Phan Nha Trang nhận giải thưởng. |
Phim ngắn có phải là giải pháp tốt nhất cho những người trẻ bắt đầu làm phim, vì nó tiết kiệm được nhiều thứ: thời gian, tiền bạc... nhưng nó lại nói lên được nhiều điều?
- Phim ngắn là một lựa chọn tốt với những đạo diễn trẻ, bởi quy mô phim nhỏ yêu cầu nguồn tài chính không quá lớn, ekip cũng có thể cân đối gọn gàng, quá trình sản xuất dễ hình dung, chi phối hơn. Sân chơi dành cho phim ngắn cũng rất đa dạng, từ trong nước tới quốc tế, từ nghiệp dư tới chuyên nghiệp. Người trẻ vừa có dịp thử sức, vừa rút ra được những kinh nghiệm thực tế trong quá trình làm phim. Cá nhân em là người “tay ngang”, mỗi phim ngắn với em là một bài “kiểm tra” cần vượt qua trên con đường đến với điện ảnh.
Phải chăng phim ngắn là gu của em, vì vẫn có những người già nổi danh vì phim ngắn. Điện ảnh không có chuyện dài, ngắn mà nó thuộc về ý tưởng, thông điệp?
- Chuyện thời lượng hoàn toàn khác với chuyện phim hay, cũng hoàn toàn khác với chuyện nổi danh. Có những người cả đời chỉ theo đuổi phim ngắn, có người lại bắt tay vào làm phim dài trước. Nếu phim đủ cảm xúc để gieo hạt giống vào tâm hồn người xem, đủ mạnh mẽ để vượt thời gian thì dài, ngắn không quan trọng nữa.
Giải thưởng có phải là nền tảng để em tiếp tục công việc hay giải thưởng là một sự nương nhờ danh tiếng để làm phim?
- Em không được đào tạo về điện ảnh nên mỗi lần làm phim, em coi đó là một bài học. Bản thân việc làm phim cũng luôn cần động lực để duy trì cảm hứng cho đạo diễn cũng như toàn ekip. Bộ phim phải có tính mục đích của riêng nó, không chỉ để thỏa mãn mình mà còn để truyền lửa cho đồng đội của mình. Nếu làm phim chỉ để bỏ đó thì em nhất định không làm. Cuộc thi chính là cơ hội bứt phá những giới hạn sáng tạo cho những người yêu điện ảnh. Danh tiếng chỉ một phần, quan trọng là thực lực. Dù điện ảnh hay bất cứ lĩnh vực nào khác, đường dài mới biết ngựa hay, nương nhờ chỉ là chuyện phút chốc, còn bản thân phải luôn học hỏi và đổi mới.
Điện ảnh luôn đòi hỏi người đạo diễn sáng tạo không ngừng nghỉ, với em đó có phải là cảm hứng làm việc hay là áp lực quá lớn với một nữ đạo diễn trẻ, vì nếu không có cảm hứng sáng tạo mình sẽ bị quên lãng?
- Rồi ai cũng sẽ bị quên lãng. Nổi tiếng là một từ rất phù du, nay yêu mai có thể ghét, nay nhớ mai có thể quên. Thứ mong manh như vậy không đủ để trở thành động lực sáng tạo, cố sống cố chết đeo bám nó chỉ là môi trường cho sự ganh ghét, đố kị lên ngôi. Em muốn kể những câu chuyện làm thay đổi con người, và nếu cuộc đời còn cho em cơ hội, em sẽ không ngừng cố gắng. Điện ảnh, suy cho cùng cũng chỉ là một con đường, sáng tạo thì không là áp lực, sáng tạo là niềm say mê.
Chuyến du học ở Mỹ về giúp cho em có cách nhìn gì về điện ảnh trong nước và có thay đổi nhiều về tư duy điện ảnh của mình trước đó?
- Chuyến đi Mỹ chỉ vỏn vẹn trong hai tháng, em dành thời gian ngắm nhìn nước Mỹ nhiều hơn. Cũng chỉ là người mới bắt đầu, em không xác định điều gì quá “đao to búa lớn” như “điện ảnh nước nhà”. Đạo diễn Trần Anh Hùng nói, điện ảnh không có quốc tịch và nếu nó đã được sinh thành thì hẳn phải có lý do, kể cả là lý do để người ta chán ghét, phủ định nó.
Tới đây, công chúng có được đón nhận một tác phẩm mới nào của em không?
- Em cũng đang ấp ủ một số dự án mới nhưng chưa được phép tiết lộ bởi yêu cầu bảo mật thông tin của Liên hoan Phim
Những biến chuyển của xã hội hiện đại, những đổ vỡ về giá trị sống có ám ảnh nhiều trong tư duy điện ảnh của em và có được em khai thác nhiều trong kịch bản của mình?
- Thế hệ của em là thế hệ được sinh ta từ cơn khủng hoảng giao thời, cơn khủng hoảng giá trị và niềm tin, nên nếu nó trở thành chủ đề xuyên suốt trong nhiều tác phẩm thì cũng không có gì lạ. Em nhào nặn những điều em chứng kiến, những tháng ngày em đi qua, những người em gặp, những việc em làm,…và câu chuyện thành hình. Tư duy điện ảnh thì mỗi ngày lại thêm nhiều mới mẻ, liên tục phủ định lại những điều đã qua.
Xin cảm ơn em và chúc em thành công!