L gần như một cái xác không hồn, nhưng hy vọng trở về cố hương vẫn đau đáu trong từng giấc ngủ.
Những cuộc gọi lúc không giờ
Mặc dù sống trong sự “tra tấn” về thể xác và tâm hồn chốn lầu xanh, nhưng những lúc không phải “tiếp khách”, nhiều thân phận phụ nữ người Việt, Thái Lan và cả người bản xứ Trung Quốc trong “động” này đã chia sẻ nhiều với “tân binh” bị sa vào bẫy giúp chị L trấn an tinh thần. Chị L nắm vững tất cả các “chiêu” của bà chủ “lầu xanh” với đường dây mua bán phụ nữ từ Việt Nam qua Trung Quốc được các “liền chị” cùng số phận thuật lại. Chị lên kế hoạch thoát thân.
Chị L đã tố cáo đường dây mua bán phụ nữ qua Trung Quốc với Cơ quan CSĐT Công an huyện Ea Kar, Đắc Lắc. |
Trước hết, để giảm bớt phải “tiếp khách”, trước tiên là phải giả điên, giả khùng với nhiều phương thức khác nhau, sao cho chủ quán không dám “điều” đi “tiếp khách”. Một “kịch bản” được thực hiện liên tục với nhiều phương pháp khác nhau, nhưng hiệu quả nhất vẫn là ăn bột giặt, hoặc uống nước rửa chén, khiến chị L thường giãy lên đành đạch, sùi bọt mép.
Sợ mất lòng khách, nên sau nhiều ngày nghi ngờ và theo dõi, cuối cùng chủ quán đành cho chị L tạm nghỉ 3 ngày để tĩnh dưỡng. Nhưng hết 3 ngày mà “bệnh điên” của chị không những không giảm mà còn có chiều hướng gia tăng...
Nhờ được một người dân bản xứ biết tiếng Việt, chị L đã có trong tay số điện thoại của cảnh sát Trung Quốc quản lý địa phận “lầu xanh”. Những “cuộc gọi lúc không giờ” bắt đầu được người bên kia đầu dây cầm máy.
Theo lời dịch thuật của những người biết tiếng Việt, biết một số phụ nữ các nước như Thái Lan, Trung Quốc và Việt Nam bị bắt cóc và bắt ép bán mại dâm tại một “lầu xanh” ở thị trấn Bông Xòe, Cảnh sát Trung Quốc đã mời chủ quán lên để lấy lời khai. Sợ bị bại lộ, chủ quán mở “chiến dịch” quan hệ tốt với Cảnh sát bản địa, mặt khác điện cho bà X tại Nam Định (Việt Nam) sang Trung Quốc để “trả hàng”. Sợ bị bắt, nên bà X đã từ chối. Những ngày tiếp theo là các cuộc điện thoại tranh cãi, hăm dọa tố cáo… giữa chủ “lầu xanh” tại thị trấn Bông Xòe (Trung Quốc) với bà X ở Nam Định (Việt Nam).
Thanh lý hợp đồng…
Lo sợ sự phối kết hợp giữa lực lượng Công an Việt Nam với Cảnh sát Trung Quốc, nên bà X tại Nam Định đã điện thoại cho bà O (Đắc Lắc) có kế hoạch ra Nam Định để cùng sang Trung Quốc bàn việc “thanh lý hợp đồng” với chủ quán “lầu xanh” tại Bông Xòe.
Sau 47 ngày sống ô nhục trong hang ổ của bọn buôn người tại quán “lầu xanh”, địa điểm và thời gian trao trả “hàng” được xác định tại Sính Cái. Đúng hẹn, chủ quán “lầu xanh” chở chị L từ Bông Xòe đến Sính Cái để trả cho bà O và bà X. Khi đi đến bến đò tại Sính Cái, chủ động mại dâm buộc chị L đứng bên này sông để “tú bà” sang bên kia thanh toán tiền bạc và thảo luận việc “thanh lý hợp đồng” với bà O và bà X. Khi mọi việc được giải quyết xong, cuộc “bàn giao” chị L giữa chủ “lầu xanh” cho bà X và bà O được thực hiện như đã cam kết.
Sau khi nhận chị L từ tay tú bà “lầu xanh” bên Trung Quốc, bà O và bà X đưa chị L về Việt Nam trong tâm trạng lo lắng. Trên đường đi, bà O và bà X bàn nhau tiếp tục hãm hại người phụ nữ nhẹ dạ cả tin, nhằm buộc chị L ở lại Quảng Ninh hoặc Hải Phòng tiếp tục làm gái bán dâm để trả nợ, nên kế hoạch phải “giám sát” chặt chẽ không chị L thoát thân. Khi 3 người về đến Lào Cai và mua vé tàu lửa về Hà Nội. Tại ga Hà Nội, chị L lợi dụng lúc hai bà lơ là vội bỏ trốn, bắt xe ôm về nhà người quen nhờ giúp đỡ.
Sau những ngày tháng sống cuồng loạn và tủi nhục nơi đất khách quê người, cuối năm 2008, chị L đã về được đến Đắc Lắc. Bước chân xuống bến xe thị trấn Ea Kar, chị L đã tố cáo đường dây mua bán phụ nữ qua Trung Quốc với Cơ quan CSĐT Công an huyện Ea Kar, Đắc Lắc. Sau đó, hồ sơ được chuyển đến Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắc Lắc để được xử lý theo thẩm quyền. Tuy nhiên, từ đó đến nay vụ án vẫn chưa được khởi tố, những đối tượng bị tố cáo vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật, khiến không chỉ chị L lo lắng bị trả thù mà dư luận vô cùng bức xúc và lo lắng.
Do hoàn cảnh khó khăn và luôn bị phát sinh nhiều bệnh tật, chị L. thường xuyên phải đến điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắc Lắc. Căn cứ Nghị định số 130/NĐ-CP ngày 14/7/2004 của Chính phủ ban hành về Chương trình Phòng chống tội phạm buôn bán phụ nữ và trẻ em, Sở Lao động Thương binh và xã hội tỉnh Đắc Lắc đã Quyết định hỗ trợ một lần cho chị L. với số tiền 750.000 đồng. |
Hoài Phong