Luật sư Lê Hiếu - Giám đốc Công ty Luật Hiếu Hùng tư vấn: Theo Điều 42 Luật này, khi phạm nhân bỏ trốn, trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, cấp huyện, cấp quân khu phải tổ chức truy bắt ngay, báo cáo về cơ quan quản lý thi hành án hình sự và thông báo cho Viện kiểm sát có thẩm quyền.
Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi phát hiện phạm nhân bỏ trốn mà việc truy bắt không có kết quả thì phải ra quyết định truy nã và tổ chức truy nã.
Trường hợp phạm nhân bỏ trốn nhưng ra đầu thú thì cơ quan tiếp nhận phạm nhân đầu thú lập biên bản, xử lý theo thẩm quyền hoặc giao phạm nhân đó cho cơ quan thi hành án hình sự nơi gần nhất để xử lý theo quy định của pháp luật.
Căn cứ Điều 386 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định về tội trốn khỏi nơi giam, giữ hoặc trốn khi đang bị áp giải, đang bị xét xử: Người nào đang bị tạm giữ, tạm giam, áp giải, xét xử hoặc chấp hành án phạt tù mà bỏ trốn, thì bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Đặc biệt, nếu phạm tội thuộc một trong hai trường hợp: Có tổ chức; Dùng vũ lực đối với người canh gác hoặc người áp giải sẽ bị phạt tù từ 3 đến 10 năm.
Theo đó, phạm nhân vi phạm nội quy cơ sở giam giữ phạm nhân hoặc có hành vi vi phạm pháp luật thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị kỷ luật bằng một trong các hình thức: Khiển trách, Cảnh cáo, Giam tại buồng kỷ luật đến 10 ngày.
Với hình thức giam tại buồng kỷ luật, phạm nhân (trừ phạm nhân nữ, phạm nhân là người dưới 18 tuổi, phạm nhân là người già yếu) sẽ không được gặp thân nhân và có thể bị cùm chân./.