Được hình thành với mục đích hỗ trợ trẻ em, 9 năm qua đường dây tư vấn và hỗ trợ "Phím số diệu kỳ 1800567" như "ông Bụt" giữa đời thường đối với cuộc đời nhiều đứa trẻ. Thế nhưng, sự diệu kỳ của "ông Bụt" vẫn chưa thể đến với mọi trẻ em, mà luật định cũng là một phần nguyên nhân.
“Ông Bụt điện thoại” của trẻ em
T. và N. 16 tuổi là hai đứa trẻ quê ở Thanh Hóa, Nghệ An cùng ra Hà Nội làm việc kiếm sống. Hai em làm tạp vụ cho một cửa hàng ở quận Thanh Xuân, Hà Nội. Liên tục trong 5 tháng liền, T. và N. phải làm việc từ sáng tới tối và không hề được nhận một đồng lương.
Hình minh họa |
Vào những ngày cuối năm 2012, khi bạn bè cùng quê chộn rộn lĩnh lương về quê đón năm mới với gia đình, thì bất ngờ chủ nhà hàng cho gọi các em tới tuyên bố cho nghỉ việc và không trả lương.
Theo sự giải thích của chủ, tiền lương 5 tháng lao động của hai em đã bị trừ vào tiền làm vỡ bát đĩa suốt thời gian làm việc. Bị đối xử bất công một cách vô lý, T. và N. chỉ biết khóc, may sao một người tốt bụng đã mách các em về sự có mặt của một đường dây điện thoại chuyên giúp đỡ trẻ em.
Sau khi T. và N. liên hệ, nắm rõ câu chuyện của hai em, các tư vấn viên của đường dây nóng đã ngay lập tức kết nối với Phòng Lao động-thương binh và xã hội quận Thanh Xuân, HN để kịp thời can thiệp, bảo vệ quyền lợi cho các em. Người chủ nhà hàng vô lương tâm đã phải hoàn trả tiền công cho T và N.
Trong thời gian đợi chờ để giải quyết, T. và N. được bố trí ở nhà tạm lưu trú của phường Thanh Xuân Bắc và sau đó đã được gia đình đón về.
Đường dây tư vấn và hỗ trợ trẻ em miễn phí tại Việt Nam hay còn gọi là “Phím số diệu kỳ 1800567” được thiết lập năm 2004. Với việc thành lập đường dây này, Việt Nam đã trở thành thành viên thứ 52 của tổ chức điện thoại tư vấn hỗ trợ trẻ em quốc tế (CHI).
Sự có mặt của “ông Bụt điện thoại” giúp cho mọi trẻ em từ 63 tỉnh thành trong cả nước đều có thể gọi điện thoại miễn phí đến tổng đài 18001567 để chia sẻ thông tin, tìm kiếm sự hỗ trợ tâm lý, tinh thần. Không những thế, đường dây còn có thể giới thiệu, kết nối với các cơ quan chức năng, các dịch vụ trợ giúp khẩn cấp khi cần thiết.
Thông tin từ Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em - Bộ LĐ-TB&XH cho thấy, sau 9 năm hoạt động, đường dây tư vấn và hỗ trợ trẻ em đã tiếp nhận và xử lý gần 1,3 triệu cuộc gọi từ khắp 63 tỉnh thành trên cả nước.
Trong số đó, hơn 186.000 cuộc gọi tư vấn, 6.649 cuộc gọi kết nối và đặc biệt đã có 2.600 trường hợp trẻ em được can thiệp, trợ giúp các dịch vụ khẩn cấp.
Đặc biệt, trong số hơn 2.600 ca được can thiệp, trợ giúp này, thì gần 50% các ca liên quan đến xâm hại tình dục, trong đó có nhiều trường hợp trẻ em gái mới chỉ 3, 4 tuổi.
“Góc nguội” của đường dây nóng
Theo bà Hoàng Lê Thủy - Trưởng tổng đài tư vấn, một trong những mục tiêu quan trọng của đường dây nóng là hướng tới nhóm trẻ em nghèo, trẻ em vùng sâu vùng xa, trẻ đường phố, trẻ lao động sớm và trẻ thuộc nhóm dễ bị tổn thương.
Và, để thực hiện được mục tiêu này, đường dây đã tăng cường truyền thông trực tiếp, tạo các trường dân tộc nội trí, các trung tâm giáo dưỡng để giúp các em có khái niệm về sự hiện hữu của một “ông Bụt điện thoại” giữa đời thường.
Theo kết quả Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em đưa ra, trong 4 tháng đầu năm 2013, tỷ lệ cuộc gọi từ trẻ em nghèo, trẻ em vùng sâu vùng xa đã tăng lên 5,86%, thay vì 5 năm đầu chỉ chiếm 1,32% trong tổng số các cuộc gọi.
Tuy nhiên, trong số 10 nhóm đối tượng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt thì các cuộc gọi thường chỉ tập trung vào một số nhóm như: trẻ em khuyết tật, trẻ bị nhiễm HIV/AIDS, trẻ sử dụng chất kích thích, trẻ em lang thang. Nhưng, số cuộc gọi đến tổng đài về lĩnh vực này vẫn là con số khá khiêm tốn.
Trong 3 năm từ 2010-2012, số cuộc gọi của người trên 18 tuổi quan tâm về các vấn đề xâm hại, bạo lực trẻ em nhiều hơn từ năm 2009 về trước, nhưng với những người tư vấn đây vẫn chưa phải là tín hiệu vui. Bởi ở Việt Nam, các chính sách, chế độ bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em đối với nhóm trẻ em dưới 11 tuổi rất được quan tâm, nhưng ở nhóm trẻ em từ 15 tuổi đến 18 tuổi và nhóm người trên 18 tuổi, lại rất ít được quan tâm. Điều này có nguyên nhân từ sự bất cập trong quy định độ tuổi trẻ em của hệ thống pháp luật quốc gia.
Cụ thể, soi chiếu các đạo luật trong hệ thống luật quốc gia, có thể thấy thế nào là trẻ em thì mỗi luật lại quy định… khác nhau. Luật Bảo vệ - chăm sóc - giáo dục trẻ em năm 2004 quy định độ tuổi của trẻ em dưới 16 tuổi. Bộ luật Lao động quy định người lao động là người ít nhất đủ 15 tuổi; Luật Thanh niên quy định thanh niên 16 - 30 tuổi; Bộ luật Dân sự quy định 18 tuổi trở lên mới là người thành niên; Bộ luật Hình sự quy định người 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi hành vi phạm tội... Trong khi đó, Công ước quốc tế về quyền trẻ em mà Việt Nam đã tham gia thì tuổi trẻ em được quy định đến 18 tuổi.
Quy định chồng chéo như vậy, nên bản thân trẻ em là đối tượng hỗ trợ của đường dây nóng của hoang mang mỗi khi nhấc máy vì không biết mình có còn được coi là trẻ em nữa không. Hay nói như em Đồng Nguyệt Minh học sinh lớp 7A9 trường THCS Giảng Võ, HN: “Ở Việt Nam hiện nay, trẻ em được công nhận đến 16 tuổi, nhưng đến 18 tuổi mới được coi là công dân. Vậy thì những bạn trẻ từ 16-18 tuổi thuộc thành phần nào trong xã hội?”.
Hồng Minh