- Luật sư Chu Quỳnh Vương - Đoàn Luật sư TP Hà Nội: Khoản 3 Điều 21 Bộ luật Dân sự 2015 quy định, người từ đủ 6 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý, trừ giao dịch dân sự phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi.
Theo đó, con trai út của chị không thể tự mình thực hiện các giao dịch liên quan tài sản, cần phải có người đại diện theo pháp luật xác lập giao dịch. Tuy nhiên, con trai chị vẫn có thể nhận quyền sử dụng đất thông qua người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật, cụ thể ở trường hợp của chị là người anh trai cậu em trai út này, nếu người anh trai đó đã trên 18 tuổi và đủ năng lực hành vi dân sự. Trường hợp tặng mảnh đất cho trai út của chị (12 tuổi) thì chị có thể chỉ định con trai lớn làm người quản lý tài sản.
Về việc đứng tên, khoản 3 Điều 12 Thông tư 10/2024/TT-BTNMT quy định: Đối với cá nhân thì thể hiện: tên giấy tờ; số, ngày tháng năm cấp giấy tờ, nơi cấp, như: Số định danh cá nhân: “SĐDCN: ... (số định danh cá nhân)” hoặc Căn cước công dân: “CCCD: ... (số căn cước công dân), cấp ngày .../.../..., nơi cấp ... (thể hiện tên cơ quan cấp)” hoặc Thẻ căn cước: “CC: ... (số Thẻ căn cước), cấp ngày .../.../... nơi cấp ... (thể hiện tên cơ quan cấp)” hoặc Chứng minh nhân dân: “CMND: ... (số chứng minh nhân dân), cấp ngày .../.../..., nơi cấp ... (thể hiện tên cơ quan cấp)”.
Hiện nay thì tất cả người dân đều đã được cấp số định danh và căn cước mới, pháp luật cũng không có quy định về độ tuổi tối thiểu được đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất trên đất cho nên con chị vẫn có thể đứng tên được.
Để đảm bảo không có tranh chấp về quyền sử dụng đất trong tương lai, chị cần thực hiện hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất với nội dung rõ ràng rằng mảnh đất sẽ được tặng cho con trai út và ghi cụ thể trong hợp đồng tặng cho rằng con trai lớn sẽ là người quản lý tài sản cho đến khi em trai đủ 18 tuổi hoặc cho đến độ tuổi mà chị yên tâm rằng con trai út của chị đã đủ chín chắn để nhận và quản lý tài sản.
Cả gia đình nên thống nhất rõ ràng và có văn bản thể hiện rằng người con trai lớn chỉ có vai trò quản lý tài sản đến một thời điểm chị chọn, không có quyền sở hữu tài sản. Việc này sẽ tránh xảy ra trường hợp tranh chấp quyền quản lý hoặc quyền sử dụng đất sau này.
Hợp đồng tặng cho này phải được lập thành văn bản, có công chứng hoặc chứng thực theo quy định tại Điều 459 Bộ luật Dân sự 2015: Tặng cho bất động sản phải được lập thành văn bản có công chứng, chứng thực hoặc phải đăng ký, nếu bất động sản phải đăng ký quyền sở hữu theo quy định của luật.
Hợp đồng tặng cho bất động sản có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký; nếu bất động sản không phải đăng ký quyền sở hữu thì hợp đồng tặng cho có hiệu lực kể từ thời điểm chuyển giao tài sản.
Hợp đồng tặng cho cũng phải đáp ứng quy định tại điểm a, d khoản 3 Điều 27 Luật Đất đai 2024: Hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất phải được công chứng hoặc chứng thực, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản này.
Việc công chứng, chứng thực thực hiện theo quy định của pháp luật về công chứng, chứng thực.
Sau khi hoàn tất hồ sơ tặng cho hợp lệ, chị sẽ cần nộp hồ sơ tại Văn phòng Đăng ký đất đai thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường để hoàn tất thủ tục tặng cho. Khi đó, chị sẽ hoàn toàn yên tâm việc tặng cho này sẽ không phát sinh những tranh chấp ngoài ý muốn.