50 năm trước, Ronald Haeberle (áo đen) là phóng viên chiến trường của quân đội Mỹ. Ông có mặt ở Mỹ Lai đúng ngày 16/3 và đã ghi lại 60 bức ảnh, trong đó có 40 ảnh màu bằng máy Nikon và 20 ảnh trắng đen bằng máy Leica. Trong số này có nhiều ảnh được trưng bày ở Khu chứng tích Sơn Mỹ, thuộc xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi.
Sáng hôm đó, đại đội Charlie thuộc lục quân Mỹ đổ bộ vào làng Mỹ Lai. Những chiếc trực thăng đáp xuống vào mùa lúa chín vàng đã phá hủy cuộc sống bình yên của những người dân không có vũ trang ở đây.
Trước đó, quân đội Mỹ đánh dấu Mỹ Lai trên bản đồ quân sự là Pink Ville (Làng Hồng), nghĩa là làng thân Cộng sản vì nghi ngờ có cộng sản ẩn náu.
Lính Mỹ quát tháo trước cửa một ngôi nhà, yêu cầu người dân bên trong bước ra ngoài.
Sau khi châm lửa đốt nhà, lính Mỹ ném nia, sàng đựng khoai lang phơi khô của dân làng để ngọn lửa thêm mạnh.
Trước khi nã hàng loạt đạn liên tiếp, lính Mỹ tập họp dân làng ở nhiều địa điểm khác nhau. Những người mẹ tìm cách che chở cho con trước lính Mỹ, họ vẫn không hiểu vì sao lính Mỹ đến tập hợp họ và đe dọa tính mạng.
Người cha cầu xin lính Mỹ tha mạng sống cho con.
Trong 4 giờ, lính Mỹ đã sát hại 504 người dân không có vũ trang. Một năm sau ngày thảm sát, Ronald Haeberle đã công bố những bức ảnh trên tạp chí Plain Dealer, Life. Những bức ảnh đã làm bùng nổ phong trào phản đối chiến tranh Việt Nam.
Đến nay, bức ảnh Anh che đạn cho em mà Ronald chụp bằng máy ảnh Nikon vẫn còn gây tranh cãi. Ông Trần Văn Đức, Việt kiều Đức nhận mình là nhân vật trong bức ảnh. Nhưng trong Khu chứng tích Sơn Mỹ, bức ảnh lại được chú thích với tên khác.
Ronald Haeberle chia sẻ, điều ám ảnh ông nhất là lính Mỹ đã cắt xẻo bộ phận cơ thể người, làm nhục phụ nữ và trẻ em. Những điều này ông không trực tiếp chứng kiến nhưng được Cục điều tra tội phạm Quân đội Mỹ (CID) ghi nhận. Nỗi ám ảnh về vụ thảm sát khiến ông nặng lòng với mảnh đất đau thương năm xưa. Ronald cho biết mối bận lòng của ông trong những lần trở lại là xác định đúng danh tính của bức ảnh gây tranh cãi.
Cựu phóng viên chiến trường cho biết ông chưa bao giờ hối hận vì đã công bố những bức ảnh. "Những bức ảnh đã tạo nên bước ngoặt trong suy nghĩ của người Mỹ về cuộc chiến. Trước đó không ai tin lính Mỹ có thể sát hại người già, phụ nữ và trẻ em", Ronald chia sẻ.
"Ngày nay, Thảm sát Mỹ Lai không chiếm nhiều trong chương trình giáo dục của Mỹ. Người Mỹ muốn bỏ lại quá khứ phía sau và xây dựng mối quan hệ tốt với Việt Nam. Bài học rút ra... Chiến tranh là địa ngục", Ronald Haeberle nói.