Quê quán họ Phan, theo Lược truyện các tác gia Việt Nam cho hay, thuộc làng Đông Thái, huyện La Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Còn về con người cụ Phan Đình Phùng, điểm qua Việt Nam sử lược, ta thấy có lời khen:
“Ông không những là một người có tài văn chương mà thôi, mà lại là một nhà có thao lược, sửa sang quân lính cơ ngũ, luyện tập tướng sĩ có kỷ luật”. Bởi vậy, mới đối địch được với quân Pháp tới cả 10 năm trường chứ dễ gì đâu.
Khổ luyện thành tài
Làng Đông Thái của cụ Phan, xứng danh là làng khoa bảng. Phía họ Hoàng thì có Hoàng Cao Khải, Hoàng Mạnh Trí, Hoàng Trọng Phu. Phía họ Phan thì có Phan Như Tính, Phan Đình Du, Phan Trọng Mưu… và sau này là Phan Đình Phùng. Riêng nhà cụ Phan, cũng thuộc hàng nho gia lắm.
Cha là Phan Đình Tuyển, đậu Phó bảng khoa Giáp Thìn (1844), làm quan đến chức Phủ doãn Thừa Thiên. Anh Phan Đình Phùng là Phan Đình Thông thì đậu tú tài, Phan Đình Thuật là cử nhân, em út Phan Đình Vận sau đậu Phó bảng. Còn cụ Phan thì sao? Thì đây, ta hãy xem.
Cứ như lời thuật của nhà báo Đào Trinh Nhất trong Phan Đình Phùng, một vị anh hùng có quan hệ đến lịch sử hiện thời, thì “thuở còn nhỏ, đi học đần độn tối tăm, đến nỗi học trước quên sau, thầy học nói mai sau tất Phùng không làm gì nên thân”.
Ấy, dẫu kém cỏi thế, nhưng bù lại họ Phan có tính tự hùng, ắt là hỗ trợ cho tính vươn lên không ngừng. Thấy anh em mình ai cũng học giỏi mà mình thì kém, nên tức chí, cố gắng học theo kịp anh em mới chịu. Bởi thế mà “ròng rã trong 4-5 năm, trong tay không rời quyển sách, chưn (chân) không bước ra đường, chỉ mài miệt nơi án sách ngọn đèn, quyết chí lập được công danh sự nghiệp”. Nhưng trước khi đại sự thành, chàng trai trẻ nông nổi ấy suýt nữa thì lụy thân.
Dạo ấy, Phan Đình Phùng và em là Phan Đình Vận theo học ông bác Phan Đình Tuân. Năm đó, gặp đúng khoa thi, chàng Phùng mới xin bác cho mình và em đi thi nhưng biết sức học của cháu, ông Tuân khuyên đợi đến khoa sau. Ấy vậy mà…Phùng phẫn chí lắm, sai luôn đầy tớ ra chợ mua thuốc độc về, viện cớ là mua để thử chế thuốc pháo, nhưng lại pha vào ly rượu, rồi nói với em:
“Sinh ra làm trai, cốt được học, học cốt đi thi, học mà không được đi thi, thì còn sống làm gì. Phen này anh chết cho rồi đời, nghe em”. Nói là làm, Phan Đình Phùng đòi dốc ly rượu vào miệng, làm người em phải can ngăn mãi.
Cực chẳng đã, Vận chạy đi gọi mẹ, nhưng khi quay lại thì hỡi ôi, thuốc đã vào bao tử, mà người đã mê man, hồn có nguy cơ lơ lửng thoát xác phàm rồi. May mà hàng xóm nhanh trí dùng đậu xanh, cam thảo cứu chữa, mới giành được mạng sống cho chàng Phùng khỏi tay thần chết.
Cái chí lập thân như thế, kể cũng hiếm thấy. Thế rồi, công mài giũa đèn sách cũng có ngày doanh toại. Việt Nam danh nhân từ điển cho biết, họ Phan “đỗ cử nhân khoa Bính Tý (1876), hồi ông 39 tuổi; năm sau (1877) đỗ tiến sĩ”. Cái chí cầu tiến không ngừng, sau này hữu dụng cho trên đường đời cụ Phan lắm.
Cụ Phan đối đầu với Tôn Thất Thuyết |
Tận tụy với chức nhiệm
Đỗ tiến sĩ, tiến sĩ họ Phan đường đường bước vào chốn miếu đường, để rồi mai sau làm rường, làm cột cho nước nhà, xã tắc. Với bản tính thẳng ngay, không sợ cường quyền, quan Phan tỏ ra cái khí khái rất riêng của mình.
Còn nhớ, khi làm Tri phủ Yên Khánh ở Ninh Bình, ông từng cho nọc giáo sĩ Trần Lục ra mà đánh đòn bởi cái tội ức hiếp dân lành. Cũng bởi việc ấy, triều đình bắt ông phải chuyển về kinh, sung vào Viện Đô sát làm quan ngự sử. Năm ấy, nhằm năm Mậu Dần (1878).
Như ta đã biết, quan ngự sử là chức quan có nhiệm vụ can ngăn vua làm những việc không phải, đàn hặc tội trạng, thiếu sót của quan lại. Trách nhiệm ấy, nặng nề lắm, phải kẻ cứng đầu cứng cổ, không sợ bị đầu rơi máu chảy mới làm tốt được. Và cụ Phan, thật xứng với vị trí của viên quan phong kiến.
Có lần, vua Tự Đức lệnh cho các quan trong triều phải ra sở bắn ở cửa Thuận An tập bắn. Hiềm nỗi, đã quen giấy bút, áo dài đai rộng thùng thình nơi triều đình, chứ mấy khi cầm đến súng, nên nhiều vị bắn mười phát mà trật cả thảy.
Tuy nhiên, viên quan chấp sự vì sợ uy các quan lớn, thì cũng cứ ghi cho đạt. Biết việc ấy, quan ngự sử Phan Đình Phùng tâu ngay với vua. Tra xét ra, việc quả đúng như lời tâu, vua mới phê rằng “Thử sự cửu bất phát, phùng Phùng nãi phát” (Việc này lâu không ai phát giác ra, nay gặp Phùng mới phát). Sau lần ấy, Phan Đình Phùng được lên chức Hình khoa chưởng ấn.
Trong Việt Nam sử lược, khi nói đến đời làm quan của cụ Phan Đình Phùng, có chú ý một chi tiết: “quan làm đến chức ngự sử bị bọn quyền thần là Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết cách chức đuổi về”.
Nguyên do cơ sự vì đâu mà nên nỗi ấy? Sự thể này, cũng nói lên cái ngạnh khí đáng quý không e sợ cường quyền của cụ Phan, thậm chí, suýt nữa đầu rơi mà chẳng sợ. Thế nên sau này, cụ mới làm việc lớn vì nước là vậy.
Đối đầu với đại thần triều đình
Lúc bấy giờ, nước nhà đang buổi vận bĩ, thực dân Pháp cứ dần gặm nhấm đất Việt. Mùa thu năm Quý Mùi (1883), Vua Tự Đức mất, cũng là lúc trong hàng đại thần ở Huế, Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết, đại diện cho phe chủ chiến, nổi lên mạnh mẽ. Bên phe chủ hòa với Pháp, thì có đại thần Trần Tiễn Thành.
Theo di chiếu, Dục Đức sẽ lên ngôi tôn. Nhưng tờ di chiếu vua Tự Đức để lại, có đoạn không hay cho vua mới khi nhận xét về Dục Đức là “phóng đãng vô đạo, đáng lẽ không lập, nhưng vì không có tự quân, cho nên phải lập”.
Khi đọc di chiếu truyền ngôi giữa triều đình, ông Trần Tiễn Thành sợ mất mặt vua mới, nên đọc nhỏ đoạn ấy. Thuyết và Tường thấy thế, mắng ông Thành khinh mạn đình thần, nên giành lại, sai quan Nguyễn Trọng Hợp đọc.
Phan Đình Phùng |
Chiếu đọc xong, ông Tôn Thất Thuyết vin vào chỗ đó, mà phê Dục Đức không xứng đáng với ngôi vua và thay vào bằng Văn Lãng công. Bấy giờ, cấm binh dưới quyền Tôn Thất Thuyết đã dàn ra ở trước triều để ra oai, chỉ chờ hiệu lệnh của chủ tướng ai dám trái lệnh thì hoặc bị bắt, hoặc bị giết ngay. Thấy Tôn Thất Thuyết ngang nhiên giữa triều đình làm chuyện phế lập, bao nhiêu quan viên đều im thin thít, thì… Phan Đình Phùng làm một việc xưa nay hiếm.
Ông bước ra, lớn tiếng mắng Tôn Thất Thuyết làm trái di chiếu tiên đế: “Đức tiên hoàng vừa mới nhắm mắt, mà ngài đã làm việc trái nghịch di chiếu như thế, thật không còn đạo nghĩa nhân thần chút nào. Bây giờ triều đình tất phải tuân theo di chiếu mà lập ngài Dục Đức lên ngôi mới được. Huống chi tân quân chưa có lỗi gì, chưa chi đã làm việc phế lập như ngài định làm càn rỡ đó sao phải lẽ”.
Bị kẻ yếu thế, kém danh vị hơn mình dám chê bai giữa bá quan văn võ, Tôn Thất Thuyết lập tức cho cấm binh bắt luôn cụ Phan, những tưởng cho chém ngay. Nhưng nghĩ ngợi ra sao, lại sai cấm binh bắt nhốt vào ngục để xử sau. Sau đó, Văn Lãng công lên ngồi ngai vàng, tức là vua Hiệp Hòa. Viết về việc này, Cận đại Việt sử diễn ca cảm tác mà rằng:
Ngự sử, loạn trào, dấm bạo gan,
Quyền thần đàn hạch giữa trăm quan.
Giam cầm lao ngục, than quân nhược,
Hồi thải thảo lư, khóc quốc nàn.
Sau 10 ngày giam kẻ ăn gan hùm, mật sói, Tôn Thất Thuyết cho thả cụ Phan, bãi hết mọi chức vụ. Vậy là cụ Phan về quê làm anh nông phu...
Bình luận
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu