"Đại diện” 3 đời theo nhau chết bất thường
Khoảng 14h ngày 17/5/2014, bà hàng xóm 51 tuổi sang nhà anh Hòa mượn một chiếc thau về đựng đồ. Sau một hồi đánh tiếng, không thấy ai trả lời, nhìn quanh quẩn một lượt, bà đi về phía cửa sổ buồng ngủ ngó nghiêng thì bàng hoàng phát hiện chủ nhà đã treo mình trên thanh xà ngang bằng chiếc dây dù màu xanh.
Ông Nguyễn Văn Định (55 tuổi) người trực tiếp đỡ thi thể nạn nhân xuống, nhớ lại: “Khi nghe tiếng la to, tôi ở nhà bên cạnh chạy sang đỡ anh ấy xuống, tháo dây dù, đặt xuống sàn nhà hô hấp nhưng không kịp. Có lẽ anh Hòa treo mình đã lâu nên khi được phát hiện và hạ xuống thì người đã tím tái, miệng lè lưỡi”.
Quá trình điều tra, công an kết luận cái chết của anh Hòa là do tự sát. Nhà khi ấy chỉ có một mình anh. Cô con gái 6 tuổi đang chơi đùa bên nhà hàng xóm.
Vụ việc khiến làng xóm cảm thấy băn khoăn không hiểu lý do. Trong mắt mọi người, anh Hòa là người sống tình cảm, vui vẻ, hòa đồng. Chưa tìm ra lý do, một số người mê tín cho rằng, mảnh đất ngôi nhà anh bị “ma ám”.
Bà lão 65 tuổi hàng xóm cho hay, mảnh đất ấy trước đây là một bãi tha ma. Ngày trước nghèo khó, không có quan tài để chôn cất, người dân thường quấn người chết vào chiếu hoặc chum đất rồi lấp đất chôn. Bởi thế mà xóm nhỏ còn được gọi tên xóm Mả Can, trong đó “mả” ở đây là mồ mả.
Cũng chính tại ngôi nhà này, vào ngày 30 tết năm 2004, khi mới 53 tuổi, cha anh Hòa cũng tìm đến cái chết bằng cách treo cổ tự tử mà không rõ nguyên nhân. “Cái chết của hai cha con họ có rất nhiều điểm trùng nhau, cùng treo cổ tự vẫn tại vị trí trong cái buồng ấy, cùng “bí ẩn” không rõ lý do”, bà cụ bày tỏ sự băn khoăn.
Đen đủi hơn, trước khi cha con anh Hòa tự vẫn, cũng tại ngôi nhà này, người bác dâu của anh cũng tự tử bằng cách uống thuốc sâu tự vẫn.
Nói về tai ương xảy ra với ngôi nhà này vẫn chưa hết, một năm trước đây, con gái mới lên hai tuổi của anh Hòa trong lúc đang chơi đùa, bất ngờ bị trượt chân ngã xuống chiếc ao ở đầu xóm. Chị Lê Thị Diệu (SN 1993), người phát hiện, cũng là người vớt thi thể cháu bé từ dưới ao lên, nghẹn ngào kể lại:
“Lúc đó cháu đang chơi một mình ở sân nhà tôi, nghĩ cháu mải mê nghịch đồ chơi, tôi tranh thủ ra giếng giặt quần áo. Một lúc sau quay lại không thấy cháu đâu, hoảng quá tôi gọi cháu thật to nhưng mãi không thấy. Lúc ra chỗ ao bèo nhà, tôi loáng thoáng thấy có nhúm tóc đen nổi lên. Linh tính mách bảo, tôi vội lội xuống xem, quả là xác cháu”.
“Kể từ sau cái chết của anh Hòa, ít người dám đặt chân vào xóm chơi như ngày trước mà sợ sệt, e ngại. Trẻ con hoặc ai không biết mà vô tình đi vào xóm không may sảy chân ngã, đau cổ do nằm ngủ một bên, là y rằng hôm sau có đồn đại do người đó “hợp vía” nên bị “ma” xô ngã, đùa bỡn…”, người hàng xóm thuật lại.
Người sống cũng khốn khổ theo người chết
Ngồi thẫn thờ trong ngôi nhà cấp bốn rộng rãi nhưng vắng vẻ, u buồn, bà Nguyễn Thị Hoa (55 tuổi, mẹ anh Hòa) khuôn mặt ủ rũ, lặng lẽ đi tới bàn thờ thắp nén nhang rồi mới bắt đầu câu chuyện. Bà kể vợ chồng bà sinh được ba người con hai trai, một gái, anh Hòa là con thứ hai. Vì hoàn cảnh gia đình nghèo nên vợ chồng anh thường xuyên phải đi làm ăn xa.
Do bận việc cưới hỏi của cô cháu gái ở trong miền Nam, hôm con trai tự vẫn, bà không có nhà. “Trưa hôm đó, tôi đang dự tiệc cưới thì nhận được điện thoại của Hoàng, nó bảo tôi rằng “mẹ cứ ở trong đó một thời gian trông con cho em rồi hãy về”, mới nói có vậy thôi là nó tắt máy luôn. Cảm thấy có điều gì đó không ổn nên ngay chiều hôm đó, tôi bắt xe về nhà luôn. Hai ngày sau xe mới về đến nhà, xuống xe tôi choáng váng chết đứng. Hóa ra cả nhà giấu tôi chuyện cháu mất để tôi trở về nhà bình an”, bà kể.
Lo sợ căn nhà, người sống đành biến thành gian thờ người chết, mẹ con bà cháu xuống bếp ở |
Đến chính bà Hoa cũng không thể lý giải động cơ gì khiến anh Hòa tự vẫn. Chỉ có chuyện mấy năm nay làm ăn thua lỗ, nhưng chưa đến mức phá sản nợ nần chồng chất.
Vợ người xấu số cũng cùng một nỗi băn khoăn như mẹ chồng: “Anh ấy có uống rượu, nhưng cả đời chưa bao giờ làm hại ai, không nát rượu đến mức thần kinh tự vẫn. Làm ăn thì khi thắng khi thua, không thể vì thế mà nghĩ quẩn tự tử”.
Sau ngày anh Hòa mất, mấy mẹ con bà cháu chuyển xuống căn nhà bếp ở. Căn nhà “tai ương” bây giờ đã được mẹ con bà sửa sang và thông ba gian làm một khoảng rộng rãi để xây ba bàn thờ lớn.
Không thỏa mãn với lý giải của những người trong gia đình và những người mê tín dị đoan, Xa lộ Pháp luật đã tìm đến gặp vị trưởng thôn. Ông trưởng thôn cho biết: “Sự việc bốn cái chết vào một nhà, tại một mảnh đất đó là có thật. Tôi sinh sống ở quê, ngày nhỏ cũng được tận mắt chứng kiến mảnh đất này xưa kia là một bãi tha ma, và mảnh đất ấy là nơi tập trung nhiều mồ mả nhất, thế nên không trách khỏi lời đồn đại của dân làng”.
Về nguyên nhân dẫn tới việc anh Hòa tự tử, trưởng thôn cung cấp thông tin: “Có thể do làm ăn thua lỗ, tiếc tiền nên trong phút nông nổi đã nghĩ tới chuyện tự vẫn. Chuyện vợ chồng anh ấy cãi nhau cũng không phải là chuyện hiếm, có lần công an xã phải tới nhà để giải quyết. Như vậy đồn đại “ma ám” là không có cơ sở”.
Chỉ khổ người sống. Mẹ anh Hòa cho hay: “Họ đồn nhà tôi có nhiều hài cốt vì xưa kia đây là bãi tha ma. Muốn cho tâm mình được thanh thản nên tôi cũng nhờ “thầy” về dò tìm mồ mả nhưng không thấy gì. Bên cạnh đó, muốn gia đình được yên ổn tôi còn đi “cúng bái, giải hạn”, mời “pháp sư” rất giỏi ở Hà Nội”.
Nghe xúi dại phải sửa sang lại nhà cửa, thay cổng mới, lập ba bàn thờ cúng với tổng chi phí lên đến hàng trăm triệu nhưng gia đình này vẫn cố gắng làm. Người đàn bà trong gia đình vì số đen gặp phải quá nhiều tai ương nên nay dường như u mê với những quan niệm mê tín dị đoan: “Sắp tới làm lễ, “thầy” sẽ về bốc ba bát hương lên ba bàn thờ. Phải chính tay “thầy” bốc hương mới được”, bà lão thầm thì.
(Tên nạn nhân trong bài đã thay đổi)
Bình luận
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu