Tuy nhiên, không phải các vụ án đưa ra xét xử là mối quan tâm của nhiều người, ngược lại, việc miễn truy cứu trách nhiệm hình sự cho bộ sậu lãnh đạo Vinaconex với sự cố 14 lần vỡ ống nước sông Đà (lần mới đây đã là thứ 18) mới là mối lo lắng, bức xúc của không chỉ nhân dân Thủ đô – những người bị mất nước mà cả giới luật gia, thông tấn. Dư luận nghi ngờ rằng nguyên tắc “không làm oan người ngay, không bỏ lọt tội phạm” không được tuân thủ.
Những lý do để không đưa vụ này ra xét xử như nhân thân tốt, phạm tội lần đầu, có công, không vụ lợi, già cả, ốm yếu,... xem ra rất thiếu sức thuyết phục. Bởi, những lý do đó chỉ được coi là tình tiết giảm nhẹ khi xem xét, áp dụng hình phạt mà thôi. Đó không phải là những yếu tố để không truy cứu trách nhiệm hình sự. Dư luận đòi hỏi phải xử lý nghiêm, đến cùng vụ này!
Như một đối chứng, cùng thời điểm, vụ 2 thiếu niên cướp bánh mỳ do bị đói, trị giá vụ cướp là 45.000 đồng, vẫn không được hưởng sự khoan hồng của pháp luật, nhận mức án 10 tháng tù giam. Bên cạnh đó, một tên sát nhân chém chết 4 người, làm bị thương 3 người không bị án tử cũng bởi nhân thân tốt, từng là cảnh sát cơ động và có dấu hiệu tâm thần.
Vụ này làm người ta liên tưởng tới Vũ Văn Tiến, đồng phạm trong vụ trọng án Bình Phước. Mặc dù thủ phạm chính nhận tội về mình, Tiến làm là do bị sai khiến, mẹ bị cáo quỳ khóc, van lạy thân nhân bị hại rủ lòng thương, kết quả, Tiến vẫn chịu mức án tử hình. Diễn biến ở Giá Rai, Bạc Liêu cho thấy hành vi đập phá nhà người khác hơn 50 lần mà không bị xử lý hình sự vì người phụ nữ này “xuất thân từ gia đình có truyền thống cách mạng” và hành vi đó không gây nguy hiểm cho xã hội nữa”!
Pháp luật nghiêm minh là tiền đề để thiết lập nên sự công bằng xã hội. Nếu pháp luật nghiêm minh từ đầu thì làm sao các công ty môi trường dám tiếp tay cho Formosa đầu độc đồng bào mình, làm sao có các cán bộ quản lý môi trường hỏi đến cái gì cũng không biết, thậm chí, có người giữ cương vị lãnh đạo ở nơi Formosa lập đại bản doanh dám phỉ báng dư luận xã hội cũng như báo chí là “náo”!
Pháp luật nghiêm minh thì không còn chỗ cho trụ sở Kiểm lâm trở thành nơi cất giấu gỗ pơ-mu lậu, cảnh sát giao thông thản nhiên nhận tiền mãi lộ,... đó là những việc nhỏ. Việc lớn như cả xây dựng một thủy điện nghìn tỷ nhưng không có phép ở Nghệ An, hoặc một công ty xây dựng thủy điện ở Quảng Trị sử dụng lao động Trung Quốc “chui” khi bị phát hiện lại xin cho được “chui” tiếp tục.
Một công ty lữ hành sử dụng trái pháp luật tới 64 lao động Trung Quốc ở Nha Trang mới đây mới bị phát hiện và điều người ta có thể tin được là đây chính là công ty “sân sau” của ông Giám đốc Sở Văn hóa Du lịch vừa về hưu, tin được bởi không giữ cương vị đó làm sao việc đó qua mắt các cơ quan chức năng tỉnh nhà được. Và, dư luận hiện tại đặc biệt chú ý đến những cán bộ được bổ nhiệm “đúng quy trình” mà đầy khuất tất. Đến như đại biểu Quốc hội có “lý lịch rất đẹp” mà cũng bị loại sau khi trúng cử vì “không đủ tiêu chuẩn” mặc dù được cử tri tín nhiệm với số phiếu cao.
Tất cả những việc gây nên sự bất công xã hội đó bắt nguồn từ việc thực thi pháp luật thiếu nghiêm minh. Những người có hành vi gây ra bất công xã hội tin tưởng rằng hành vi trái pháp luật của mình sẽ không bị trừng phạt, cũng như bộ sậu các lãnh đạo Vinaconex nên họ cứ làm và không sợ đến một ngày kia bị pháp luật trừng phạt.
Gần 600 năm trước, Lê Lợi khi lập nước đã nói với quần thần: “Không có pháp luật tất sẽ sinh loạn”. Ngày nay, chúng ta có hẳn một hệ thống pháp luật nhưng nếu thực thi không nghiêm minh thì tất yếu cũng dẫn đến “loạn” mà các sự việc trên đây là biểu hiện của sự “loạn” đó. Pháp luật nghiêm minh đảm bảo cho sự công bằng xã hội và trật tự xã hội được thiết lập trên nền tảng đó, không thể khác được!