Với tổng đường biên giới hơn 737km, trải dài trên nhiều địa hình phức tạp, các tỉnh Lào Cai, Lai Châu, Hà Giang có vị trí chiến lược tại khu vực biên giới phía Bắc của Tổ quốc. Tại các khu vực này, kết cấu hạ tầng giao thông còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí của đồng bào dân tộc thiểu số chưa cao, kéo theo kinh tế chậm phát triển. Điều này tiềm ẩn nguy cơ các thế lực thù địch sẽ lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để tuyên truyền, lôi kéo, kích động bà con, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc.
Nhận thức vai trò đặc biệt quan trọng của công tác dân vận nói chung và dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng, đặc biệt là tại các khu vực biên giới, từ nhiều năm qua, chính quyền các địa phương đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, triển khai thực hiện các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng, Trung ương về công tác dân vận. Đặc biệt là Chỉ thị 49 của Ban Bí thư về “Tăng cường và đổi mới công tác dân vận của Đảng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số”.
Trong đó,tỉnh Lai Châu đã ban hành Đề án “Tăng cường công tác dân vận trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở các huyện biên giới giai đoạn 2016 - 2020” và các nghị quyết, đề án phát triển kinh tế - xã hội, củng cố hệ thống chính trị, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn. Đồng thời, cấp ủy, tổ chức Đảng tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị đối với công tác dân vận; chú trọng đổi mới công tác dân vận trong cơ quan Nhà nước gắn với chức năng nhiệm vụ ở các cấp, ngành, địa phương. Tỉnh ưu tiên huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu.
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Ma Lù Thàng và nhân dân xã Ma Ly Pho, huyện Phong Thổ tuần tra biên giới. |
Nhờ triển khai phong trào dân vận khéo, các xã vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới của tỉnh Lai Châu đã xuất hiện nhiều mô hình, gương điển hình giúp đỡ nhân dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Những gương điển hình này có vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền người dân không tin, không nghe luận điệu xuyên tạc nhằm chống phá Đảng, Nhà nước của các thế lực thù địch, không di cư tự do, không theo đạo trái pháp luật, tích cực tham gia phong trào bảo vệ đường biên, mốc biên giới và giữ gìn an ninh trật tự cơ sở, xóa bỏ hủ tục lạc hậu, thực hiện nếp sống văn minh.
Tại tỉnh Lào Cai, thời gian qua, hệ thống dân vận từ tỉnh đến cơ sở đã bám sát chương trình, kế hoạch công tác, thực hiện có hiệu quả việc nắm tình hình nhân dân, tham mưu cho cấp ủy chỉ đạo giải quyết kịp thời những vướng mắc phát sinh tại cơ sở. Hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, tăng cường các hoạt động hướng về cơ sở; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện 18 Đề án của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Lào Cai khoá XVI.
Đặc biệt, với đội ngũ báo cáo viên đông đảo ở cấp huyện, xã (báo cáo viên cấp huyện có 239 người, cấp xã có 1.170 người) và lực lượng người có uy tín trong cộng đồng nên công tác tuyên truyền, dân vận đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Bằng kinh nghiệm, nhiệt huyết, đội ngũ báo cáo viên và những người có uy tín của tỉnh Lào Cai đã triển khai nhiều việc làm thiết thực. Trong đó thực hiện công tác nêu gương, dân vận khéo từ tuyên truyền miệng, đã giúp người dân tin tưởng vào chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước.
Gần dân, nói để dân hiểu, làm để dân tin, thông qua hình thức tuyên truyền miệng, các báo cáo viên, những người có uy tín trên địa bàn đã góp phần không nhỏ đưa chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với người dân, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân.
"Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong". Nhờ công tác dân vận, việc huy động sức dân trong việc xây dựng đời sống mới, giữ vững an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã đạt được những kết quả tích cực. Cùng với chính quyền các địa phương trên địa bàn tỉnh, người dân đã nỗ lực trong việc xây dựng đời sống mới, đặc biệt, rất nhiều hộ dân đã sẵn sàng hiến đất, đóng góp công sức, vật chất để xây dựng các công trình văn hóa, giao thông, thủy lợi…
Tại tỉnh Hà Giang, thấm nhuần lời dạy của Bác “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, những năm qua, các cấp ủy, chính quyền tỉnh Hà Giang luôn quan tâm, triển khai hiệu quả phong trào “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Qua đó giúp đồng bào thay đổi tư duy, tích cực phát triển kinh tế, tham gia các phong trào ở địa phương, góp phần xây dựng quê hương ngày càng khởi sắc.
Đến nay, toàn tỉnh có 6.848 mô hình "Dân vận khéo"; trong đó, 3.142 mô hình tiêu biểu được nhân rộng. 100% các xã, phường thị trấn, các tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở đăng ký triển khai, xây dựng mô hình “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực. Nội dung các phong trào thi đua được cụ thể hóa gắn với nhiệm vụ của địa phương như: “Dân vận khéo” trong lĩnh vực xây dựng Nông thôn mới; phát triển kinh tế; đảm bảo an ninh trật tự; xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Từ đó đã xuất hiện nhiều mô hình hay, được đông đảo Nhân dân tham gia như: Mô hình “Toàn dân chung tay hiến đất xây dựng nông thôn mới”, “Thôn tự quản an ninh trật tự gắn với bảo vệ đường biên, mốc giới”…
Đoàn viên, thanh niên và học sinh xã Minh Tân (huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang) nghe giới thiệu về cột Mốc 272. Ảnh: Thanh Thủy |
Bên cạnh những kết quả nói trên, phong trào “Dân vận khéo” còn ghi dấu ấn trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội của tỉnh Hà Giang. Đặc biệt, Chương trình xây dựng nhà ở cho người có công, cựu chiến binh nghèo, hộ nghèo đã thu hút sự quan tâm, ủng hộ của toàn xã hội. Từ năm 2018 đến nay, toàn tỉnh có trên 3.400 hộ được xây dựng nhà ở kiên cố; chất lượng giáo dục được nâng cao, tỷ lệ học sinh chuyển lớp, chuyển cấp, tỷ lệ huy động trẻ đến trường được nâng lên; Công tác an sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe Nhân dân được thực hiện tốt; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 4,3%/năm.
Có thể thấy, công tác dân vận đã và đang mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần tạo động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn 3 tỉnh Lào Cai, Lai Châu, Hà Giang. Đặc biệt, nhờ công tác dân vận ở cơ sở, người dân đã phát huy tinh thần đoàn kết, chung tay góp phần bảo vệ vững chắc an ninh, chủ quyền khu vực biên giới.