Phù hợp xu hướng
TS Nguyễn Minh Phong - Nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu kinh tế, Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội cho biết, với sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế, trong đó có nông nghiệp và cùng với sự phát triển mạnh mẽ, đa dạng của du lịch thì ngày càng có sự xâm nhập lẫn nhau giữa hai lĩnh vực này. Việt Nam cũng đang có sự phát triển dần theo hướng đó.
“Sự kết hợp giữa nông nghiệp và du lịch, đặc biệt là ở những vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa đó trong thời gian gần đây đang có sự gắn kết khá rõ rệt. Trước đây, hình thức này phổ biến ở những vùng Đồng bằng sông Cửu Long nhưng hiện nay Tây Bắc hoặc miền Trung cũng dần dần xuất hiện những hình thức đi du lịch ở những nông trường, những trang trại, ở những khu sản xuất sản phẩm đặc sản” - ông Phong nói
Tuy nhiên, ông Phong lưu ý, du lịch văn hóa trải nghiệm nông nghiệp có một khía cạnh rất đặc biệt vì nhiều khi việc chưa thực sự tiên tiến trong phương thức sản xuất hay lối sống của đồng bào lại là một sự hấp dẫn về văn hóa đối với khách du lịch. Nói cách khác, nhiều khi khách du lịch họ đến, không phải vì địa phương có ứng dụng phương thức sản xuất tiên tiến, có sản phẩm đảm bảo yêu cầu, chất lượng rất cao mà đôi khi khách du lịch chỉ muốn xem cuộc sống người dân như thế nào, sinh hoạt, trồng cây ra sao. Thậm chí những tính chất thô mộc của người dân, của nếp sinh hoạt sản xuất cũng là một nét đẹp của một sự quyến rũ, hấp dẫn trong phát triển du lịch.
Vì thế, chuyên gia Nguyễn Minh Phong cho rằng không nên đặt nặng vấn đề phải có quy trình chuẩn, phải có những sản phẩm thật, sản xuất công nghiệp để bán đại trà thì mới hấp dẫn. Mà nhiều khi sản phẩm đơn chiếc, sản phẩm thô mộc, sản phẩm khác nhau, dựa trên sự sáng tạo, dựa trên chính văn hóa bản địa, truyền thống của người dân tộc ở miền núi mới là một sự hấp dẫn. “Chỉ có điều là chúng ta tránh để đồng bào sử dụng hóa chất, sử dụng những biện pháp gây hại cho môi trường, gây hại cho đời sống, gây hại cho người tiêu dùng thì sẽ mang lại sự thích thú trong trải nghiệm với du khách” – ông Phong nói.
Tận dụng du lịch để mở đường cho nông sản
Hà Giang đã có chủ trương lựa chọn 8 nhóm sản phẩm hàng hóa chủ lực hỗ trợ sản xuất phục vụ du lịch như chè, mật ong, dược liệu, thực phẩm chế biến, sản phẩm đan lát, dệt may, thủ công mỹ nghệ, chế tác, sản phẩm rượu, hồng không hạt. Tuyên Quang cũng đã nâng cao giá trị các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể thành các sản phẩm du lịch đặc sắc, để mở đường cho các sản vật địa phương như cam sành Hàm Yên, măng khô Tuyên Quang, thịt trâu gác bếp hay rượu ngô Na Hang đến được với người dân cả nước. Thông qua du lịch, việc phát triển nông nghiệp và các nông sản địa phương đã có những bước tiến mới.
Ông Lộc Kim Liễn - Phó Giám đốc Sở Công Thương Tuyên Quang thông tin, Sở Công Thương Tuyên Quang cũng đã định hướng một số nội dung cần phải làm để giúp bà con bán hàng tốt hơn. Trong giai đoạn này Tuyên Quang chủ trương phát triển du lịch là khâu đột phá, lấy kinh tế du lịch là trọng tâm. Vì vậy, tỉnh Tuyên Quang cũng chú ý phát triển những sản phẩm du lịch đặc thù chỉ Tuyên Quang mới có. Ví dụ như du lịch lịch sử, homestay, du lịch vào rừng nguyên sinh, du lịch nghỉ dưỡng, tắm bùn ở suối khoáng,…
Cùng với đó, Sở Công Thương có định hướng cùng với phát triển du lịch thì thương mại phải đi theo. Đó là phải xây dựng những điểm bán hàng tại những vùng mà phát triển du lịch tốt, xây dựng điểm bán hàng, đặc biệt các điểm bán OCOP. Trong những năm vừa qua, Sở cũng đã có hỗ trợ cho các huyện cũng như là các doanh nghiệp, hợp tác xã xây dựng những cái điểm bán hàng OCOP. Không chỉ bán những sản phẩm của Tuyên Quang mà sản phẩm của các tỉnh khác cũng có thể kết nối và bày bán tại đó để du khách đến thì có thể vừa đến chơi, vừa có thể tiếp cận mua được sản phẩm của nhiều tỉnh, thành.
Sở Công Thương Tuyên Quang cũng đã định hướng cho việc tiếp tục thực hiện các hoạt động đưa sản phẩm nông nghiệp vào các kênh tiêu thụ thông minh, hiện đại; Đặc biệt là sẽ xây dựng những chính sách hỗ trợ bà con đưa sản phẩm của mình tham gia các điểm du lịch trên toàn tỉnh, các hội chợ, triển lãm, hội nghị cùng kết nối cung - cầu làm sao để sản phẩm của tỉnh Tuyên Quang được nhiều người biết đến hơn.