Kỳ án “bán đất không kèm nhà”: Phá dỡ nhà cũ trên đất đã mua mà bị… phạt tù

Rất đông người dân đến xem phiên xử hi hữu
Rất đông người dân đến xem phiên xử hi hữu
(PLVN) - Dự kiến ngày 20/4 tới đây, TAND Nghệ An sẽ xử phúc thẩm vụ án hình sự về tội “Cố ý làm hư hỏng tài sản” và “Hủy hoại tài sản” với 2 cha con bị cáo Nguyễn Cảnh Tâm (SN 1972) và Nguyễn Cảnh Thực (SN 1994, cùng ngụ khối 10, phường Quỳnh Xuân, thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An). Đáng lưu ý là trước thềm phiên tòa, hàng trăm người dân địa phương đã cùng kêu oan cho cha con bị cáo.

Theo lá đơn của tập thể người dân khối 10, phường Quỳnh Xuân, thị xã Hoàng Mai: quá trình khởi tố, điều tra, xét xử đối với cha con ông Tâm khiến dư luận hoang mang, bức xúc vì nhiều dấu hiệu oan sai. 

Chủ cũ “giở trò” sau 9 năm bán đất

Bà Đặng Thị Mai (52 tuổi, ở khối 11, phường Quỳnh Xuân), một người ký tên trong đơn, trao đổi với PV: “Tôi chỉ là hàng xóm nhà ông Tâm, không có họ hàng, nhưng thấy cha con ông ấy oan quá nên ký đơn. Ông Tâm thật như đếm, không biết chữ, người thật, việc thật, vậy mà bị bắt đi tù”.

Cách đây 5 tháng, trong phiên sơ thẩm ngày 18/11/2019, TAND thị xã Hoàng Mai đã tuyên ông Tâm tổng hợp hai tội danh là 15 tháng tù, con trai ông 6 tháng 11 ngày tù (bằng thời hạn đã tạm giữ, tạm giam). Đây là một trong những phiên tòa “nóng” với số người tham dự đông bậc nhất lịch sử xét xử của TAND thị xã Hoàng Mai. Nghe tuyên án, người ồ lên phản ứng, người chảy nước mắt khi ông Tâm bị dẫn giải ra xe thùng chở đi.

Ông Tâm cả đời làm nông chưa bao giờ xa nhà quá 7 ngày, “đùng một cái” bị bắt tạm giam hơn 10 tháng. 

Sự việc bắt nguồn từ việc mua bán tài sản giữa vợ chồng ông và “bị hại” là bà Nguyễn Thị Hựu (SN 1977, ngụ khối 12, phường Quỳnh Xuân) từ năm 2010.

Bà Hựu có một mảnh đất 203m2 ở khối 12, ngày 28/3/2010 bà Hựu làm giấy chuyển nhượng quyền sử dụng 70m2 trong diện tích đất trên cho ông Tâm với giá 260 triệu đồng. Cả ông Tâm và bà Hựu đều không thạo mặt chữ nên nhờ cán bộ địa chính xã viết giấy giúp. Số tiền đã được giao đủ. Giấy chuyển nhượng có người làm chứng, được UBND xã Quỳnh Xuân xác nhận là hợp pháp, đúng sự thật. 

Vợ chồng “bị hại”.
 Vợ chồng “bị hại”.

Do quan hệ thân tình nên sau khi mua bán, ông Tâm vẫn cho gia đình bà Hựu ở nhờ một thời gian. Đến năm 2011, bà Hựu đi xuất khẩu lao động, chồng con bà Hựu chuyển đi nơi khác.

Bảy năm sau, cuối năm 2018, bà Hựu về nước đến gặp ông xin mua lại. Ông không đồng ý vì gia đình đã có kế hoạch sử dụng và nối liền mảnh đất đó với miếng đất bên cạnh. Hơn nữa giờ giá đất tăng nhiều so với trước.

“Đến một ngày gần Tết, tôi đang làm trên trang trại thì thấy con gọi điện nói có ai vào ở trong nhà trên đất đã mua. Tôi hốt hoảng chạy về, thấy nhà khóa cửa, ngó qua cửa kính thấy đồ đạc nhưng không biết của ai. Sau hóa ra là chị Hựu đã tự phá khóa, chuyển đồ vào ở từ bao giờ”, ông Tâm kể.

Ông Tâm làm đơn đề nghị địa phương yêu cầu bà Hựu thu dọn đồ đạc và tài sản ra khỏi khu đất của gia đình ông, nhưng không được chính quyền địa phương giải quyết.

“Bị bắt đã oan, tòa xử càng oan”

Cuối tháng 12/2018, vì nhu cầu dùng đất để xây dựng cửa hàng cung ứng thực phẩm sạch, ông Tâm cùng con trai đưa máy xúc phá dỡ ngôi nhà cấp 4 trên khu đất đã mua (nhà được xây dựng năm 2003, đã xuống cấp). Ông Tâm có thông báo cho chính quyền và công an, nhưng phá dỡ xong các cơ quan trên mới có mặt.

Khi chuyển đồ đạc của bà Hựu ra khỏi nhà, ông Tâm có làm thủ tục bàn giao tài sản cho Công an phường Quỳnh Xuân nhưng không được tiếp nhận nên gửi nhờ vào nhà hàng xóm. 

Khi cha con ông Tâm san lấp mặt bằng để xây dựng công trình, bà Hựu mang giường, chiếu tạm đến. Liên tiếp nhiều lần bị ngăn cản việc xây dựng trên mảnh đất đã mua, ông Tâm “bực mình” đốt chiếc giường trên.

Ngày 1/4/2019, ông Tâm và con trai bị Công an TX Hoàng Mai khởi tố hai tội “Cố ý hủy hoại”, “Cố ý làm hư hỏng tài sản” theo Điều 178 BLHS.  Con ông bị tạm giam 6 tháng 11 ngày, bằng đúng thời hạn án sơ thẩm. Còn ông bị tạm giam hơn 10 tháng mới được tại ngoại.

Bị cáo Nguyễn Cảnh Tâm.
 Bị cáo Nguyễn Cảnh Tâm.

Phiên sơ thẩm diễn ra ngày 18/11/2019. Phòng xử án chỉ vài chục m2, riêng người tham gia phiên tòa đã chật cứng. Bộ phận an ninh với hàng chục cảnh sát phải lập hàng rào chắn bên ngoài. Người dân đứng ngồi la liệt khắp sân tòa nghe xử qua loa phóng thanh. 

Ngoài án phạt tù, tòa còn buộc cha con ông Tâm bồi thường cho “bị hại” hơn 100 triệu đồng tổng giá trị “các tài sản bị phá hủy, hư hỏng”, như: “phần lớn” ngôi nhà, đồng hồ treo tường, quạt điện, chăn màn..., tiền bị hại ở khách sạn do “bị phá nhà phải đi thuê nhà”.  

Khi tòa tuyên án, nhiều người ào lên phản đối. Một người kể: “Chúng tôi thấy cha con ông Tâm bị bắt đã oan. Tòa xử lại càng oan. Có ai chỉ bán đất nhưng không bán nhà trên đất, giữ lại nhà để sử dụng tiếp? Rõ ràng ông Tâm có giấy tờ mua bán đầy đủ, có chính quyền xác nhận mà không được pháp luật bảo vệ. Người dân chúng tôi biết tin vào đâu?”.

Dấu hiệu mâu thuẫn trong nội dung bản án

Theo ông Tâm, ngay trong bản án sơ thẩm cũng có nhiều nội dung mâu thuẫn.

Phần đầu bản án thừa nhận vụ án do “mâu thuẫn trong việc tranh chấp đất”, nhưng tòa chưa giải quyết câu hỏi mấu chốt “đất thuộc quyền sử dụng của ai” mà đã xử cha con ông Tâm có tội. 

Đặc biệt, bản án còn ghi rõ: “Người bị hại cũng có một phần lỗi là không chịu thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, là nguyên nhân gây bức xúc, phạm tội cho các bị cáo”. Vì sao bà Hựu “không chịu thực hiện nghĩa vụ hợp đồng” như bản án nhận định, nhưng cha con ông Tâm lại chịu phạt? 

Tòa phải bắc loa xử cho người dự khán nghe.
 Tòa phải bắc loa xử cho người dự khán nghe. 

Tại phần xác định trách nhiệm dân sự, bản án cũng ghi: “Bà Hựu cũng có lỗi trong việc này nên phải chịu 1/4 số tiền” trong tổng giá trị các tài sản bị hư hỏng, phá hủy.

Theo bản án: “Vụ án thuộc trường hợp nghiêm trọng, hành vi phạm tội của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội, xâm phạm đến quyền sở hữu của cá nhân được pháp luật bảo vệ, gây hoang mang, lo lắng trong cuộc sống bình thường của nhân dân”. 

Một người dân phản bác: “Xử như thế mới khiến dân chúng tôi hoang mang”. 

Trao đổi với PLVN, ông Tâm nhiều lần khẳng định việc mua bán xong 9 năm không vấn đề gì cho đến khi bà Hựu đi nước ngoài về phá khóa vào ở. “Khi điều tra, điều tra viên nói tôi nhận tội sẽ được khoan hồng giảm nhẹ hình phạt. Nhưng tôi nói với chú công an: “Tôi có tội đâu mà nhận”.

Tôi là nông dân chỉ biết trồng rau, nuôi lợn, làm trang trại. Có chút tiền để dành đi mua miếng đất cho con cái làm ăn. Tôi học thức kém, không thạo chữ, vì thế mới nhờ cán bộ địa chính xã viết hộ, nhờ người làm chứng. Lại lên xã đóng dấu. Tôi nghĩ thế là yên tâm.

Người dân đến xem phiên xử rất đông.
 Người dân đến xem phiên xử rất đông.

Từ ngày mua bán, thuế đất 9 năm liền tôi bỏ tiền đóng. Tiền đền bù giải phóng mặt bằng tại mảnh đất tôi cũng được nhận. Như vậy, chính quyền đã công nhận quyền sử dụng của tôi. Vậy tôi phá dỡ nhà cũ trên đất của tôi thì tại sao bắt tôi?”.

Vụ án cha con ông Tâm rất “nổi tiếng” tại địa phương. Các cuộc họp HĐND liên tục nhắc đến như một “điểm nóng an ninh”. Những rắc rối pháp lý, những cuộc tranh luận nảy lửa trong dư luận. Nhiều ý kiến cho rằng, để sự việc trở nên nghiêm trọng như vậy là một phần trách nhiệm của các cơ quan chức năng địa phương. 

PLVN sẽ phản ánh trong bài tiếp theo.

Vụ án cha con ông Tâm được xác định là tội phạm nghiêm trọng hoặc ít nghiêm trọng, không thuộc một trong các trường hợp phải bắt tạm giam. Nhưng gia đình đã làm đơn xin bảo lĩnh theo đúng luật mà không được phản hồi.

Nhớ tới quãng thời giam bị bắt tạm giam, ông Tâm nghẹn ngào: “Tôi khổ vô cùng. Ban đầu cả 2 cha con bị đưa vào Trại tạm giam tỉnh. Sau đó mình tôi bị đưa ra tạm giam ở Công an TX Hoàng Mai”.  

Ông chỉ vào những vết thâm trên cánh tay, nói: “Đây là kiến ba khoang cắn. Phòng tôi bị nhốt không hiểu sao rất nhiều kiến. Có đêm tôi mệt ngủ quên, kiến bò thành hàng trên người, đốt sưng hết mặt, mũi. Sau đến gần ngày điều tra thì công an cho thuốc bôi đỡ sưng. Tôi xin các anh công an cho tôi cạo râu cũng không được. Đến bữa tôi phải vén râu lên để ăn uống. Khổ lắm. Nhưng tôi cắn răng chịu không dám kêu, sợ người ta lại chuyển con tôi ra thì tội con”.

Đọc thêm

Vụ án Ban quản trị chung cư Miếu Nổi “tham ô”, “lợi dụng chức vụ”: Tự ý tiêu xài nhiều tỉ đồng đóng góp của cư dân

Đối tượng Phương và Đại khi bị bắt. (Ảnh: Công an cung cấp)
(PLVN) - Cơ quan CSĐT Công an TP HCM vừa ban hành kết luận điều tra (KLĐT) bổ sung vụ án xảy ra tại chung cư Miếu Nổi (quận Bình Thạnh). CQĐT đề nghị truy tố Phạm Phương, Đinh Việt Cường cùng về tội "Tham ô tài sản", "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ"; Phan Dương Đại, Lê Văn Bình, Nguyễn Phước Nguyên tội "Tham ô tài sản"; Tôn Ngọc Bạch, Nguyễn Thị Đào về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".

Sơ thẩm vụ 'Trốn thuế' ở Phú Giáo (Bình Dương): VKS đề nghị phạt tiền với 3 bị cáo

VKS đề nghị HĐXX phạt tiền các bị cáo về tội “Trốn thuế”.
(PLVN) - Hôm qua (12/12), TAND huyện Phú Giáo (tỉnh Bình Dương) mở phiên sơ thẩm với bị cáo Nguyễn Thị Phương Huệ (SN 1967), Trần Thanh Tài (SN 1997, con trai bà Huệ, cùng ngụ huyện Phú Giáo) và Võ Đức Quang (SN 1993, ngụ Chơn Thành, Bình Phước) về tội “Trốn thuế”. Cả ba bị cáo buộc trốn thuế thu nhập cá nhân (TNCN) khi khai giá mua bán đất thấp hơn giá thực tế.