Hiện ở tỉnh Thừa Thiên - Huế, còn khoảng 20 di tích và địa điểm di tích về Bác Hồ, hoặc có liên quan trực tiếp đến gia đình Người. Đó là ngôi nhà 112 Mai Thúc Loan, TP Huế, nơi ở của gia đình Người trong thời gian từ 1895-1901; ngôi nhà ông Nguyễn Sĩ Độ ở Dương Nỗ (huyện Phú Vang), nơi cụ Nguyễn Sinh Sắc đưa hai con Nguyễn Sinh Khiêm và Nguyễn Sinh Cung về dạy học từ 1989-1900.
Ngoài ra, ở Thừa Thiên - Huế còn có các địa danh gắn với Nguyễn Sinh Cung trong thời gian cậu theo cha về dạy học ở làng Dương Nỗ như: Bến Đá bên bờ sông Phổ Lợi, Am Bà, đình làng Dương Nỗ. Địa điểm mai táng bà Hoàng Thị Loan (thân mẫu Bác Hồ) ở chân núi Tam Tầng, xã Thủy An (nay là phường An Tây, TP Huế). Ngôi nhà Dãy trại gần cửa Đông Ba - nay là nhà 47 Mai Thúc Loan (TP Huế), nơi Nguyễn Tất Thành cùng cha và anh ở từ năm 1906 -1909… Hay di tích Trường Quốc học Huế, nơi Nguyễn Tất Thành đã học từ năm 1908 -1909. Địa điểm tòa Khâm sứ Trung kỳ, nay là Trường Đại học Sư phạm Huế (nơi Nguyễn Tất Thành tham gia phong trào chống thuế tháng 4/1908)… Trong số đó, có nhiều di tích đã được Nhà nước cấp Bằng công nhận là di tích Quốc gia.
Bên cạnh đó, Bảo tàng Hồ Chí Minh tại Thừa Thiên - Huế nằm trên đường Lê Lợi (TP Huế) hiện đang lưu giữ, bảo quản hơn 16.000 tư liệu, hiện vật; trong đó có nhiều tư liệu, hiện vật quý về Chủ tịch Hồ Chí Minh. So với các di tích khác trong hệ thống di tích trên toàn quốc thì các di tích ở Thừa Thiên - Huế có ý nghĩa vô cùng quan trọng bởi nơi đây Chủ tịch Hồ Chí Minh và gia đình Người đã sống trong 10 năm (từ 1895 - 1901 và 1906 - 1909).
Nhằm phát huy những giá trị các di tích gắn với Bác, đầu tháng 5/2021, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã phê duyệt Đề án “Phát huy giá trị di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thừa Thiên - Huế phục vụ phát triển du lịch”.
Theo Đề án này, trong năm 2021, tỉnh Thừa Thiên - Huế sẽ xây dựng và đưa vào thực nghiệm các sản phẩm du lịch phù hợp, như: Tour tham quan các di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh kết hợp các di tích lịch sử văn hóa và sản phẩm du lịch tại địa phương; tổ chức các hoạt động trải nghiệm, phát triển các dịch vụ văn hóa tại các di tích và đưa vào khai thác phục vụ khách tham quan từ năm 2022.
Dự kiến đến năm 2025, hệ thống di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thừa Thiên - Huế cơ bản được tu bổ, tôn tạo hoàn chỉnh. Bảo tàng Hồ Chí Minh tỉnh Thừa Thiên - Huế được đổi mới trưng bày, trở thành điểm tham quan du lịch hấp dẫn trong hệ thống điểm tham quan du lịch của tỉnh.
Theo ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, mục tiêu chung của Đề án là định hướng phát triển du lịch Bảo tàng và hệ thống di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tỉnh Thừa Thiên - Huế trên cơ sở khai thác và phát huy các tiềm năng, lợi thế, đáp ứng nhu cầu tham quan, du lịch, phù hợp với các quy hoạch, chương trình trọng điểm phát triển du lịch - dịch vụ của tỉnh. Đồng thời, tăng cường thu hút các nguồn vốn đầu tư tu bổ, tôn tạo hệ thống di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh; đổi mới trưng bày tại Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên - Huế, tạo địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống yêu nước, đồng thời là điểm du lịch văn hóa, lịch sử hấp dẫn, thu hút khách tham quan…
Quá trình triển khai Đề án, tỉnh Thừa Thiên - Huế yêu cầu các ngành chức năng tăng cường hệ thống dịch vụ văn hóa tại các điểm tham quan nhằm phục vụ nhu cầu của khách tham quan, du lịch, nhưng phải đảm bảo nguyên tắc quy hoạch hệ thống dịch vụ và giữ gìn không gian văn hóa của di tích, tránh phá vỡ cảnh quan, xâm hại di tích; khai thác du lịch gắn với bảo vệ cảnh quan môi trường.