Khi đi thì được, khi về thì... không?
Hành khách Trần Thị Ngọc (46 tuổi, quê Hà Tĩnh) đặt mua 3 vé máy bay khứ hồi Vinh - TP Hồ Chí Minh của hãng hàng không Jetstar để đi thăm người nhà dịp nghỉ lễ 30/4- 1/5.
Trong số 3 hành khách có hành khách Cao Quang Sơn (sinh 1996) là con trai hành khách Trần Thị Ngọc, là người bị yếu cơ bẩm sinh nên di chuyển khó khăn. Sơn phải ngồi xe lăn hoặc nhờ người khác giúp.
|
Thẻ lên máy bay của chị Trần Thị Ngọc và anh Cao Quang Sơn. |
Ngày 26/4, 3 hành khách Ngọc, Sơn và Diễn (bạn Sơn) đi chuyến bay BL521 của hãng Jetstar Pacific từ Vinh vào Thành phố Hồ Chí Minh. Hành khách Trần Thị Ngọc cho biết chiều đi suôn sẻ, nhân viên tại sân bay Vinh đồng ý cho hành khách Sơn lên máy bay vì có hai người khỏe mạnh đi kèm hỗ trợ.
Tuy nhiên, 5h00 sáng 3/5, hành khách Ngọc cùng hành khách Cao Quang Sơn và Trần Văn Diễn có mặt tại sân bay Tân Sơn Nhất để làm thủ tục bay về Vinh theo lịch trình ghi trên vé. Tới lượt làm thủ tục, hành khách Ngọc bất ngờ khi nhân viên tại quầy thủ tục cho biết hành khách Sơn sẽ không được lên máy bay.
Lí do nhân viên Jetstar đưa ra là hành khách Ngọc không báo trước về tình trạng của hành khách Sơn nên hãng hàng không từ chối phục vụ. “Sơn bị yếu cơ bẩm sinh, di chuyển khó khăn, thì đã có tôi và Diễn (18 tuổi) giúp đỡ đưa cháu lên máy bay. Tại sao cùng là hãng Jetstar mà chiều đi thì được mà về thì không?” - hành khách Trần Thị Ngọc bức xúc phản ảnh.
"Jetstar làm trái chỉ đạo của Cục Hàng không?"
Hành khách Trần Thị Ngọc cho biết, khi được thông tin Sơn không được bay, chị đã năn nỉ nhân viên của hãng hàng không Jetstar nhưng vô vọng. Nhân viên này tỏ thái độ nóng nảy và không giải thích gì thêm. "Chứng kiến cảnh này, Sơn cố tỏ ra vui vẻ nhưng tôi biết chắc cháu sợ mọi người buồn", hành khách Ngọc chia sẻ.
|
Hành khách Cao Quang Sơn bị yếu cơ bẩm sinh, khi đi thì được nhưng khi về thì bị hãng hàng không Jetstar từ chối phục vụ. |
"Lúc đó, chị gái tôi đã bật khóc trước hàng ngàn người giữa sân bay Tân Sơn Nhất khi đứa con khuyết tật của mình không được nhân viên Jetstar làm thủ tục bay. Người tàn tật đã thiệt thòi rồi mà còn bị đối xử như vậy có đáng không. Tôi nghĩ điều đó là không thể chấp nhận được?" - Anh Trần Ngọc Anh bức xúc.
Khóc và năn nỉ nhân viên Jetstar không động lòng, qua giờ bay hơn nửa tiếng, chị Ngọc đành dìu con ra cửa, bắt taxi về Đồng Nai sau đó bắt xe ôtô để đưa con về Hà Tĩnh.
Cách đây không lâu, vì từ chối vận chuyển hành khách khuyết tật do hành khách này không đăng ký dịch vụ hỗ trợ, Cục Hàng không Việt Nam đã yêu cầu hãng hàng không Vietjet phải công khai xin lỗi người khuyết tật và xử lý kỷ luật nhân viên.
Sau đó, ngày 6.4, ông Võ Huy Cường, Cục phó Cục Hàng không Việt Nam đã có văn bản gửi tới các hãng hàng không, yêu cầu rà soát, sửa đổi, bổ sung điều lệ vận chuyển, đưa ra các quy trình cụ thể, rõ ràng nhằm phục vụ tốt nhất yêu cầu đi lại của hành khách là người khuyết tật.
Cục Hàng không cũng chỉ đạo rõ, trong thời gian rà soát, sửa đổi điều lệ vận chuyển, các hãng hàng không có trách nhiệm bố trí thiết bị, công cụ và nhân viên để trợ giúp hành khách khuyết tật lên/xuống máy bay thuận tiện, theo đúng quy định trong Thông tư 39/2012 của Bộ GTVT.
Vậy mà không hiểu vì sao hãng hàng không Jetstar vẫn cố tình từ chối vận chuyển hành khách khuyết tật trong khi hành khách này có người trợ giúp đi cùng.
PLVN tiếp tục cập nhật thông tin!
Điều 9, Thông tư 36/2014/TT-BGTVT ngày 29/08/2014 của Bộ Giao thông Vận tải quy định chất lượng dịch vụ hành khách tại sân bay quy định:
Hãng hàng không có trách nhiệm:
Bố trí nhân viên chăm sóc, hỗ trợ hành khách là người già yếu, người khuyết tật và hành khách sử dụng xe lăn.
Điều 5, Thông tư 39/2012/TT – BGTVT ngày 24/09/2012 của Bộ Giao thông Vận tải hướng dẫn thực hiện quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về kết cấu hạ tầng giao thông, công cụ hỗ trợ và chính sách ưu tiên người khuyết tật tham gia giao thông công cộng quy định:
Tổ chức, cá nhân quản lý, kinh doanh vận tải hành khách bằng phương tiện giao thông công cộng có trách nhiệm bố trí thiết bị, công cụ và nhân viên để trợ giúp người khuyết tật lên, xuống phương tiện được thuận tiện. Phương án trợ giúp này phải được thông báo ở những nơi dễ nhận biết tại các bến, nhà ga để người khuyết tật tiếp cận, sử dụng.