“Mức án nhẹ nên bị cáo không sợ?”
Phiên tòa xét xử tội “trộm cắp tài sản” vào ngày 6/1/2017 do TAND thành Phố Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế), cả ba bị cáo (được tại ngoại vì dưới 18 tuổi) lẽo đẽo theo người thân đến tòa. Trong lúc chờ xét xử, cả ba xúm xít ngoài sân, vừa tíu tít trò chuyện, vừa phì phèo điếu thuốc.
Khác với vẻ vô tư vui cười của ba bị cáo tuổi “choai choai”, những người thân mặt mày đều ủ dột. Họ rầu rĩ ngồi ở một góc hành lang. Trời hôm ấy không mưa, không nắng mà âm u xám xịt, như chính tâm trạng của các bậc sinh thành.
Cả ba bị cáo Huỳnh Ngọc Quý (17 tuổi), Võ Thanh Khải (17 tuổi), Bùi Quốc Tiến (16 tuổi, đều ngụ TP Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế) tối hôm đó ngồi chơi ở khu vực cầu Ba Bến (phường Kim Long) cùng với Thiện và Hải (đều 15 tuổi). Do cả nhóm đều không có tiền xài, nên Quý rủ mọi người đi trộm xe máy.
Cả bọn đồng ý, leo lên 2 xe mô tô (2 xe này trước đó Quý cùng một người khác trộm được, dùng làm phương tiện đi lại) chạy đến khu vực quảng trường Ngọ Môn (trước Đại Nội, Huế). Khi đến cửa Quảng Đức, cả bọn “tia” được chiếc xe Sirius hớ hênh để bên cạnh Cửu Vị Thần Công triều Nguyễn. Tiến, Khải, Thiện, Hải đi bộ gần đó cảnh giới. Quý một mình lén lút dùng kéo đến cạy khóa nổ máy tẩu thoát nhưng bị công an phường Thuận Hòa bắt quả tang.
Quý là người rủ rê, khởi xướng, là người trực tiếp thực hiện nên chịu trách nhiệm chính với vai trò chủ mưu. Tiến, Khải cùng tham gia với hành vi cảnh giới nên chịu trách nhiệm với vai trò đồng phạm giúp sức.
Riêng Thiện, Hải cùng tham gia trộm cắp nên chịu trách nhiệm với vai trò đồng phạm giúp sức, nhưng cả hai đều dưới 16 tuổi nên chưa đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự. Thiện, Hải chỉ bị xử phạt hành chính bằng hình thức cảnh cáo.
Tòa hỏi bị cáo Quý: “Bị cáo dùng gì để mở khóa xe?”. “Dạ dùng kéo”. “Kéo ở đâu ra?” “Dạ mang theo trong người”. “Đi chơi mà mang theo kéo làm gì?”. Quý ú ớ không trả lời.
Tòa: “Bị cáo đi trộm cắp mấy lần rồi?. Quý: “Dạ ba lần”. Vị chủ tọa nghiêm giọng: “Mới chừng đó tuổi mà đã đứng trước vành móng ngựa ba lần rồi? Cả ba lần đó, đều do tôi xét xử. Có phải tôi xử bị cáo mức án nhẹ quá, nên bị cáo không sợ?. Bị cáo lắc đầu quầy quậy bảo “không phải”.
Trong ba bị cáo, chỉ mình Khải có lý lịch “sạch sẽ”, còn Quý, Tiến đều có tiền án tiền sự. Quý từng có hành vi lừa đảo chiếm đoạt xe của người khác, bị TAND thành phố Huế xử phạt 6 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 1 năm. Tuy nhiên, trong thời gian thử thách, Quý tiếp tục thực hiện vụ trộm cắp xe mô tô, vụ án vừa truy tố, chuyển tòa chờ xét xử thì Quý tiếp tục gây ra vụ án này.
Bị cáo Tiến cũng từng bị xử phạt hành chính về hành vi trộm cắp. Sau đó liên tiếp thực hiện 2 vụ trộm cắp xe máy, bị TAND Tp. Huế xử phạt 9 tháng tù (chưa đi thi hành án). Trong thời gian được tại ngoại chờ điều tra, truy tố vụ án đó thì Tiến tiếp tục gây ra vụ án trên.
Nghe qua “lý lịch trích ngang” của mấy bị cáo, nhiều người chép miệng bảo: “Tuổi nhỏ, phạm tội ít nghiêm trọng mới được cho tại ngoại. Nhưng ở nhà, tụi nó cứ liên tiếp đi ăn cắp ăn trộm, chứ có ăn năn hối cải đâu”.
“Quản lý con, không phải bằng giờ giấc”
Vị chủ tọa hỏi bố bị cáo Quý: “Con ông 3 lần đi ăn trộm, đi chơi thâu đêm suốt sáng như vậy ông có biết không?”. “Dạ nửa đêm nó lặng lẽ mở cửa đi chơi, nên không biết”.
Người cha dáng người nhỏ thó, tóc tai bờm xờm, chân tay đen đúa. Gương mặt phờ phạc, ông giải bày, mình bán cà phê cóc, còn vợ thì ở nhà lo nội trợ, quán xuyến việc nhà. Một mình tất bật làm lụng nuôi 5 miệng ăn trong nhà, nên chẳng còn thời gian mà ngó ngàng đến con cái. Cả ngày lê lết ngoài đường mưu sinh, nên tối về, chưa kịp đặt lưng xuống giường đã ngủ thẳng giấc. Mọi việc trong ngoài, đều giao hết cho vợ xử lý. Ông đâu biết, chính sự lơ là của mình, lại khiến con hư hỏng.
Vị chủ tọa nhắc nhở: “Ông quản lý con cái lỏng lẻo như thế, nên cháu mới vi phạm pháp luật hết lần này đến lần khác. Đừng lấy lí do lo làm ăn. Làm ăn nuôi con, nhưng cũng phải dạy con nên người nữa”. Người đàn ông nhìn con trai nơi vành móng ngựa, ánh mắt vừa xót xa lẫn áy náy, như thể chính ông là người đẩy con trai vướng vào vòng lao lý.
Mẹ bị cáo Tiến thì thanh minh, bà quản lý con rất chặt. “Cháu xin đi chơi lần nào đều về đúng giờ. Không ngờ có lần trễ mấy chục phút lại ra nông nỗi”. “Anh chị quản lý con, không phải bằng giờ giấc. Phải biết con đi chơi những đâu, chơi với ai, chứ không phải cứ chăm chăm canh giờ con. Con anh chị không phải vi phạm 1 lần mà đã 2 lần rồi. Lần này, sau khi cháu thi hành án về, anh chị phải quản lý con thật chặt, vì cháu vẫn còn dưới 18 tuổi”, vị chủ tọa dặn dò.
Khác với sự bình tĩnh của bố Quý và mẹ Tiến, mẹ bị cáo Khải khóc suốt phiên tòa. Người phụ nữ mới tuổi 36 nhưng trông già nua. Chị giãi bày trong hai hàng nước mắt. Nhà nghèo, đông anh em, nên mới tí tuổi chị đã đi tha phương mưu sinh. Xuôi nam, ngược bắc đều đủ cả, cuối cùng chị chọn Đắk Lắk làm nơi dừng chân.
Xa quê từ khi còn nhỏ, nên chị chưa làm giấy chứng minh nhân dân. Đến lúc lấy chồng, cả hai ra phường làm giấy đăng ký kết hôn không được. Năm 2013, cuộc sống vợ chồng có nhiều mâu thuẫn, không thể dung hòa, nên chị ôm con về quê sống. Khi đó, Khải chỉ mới 12 tuổi. Chồng của chị cũng đã tái hôn với một người phụ nữ khác. Một mẹ một con, chị tất bật đi làm thuê để nuôi con. Sáng sớm đã ra khỏi nhà, đến lúc tối mịt mới về.
Khải không thích học chữ. Chị chiều con, cho Khải đi học nghề. Thằng bé chọn nghề cắt tóc. Tối nào Khải đi chơi, cũng xin mẹ đàng hoàng. Phải đến lúc công an mời lên phường, chị mới tá hỏa, con lâu nay hư hỏng mà không hay.
“Bị cáo là người chưa thành niên, nhân thân tốt, chưa từng phạm tội, nên tòa sẽ cho bị cáo tại ngoại. Nhưng sau này, chị phải dành thời gian cho con nhiều hơn, quản lý con thật chặt hơn nữa”. Nghe tòa nhắc nhở, biết con không phải “ngồi tù”, chị mừng rỡ, đưa tay liên tục quẹt những giọt nước mắt cứ nối đuôi nhau chảy xuống. Chị cứ thút thít, cứ phân bua mãi: “Vợ chồng tôi chia tay nhau. Tôi bận kiếm tiền mà không theo sát, lơ là để con hư. Điều là lỗi của tôi…”.
Trong lúc các bậc phụ huynh “nhận kiểm điểm” trước tòa, thì cả ba bị cáo ngồi ở hàng ghế kê sát tường vô tư chuyện trò rì rầm. Chẳng bị cáo nào quan tâm bố mẹ nói những gì, Khải cũng không một lần ngước nhìn đôi mắt sưng đỏ của mẹ.
Trước sự ồn ào của cả ba bị cáo, tòa phải nhắc nhở đến mấy lần: “Các bị cáo giữ im lặng. Các bị cáo không được nói chuyện riêng”. Vị chủ tọa nhắc cả ba bị cáo: “Cuộc đời của các bị cáo còn dài lắm. Cuộc đời của các bị cáo không phải như thế này. Do đó, các bị cáo phải biết cân nhắc, biết việc nào nên làm, việc nào không nên làm để lựa chọn cho mình một con đường đi đúng đắn.
Trước khi tòa nghị án, cả ba bị cáo được nói lời sau cùng. Bị cáo nào cũng bày tỏ sự ăn năn, hối hận, hứa sẽ làm lại cuộc đời. Một người dự khán chỉ vào bị cáo Quý: “Thằng nhỏ này, chiều hôm qua cũng tại khán phòng này, cũng vị thẩm phán kia xử nó. Miệng cứ leo lẻo hứa sẽ từ bỏ, nhưng hở ra là đi ăn trộm”.
Tòa tuyên phạt Quý 10 tháng tù giam; Tiến 7 tháng tù giam; Khải 6 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 1 năm. Cả ba bị cáo lại lục tục kéo nhau ra về, rổn rảng trò chuyện, mặc kệ gương mặt ủ dột của các bật phụ huynh đi lặng lẽ phía sau.