Gắn phát huy sáng tạo từ lịch sử với phát triển các giá trị văn hóa mới
Tới dự sự kiện có Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng; ông Christan Manhart - Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội; cùng đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương; Đại sứ, Trưởng cơ quan đại diện ngoại giao, các tổ chức quốc tế, các nghệ nhân, nghệ sĩ, doanh nhân trong lĩnh vực thiết kế sáng tạo.
Sự kiện có sự đồng hành của Văn phòng đại diện UNESCO tại Hà Nội, Chương trình Định cư con người Liên hợp quốc UN-HABITAT, Hiệp hội Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam, nhằm tiếp tục phát huy tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô trong các ngành công nghiệp sáng tạo, nâng cao nhận thức của cộng đồng cũng như đẩy mạnh kết nối, mở rộng hợp tác, kinh doanh giữa các tổ chức, các chuyên gia, các doanh nghiệp trong nước và quốc tế trong lĩnh vực thiết kế và công nghiệp sáng tạo.
Là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm về văn hóa, khoa học, giáo dục và giao dịch quốc tế, TP Hà Nội đóng vai trò quan trọng trong lịch sử và sự phát triển của đất nước. Sau 10 năm được ghi danh là TP Vì hòa bình, Hà Nội chính thức gia nhập Mạng lưới các TP sáng tạo của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc - UNESCO ở lĩnh vực thiết kế, góp phần định vị thương hiệu cho Hà Nội phát triển.
Phát biểu tại sự kiện, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng nhấn mạnh, trong những năm qua, TP đã luôn tích cực trong liên kết, hợp tác với các tỉnh, TP trong cả nước đồng thời duy trì, phát triển mối quan hệ hợp tác quốc tế, từng bước tăng cường, mở rộng quan hệ đối ngoại, ngoại giao văn hóa, giao lưu hợp tác với các TP, thủ đô trên thế giới, nhất là những TP là thành viên của Mạng lưới các TP Sáng tạo của UNESCO.
Đặc biệt, để thực hiện hiệu quả, đúng lộ trình 6 cam kết với UNESCO khi gia nhập Mạng lưới các TP sáng tạo, Hà Nội triển khai nhiều hoạt động gắn đẩy mạnh phát huy truyền thống sáng tạo của người Thăng Long - Hà Nội được đúc kết từ hơn nghìn năm lịch sử với thúc đẩy phát triển các giá trị văn hóa mới trong các chương trình phát triển văn hóa - kinh tế - xã hội.
Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng phát biểu tại sự kiện. |
Cùng với đó, TP triển khai tích cực, kiên trì Nghị quyết “Về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, tạo nên những chuyển động tích cực, rõ nét trên toàn TP.
Phát biểu tại buổi lễ, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội Christan Manhart khẳng định, Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2022 với đa dạng các hoạt động trưng bày, triển lãm, hội thảo, trình diễn nghệ thuật… là cơ hội tuyệt vời để kết nối mọi người đến với nhau, cùng tôn vinh thành quả của sự sáng tạo.
Theo Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội, TP Hà Nội với những di sản văn hóa nổi bật và rất nhiều những con người sáng tạo, đang sở hữu những tiềm năng to lớn để sử dụng sự sáng tạo như một chất xúc tác cho sự phát triển kinh tế - xã hội.
Đưa Hà Nội trở thành điểm đến của tri thức và sáng tạo trên thế giới
Tại Lễ hội, các cá nhân sáng tạo một lần nữa cho thấy tinh thần đổi mới sáng tạo có thể đóng góp cho việc dựng xây TP vì lợi ích của mỗi công dân.
Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2022 là hoạt động thường niên, được tổ chức nhằm hiện thực hóa các cam kết của Hà Nội với UNESCO.
Lễ hội năm nay được tổ chức với quy mô lớn nhất từ trước đến nay, quy tụ 25 không gian sáng tạo nghệ thuật với gần 50 hoạt động tham quan, trải nghiệm, tương tác dưới hình thức triển lãm, trưng bày, sắp đặt, toạ đàm, hội thảo, trình diễn nghệ thuật…
Cùng với đó là sự góp mặt của gần 50 nghệ sĩ tham gia triển lãm, sắp đặt, trưng bày; gần 300 nghệ sĩ tham gia các chương trình biểu diễn; gần 50 đơn vị, tổ chức, cộng đồng sáng tạo; gần 30 diễn giả tham gia các tọa đàm, hội thảo chuyên sâu… cùng hàng triệu lượt tiếp cận tương tác trên các kênh thông tin đại chúng.
Trong dịp này có nhiều hoạt động hưởng ứng phong phú sẽ diễn ra tại các không gian khác như Bảo tàng Hà Nội, Trung tâm Tinh hoa Làng nghề Việt (Bát Tràng, huyện Gia Lâm), khu đô thị Bắc An Khánh (huyện Hoài Đức), phố đi bộ Trịnh Công Sơn (quận Tây Hồ), phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây (thị xã Sơn Tây), Không gian nghệ thuật Mơ Art Space, một số không gian sáng tạo văn hóa khác trên địa bàn TP.
Với chủ đề "Sáng tạo và công nghệ", Lễ hội thực sự là một không gian văn hóa đầy ấn tượng, nơi tôn vinh sức sáng tạo bất tận từ nguồn lực văn hóa; điểm hẹn của cộng đồng sáng tạo, những nghệ sĩ, kiến trúc sư, nghệ nhân dân gian thỏa sức thể nghiệm tài năng, qua đó, tiếp tục khơi nguồn cảm hứng sáng tạo trong mỗi người.
Nhằm tôn vinh, quảng bá, khơi dậy nguồn lực thiết kế sáng tạo trên địa bàn TP, trong khuôn khổ lễ hội, Ban Tổ chức cũng sẽ phát động một số cuộc thi thiết kế sáng tạo dành cho các nhà sáng tạo trẻ, nhằm khuyến khích sự tham gia của giới trẻ vào việc kiến thiết không gian TP tương lai, như Cuộc thi Ngôi nhà mơ ước; Cuộc thi Thiết Kế Nhanh - Bảo tồn và phát huy Di sản Nhà máy; Cuộc thi Ảnh cho thanh thiếu niên "Hà Nội một góc nhìn khác"...
Thông qua sự kiện, TP Hà Nội kêu gọi toàn thể nhân dân Thủ đô cùng chung tay xây dựng Hà Nội - từ TP Vì hoà bình trở thành TP sáng tạo của UNESCO; kêu gọi cộng đồng sáng tạo, các nghệ sĩ tiếp tục thắp lên ngọn lửa nhiệt huyết thông qua các sáng tạo nghệ thuật không ngừng, với nhiệm vụ trọng tâm là đặt sáng tạo vào trung tâm của sự phát triển bền vững; đưa Hà Nội trở thành Thủ đô sáng tạo của khu vực Đông Nam Á, điểm đến của tri thức và sáng tạo trên thế giới.