Sáng 26/9/2014, trong lúc sửa sang lại ngôi nhà cũ đã bị xuống cấp trầm trọng, ông Mai Văn Huế, người cháu trông coi ngôi nhà tại địa chỉ 191 (số 95A cũ), Trần Hưng Đạo, TP.Huế đã bất ngờ phát hiện ra căn hầm, từng là nơi hoạt động bí mật của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và Ủy ban Kháng chiến Việt Minh Trung bộ thời kỳ chống Pháp (1945- 1946) đã bị chôn vùi dưới lòng đất gần 70 năm.
Căn nhà 95A này trước kia vốn là nhà ông Hồ Diễn (còn gọi là Thái Lợi), là một đại tư sản yêu nước, giờ ông Mai Văn Huế là người đại diện lo hương khói tại ngôi nhà này. Ông Huế cho biết, trong những năm hoạt động tại Huế, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh thường đến đây tổ chức nhiều cuộc họp và giao trách nhiệm cho ông Hồ Diễn vận động các thương gia giàu có đóng góp tiền của để mua sắm vũ khí. Các con ông Diễn được Đại tướng giao nhiều chức vụ quan trọng, trong đó bà Hồ Thị Xuân Mai được giao làm “Thủ quỹ Hội Binh sỹ bị nạn Liên khu V”.
Ông Mai Văn Huế và căn hầm bí mật sau nhà ông |
Ông Mai Ngân (85 tuổi), nguyên là điệp viên tình báo Ban II (thuộc Ty Công an tỉnh Thừa Thiên Huế), Đội viên Đội Tuyên truyền xung phong Việt Minh Trung bộ (1945-1946) cho biết: “Căn hầm này được xây dựng vào những năm 1946 – 1947, trong hoàn cảnh thực dân Pháp quay lại Việt Nam và đổ bộ lên đất Huế.
Sợ địch phát hiện ra Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và những chiến sĩ cách mạng của ông nên ông Hồ Diễn đã cho xây dựng căn hầm bí mật phía sau ngôi nhà mình để làm nơi ẩn náu”. “Hai người con gái ông Hồ Diễn là chị Hồ Thị Xuân Mai (hiện đang sống tại TP.Hồ Chí Minh) và Hồ Thị Xuân Nhạn là những người luôn làm nhiệm vụ mở nắp hầm cho các chiến sĩ ra vào và cung cấp đồ ăn, thức uống cho các chiến sĩ cách mạng này” - ông Mai Ngân cho biết thêm.
Căn hầm bí mật được phát hiện có chiều dài 5m, rộng 1,5m và cao1,2m, nối với mặt đất bằng 4 bậc thang được làm bằng gạch đặc và xi măng. Ông Mai Văn Huế cho biết, khi ông còn ở đây, nơi căn hầm là vườn hoa, ông thường hay ra nơi này chơi. Ông còn nhớ rõ, nắp hầm được ngụy trang bằng một bình hoa, hai bên căn hầm có hai cây hồng đào. Phía trước hầm, bên dưới cầu thang ngôi nhà là kho cất giấu vũ khí như: súng, đạn; còn phía sau cách đó khoảng 10m là kho cất giấu vũ khí thô sơ như giáo, mác...
Vì nhớ rất rõ vị trí căn hầm nên lúc thuê người về tôn tạo lại ngôi nhà, ông Huế đã tự vẽ nên khu vực xây dựng để khỏi làm ảnh hưởng đến căn hầm. Sau khi những người thợ phát hiện ra dấu vết căn hầm thì ông cho ngưng lại và cho dọn dẹp phần đất đá bên trong hầm.
Ông Ngân cho biết thêm, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh còn chọn ngôi nhà này để thành lập nên Đội Tuyên truyền xung phong Việt Minh Trung bộ, và cũng dùng nơi đây để hội họp, địa điểm huấn luyện đội ngũ cán bộ, nơi liên lạc của các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy lúc bấy giờ và đây cũng được xem là cơ sở cách mạng đầu tiên ở Thừa Thiên Huế trước Cách mạng Tháng 8 năm 1945. Để tiện cho việc sinh hoạt cũng như hoạt động tại đây, ngoài căn hầm trung tâm này, hai bên còn có căn hầm nhỏ, đủ dùng cho một người, thường là dành cho những người cảnh vệ.
Ông Mai Ngân kể về căn hầm bí mật |
Theo lời kể của ông Huế, ông Ngân thì nơi đây đã chứng kiến một thời kỳ lịch sử oai hùng của đất nước với những câu chuyện cảm động, đầy nét oai hùng. Đặc biệt, trong đó có thể nói đến một câu chuyện tình lãng mạn còn được lưu truyền đến ngày nay giữa đồng chí Nguyễn Chí Thanh và người con gái thứ hai của ông Hồ Diễn là bà Hồ Thị Xuân Mai, nhưng sau đó vì nhiệm vụ cách mạng, họ đã phải xa nhau.
Cũng theo ông Mai Văn Huế kể lại, mối tình này chớm nở từ khi vào mùa Thu đẹp trời, có chàng trai trẻ vào mua bẫy chuột tại nhà ông Hồ Diễn, người bán hàng là bà Xuân Mai đã vô tình để bẫy chuột đập vào tay mình. Không biết có phải “tiếng sét ái tình” không, nhưng ngay sau đó chính chàng trai này đã thường xuyên qua hỏi thăm sức khỏe bà Mai rồi được ông Hồ Diễn cho ở lại nhà mình. Và chính từ ngôi nhà này, Đội Tuyên truyền xung phong Việt Minh Trung bộ dưới sự lãnh đạo của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh ngày càng hoạt động mạnh mẽ hơn, số lượng thành viên phát triển nhanh chóng. Ban ngày ở lại trong nhà, ban đêm các thành viên đội tổ chức nhiều hoạt động trong quần chúng và do vậy mà họ lần lượt bị kẻ thù phát hiện, truy bắt một cách gắt gao.
Ông Mai Ngân nhớ lại: “Khoảng cuối năm 1946, trong một lần bị địch tấn công, một số đồng chí khác xuống hầm trú ẩn thì Đại tướng không xuống và nói với anh em ở lại “Ta mất đất nhưng không mất nước”, rồi ông quay ra, đi về làng Niêm Phò, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế (quê Đại tướng), kêu gọi các cán bộ lãnh đạo tỉnh, kêu gọi nhân dân tiếp tục chống Pháp”.
Thông tin về căn hầm bí mật của vị Đại tướng lừng danh bị lãng quên sau mấy chục năm, nay được phát hiện làm chấn động vùng đất Cố đô. Những thông tin trên đây cho thấy phần nào sự nghiệp cách mạng của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh trong cuộc đấu tranh giành độc lập cho dân tộc.