Cuộc “gom” hàng bất thường của “người nhà” Petrolimex
Quỹ bình ổn giá xăng dầu được trích ra từ tiền người dân mua mặt hàng này. Quỹ được sử dụng khi giá xăng dầu thế giới tăng đột biến nhằm hạn chế giá xăng tăng cao ở Việt Nam. Ý nghĩa của Quỹ bình ổn giá xăng dầu giúp ổn định kinh tế vĩ mô, tránh nguy cơ lạm phát.
Thế nhưng, trong quá trình điều hành, Petrolimex để xảy ra vi phạm trong việc trích Quỹ. Cụ thể, Petrolimex đã xác định sai sản lượng tiêu thụ xăng dầu thực tế, dẫn đến trích thiếu Quỹ bình ổn giá nhiều tỷ đồng.
Trong một thời điểm khác - năm 2011, Petrolimex lại chỉ đạo 11 công ty thành viên kinh doanh có lãi, trích lập Quỹ bình ổn giá tổng số tiền 221 tỷ 279 triệu đồng không đúng đối tượng. Nói cách khác, Petrolimex đã tự ý tăng giá xăng dầu, lấy của khách hàng 221 tỷ 279 triệu đồng dưới danh nghĩa “trích Quỹ bình ổn”.
Thiệt thòi này của người dân nếu không được Thanh tra “khui” ra thì không ai phát hiện được? Dư luận vì thế có quyền đặt câu hỏi: Hiện nay Quỹ bình ổn xăng dầu đã được trích và sử dụng đúng quy định không? Liệu người dân có đang bị “móc túi” mỗi khi mua xăng mà không hề hay biết?
Ngoài ra, thời điểm trước khi điều chỉnh giá bán xăng dầu, ở một số cửa hàng Petrolimex có sự bất thường. Theo đó, trước thời điểm điều chỉnh giá bán xăng, tại các cửa hàng xăng dầu này, sản lượng xuất bán tăng bất thường từ 2,3 - 6,7 lần so với lượng bán bình quân.
Rõ ràng, ở đây có dấu hiệu “thu gom” hàng tại các cửa hàng xăng dầu có thương hiệu chữ “P”. Vì thế, người dân ngờ vực chính “người nhà” của Petrolimex bằng cách nào đó đã “mua” một lượng xăng dầu lớn trước khi điều chỉnh giá, đợi sau điều chỉnh “tung” ra thị trường bán lại để hưởng lợi.
Những bất thường trên có dấu hiệu tiêu cực, nhưng theo Thanh tra Chính phủ, lãnh đạo Petrolimex đã không có biện pháp quản lý, khắc phục. Hiện nay, trước mỗi đợt xăng tăng giá, khách hàng lại băn khoăn, xăng đã được “mua” đi với số lượng rất lớn rồi đợi sau tăng giá, số xăng này được đem bán lại giá cao?
“Gửi” giá vận tải, bảo hiểm vào giá xăng
Petrolimex cũng để xảy ra vi phạm trong quản lý, điều hành giá bán lẻ xăng dầu. Theo đó, từ tháng 1/2010 đến tháng 6/2013, khi xây dựng giá cơ sở để quyết định giá bán lẻ xăng dầu, Petrolimex và liên bộ đã đưa chi phí vận tải và chi phí bảo hiểm vào giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu theo mức cố định. Điều này là thiếu cơ sở và cao hơn chi phí thực tế của Petrolimex.
Trong quản lý đầu tư xây dựng, Tập đoàn này cũng để xảy ra vi phạm. Cụ thể, giai đoạn từ năm 2010 đến tháng 6/2013, Petrolimex đã đầu tư 178 dự án, tổng mức đầu tư hơn 11,8 nghìn tỷ, trong đó có 29 dự án chậm tiến độ, 23 gói thầu có giá trị dự toán trên 5 tỷ nhưng Petrolimex không tổ chức đấu thầu theo quy định.
Ngoài ra, Petrolimex còn có các vi phạm như chỉ định nhà thầu không đủ năng lực tài chính; dự án chưa giải phóng xong mặt bằng, chưa hoàn thành hạ tầng kỹ thuật, thu tiền của khách nhưng chưa xây dựng nhà ở, dừng thi công do thiếu vốn… Rõ ràng bất động sản không phải là lĩnh vực kinh doanh chính của Petrolimex nhưng đơn vị này đã vi phạm, “ném” tiền vào để rồi xảy ra tình trạng “bết bát”, ảnh hưởng đến uy tín Tập đoàn.
Liên quan lĩnh vực trên, Petrolimex cũng từng có việc cho thuê đất và góp vốn hợp tác kinh doanh gần 50.000 m3; chuyển nhượng quyền sử dụng đất không đấu giá; sử dụng đất làm nhà ở cho cán bộ nhân viên không bàn giao cho chính quyền địa phương quản lý 20.359m2; không thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai khi chuyển sang công ty cổ phần…
Thanh tra Chính phủ chỉ thanh tra hoạt động của Petrolimex trong thời gian hơn ba năm (từ tháng 1/2010 đến tháng 6/2013) nhưng đã phát hiện hàng loạt “gạch ngang đầu dòng” khá nghiêm trọng. Đáng nói, đến tận thời điểm này, nhiều vi phạm phát hiện trong quá trình thanh tra vẫn chưa được Petrolimex khắc phục.
Điều đó khiến người dân thiếu niềm tin vào sự minh bạch trong cách điều hành hoạt động của một tập đoàn kinh tế hàng đầu đất nước, nhất là trong bối cảnh cổ phiếu của Tập đoàn này vừa được niêm yết trên sàn HOSE cách đây ít hôm.
Petrolimex đã “bình ổn” giá ra sao?
Năm 2011, Petrolimex đã chỉ đạo 11 công ty thành viên kinh doanh có lãi trích lập Quỹ bình ổn giá tổng số tiền 221 tỷ 279 triệu đồng không đúng đối tượng. Nói cách khác, Petrolimex đã tự ý tăng giá xăng dầu, lấy của khách hàng 221 tỷ 279 triệu đồng dưới danh nghĩa “trích Quỹ bình ổn”.