Gương sáng Pháp luật

Ông Hoàng Phụng Nghĩa, bảo vệ Tổ dân phố phường 1, Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh: Người ngã xuống cho thành phố hồi sinh

Ông Hoàng Phụng Nghĩa tại chốt trực ở phường 1, Bình Thạnh, trước khi nhập viện vì mắc Covid-19.
Ông Hoàng Phụng Nghĩa tại chốt trực ở phường 1, Bình Thạnh, trước khi nhập viện vì mắc Covid-19.
(PLVN) - Sau những ngày góp sức chống dịch COVID-19, ông Hoàng Phụng Nghĩa “trở về nhà” vào ngày mưa 23/9 trong một chiếc bình sứ, trên tay một người đồng đội, cùng với 600 ngàn mà ông chưa thể đưa tận tay vợ.

Công việc giúp ích cho đời

Sài Gòn những ngày mùa mưa, đường vào nhà ông Hoàng Phụng Nghĩa (bảo vệ tổ dân phố (TDP) phường 1, quận Bình Thạnh, TP HCM) nước ngập đến đầu gối. Căn nhà nhỏ ở cuối hẻm thấp hơn mặt đường, cứ mưa lớn là nước tràn vào như một dòng thác nhỏ. Giữa gian phòng khách trống trải đồng thời là phòng thờ, nước đang từ từ dâng lên ngập chân chiếc bàn gỗ được dùng làm bàn thờ của người từng là thành viên ban bảo vệ tổ dân phố đã ngã xuống trong cuộc chiến chống dịch COVID-19 những ngày dịch bệnh hoành hành TP HCM. Ông Hoàng Phụng Nghĩa là 1 trong 21 người vừa được Thủ tướng Chính phủ truy tặng bằng khen vì thành tích xuất sắc trong phòng, chống COVID-19.

Trong căn nhà nhỏ thấp lè tè, vợ ông và người con dâu đang ngồi co chân trên ghế tránh nước. Bà Đặng Thị Lý (64 tuổi), nhìn dòng nước trong nhà, chấm giọt nước mắt đang lăn trên khóe mắt, thở dài: “Cái ngày ổng bị sốt vì mắc COVID-19 cũng là ngày mưa. Ổng nằm trên giường, nhìn xuống thấy nước ngập gần mặt giường mà than thở. Có ngờ đâu đó là lần cuối ổng còn được ở nhà...”.

Người con dâu tiếp lời mẹ: “Ba cao lớn khỏe mạnh lắm. Hồi đó đến giờ ba chưa bệnh nặng gì hết. Ba xông xáo, làm việc luôn chân luôn tay, nói cười vui vẻ. Nên không ai ngờ ba “đi” nhanh vậy”.

Cuộc đời của ông Nghĩa, qua lời kể người nhà là cuộc đời giản dị của một người lao động nghèo. Ông sinh năm 1961 ở Sài Gòn, 40 năm trước ông lấy bà Lý. Họ ở trong căn nhà ván gỗ bên kênh Nhiêu Lộc. Ông đi làm “thợ đụng”, bà bán vé số. Sau đó, ông xin vào làm bảo vệ TDP phường 13, Bình Thạnh. Đó cũng là lúc ông tìm được ý nghĩa sống của mình. “Từ lúc đi làm bảo vệ TDP ổng vui vẻ, phấn khởi; nói làm công việc này lương không cao nhưng rất vui, có ích cho đời, giúp đỡ được mọi người. Ổng được mọi người trên phường với người dân rất thương mến”, bà Lý kể.

Rồi căn nhà ván trôi theo dòng nước vào một ngày mưa lớn năm 1999. Vợ chồng con cái dắt díu nhau về phường Hiệp Bình Chánh, Thủ Đức ở nhờ nhà một người bà con. Nơi ở mới cách chỗ làm gần 15km, ông vẫn miệt mài đi về. Cứ 6h sáng hàng ngày bà nấu bữa sáng cho ông ăn, rồi với chiếc xe máy cà tàng xin được, ông lên đường đến chỗ làm. Từ vợ con, chòm xóm, đồng nghiệp đến cấp trên đều nói: “Ông hiền lành, siêng năng, nhiệt huyết. Quá trình làm việc ông chưa bao giờ va chạm, to tiếng với ai. Nói như thế không có nghĩa là ông phó mặc. Gặp tình huống khó ông nhẹ nhàng, mềm dẻo thuyết phục, ai cũng nghe”.

“Mình mà nghỉ thì ai làm?”

Đầu 2021, phường 1, quận Bình Thạnh thiếu bảo vệ TDP, ông xin chuyển từ phường 13 sang phường 1. Rồi dịch bùng, ông và các đồng nghiệp được phân công trực chốt “vùng đỏ”.

Thời điểm ấy, TP HCM có ngày lên đến gần chục ngàn ca F0, số người chết nhiều. Ngày nào ông cũng đi, bất chấp mưa gió, phần nhiều qua đêm. Ông không nghỉ ngày nào cả khi đang ốm hay mệt ngày nào cũng tiếp xúc F0. Lúc trở về ông thường mệt rã rời, bà lo lắng không yên. Đôi lần bà và các con thử khuyên ông tạm nghỉ, ở nhà một thời gian chờ dịch lắng xuống, nhưng ông chỉ cười: “Sao mà nghỉ được? Người bây giờ đang thiếu quá trời, mình mà nghỉ thì ai làm?”.

Bà Lý kể không phải ông không sợ dịch bệnh, coi nhẹ cái chết. Ông trang bị phương tiện bảo hộ cho mình kỹ lưỡng, phòng ngừa cẩn thận. Trước khi về nhà, bao giờ ông cũng gọi điện: “Bà ơi, tui đang về, nấu cho tui nồi nước lá xông nha”. Về đến nhà, ông đi tắm rửa, giặt đồ ngay, không tiếp xúc với người nhà, sau đó xông người.

Từ vợ con, chòm xóm, đồng nghiệp, đến cấp trên đều nhận xét ông Nghĩa hiền lành, siêng năng, nhiệt huyết.

Từ vợ con, chòm xóm, đồng nghiệp, đến cấp trên đều nhận xét ông Nghĩa hiền lành, siêng năng, nhiệt huyết.

Nhưng những nồi nước lá xông của bà cũng không thể giúp ông chống chọi được con virus COVID-19 quái ác không biết đã xâm nhập vào ông khi nào. Sau kết quả test dương tính, ông vào BV ngay những ngày rằm tháng Bảy âm lịch. Ban đầu ông vẫn khỏe, vẫn liên lạc qua các cuộc điện thoại có hình thường xuyên với gia đình. Ông bình tĩnh, vui vẻ, trấn an cả nhà. Có lần, ông băn khoăn nói mới được nhận 600 ngàn tiền hỗ trợ, muốn gửi về cho bà nhưng chưa biết cách nào gửi được. Nghe nhà mưa ngập, ông bệnh vẫn lo đau đáu. Có tấm ảnh vợ chồng đi chơi hồi Tết ở Thảo Cầm Viên, ông để làm hình nền điện thoại, lúc nào nhớ bà lấy ra ngắm. Khi khỏe ông gọi nói chuyện, lúc mệt thì ông giấu biệt. “Ở nhà lo ăn uống cho mẹ, giữ sức khỏe, đừng nghĩ nhiều, có gì ba điện về cho, đừng điện mất công”, ông nhắn các con như vậy.

Nhưng rồi bệnh tình ngày càng trở nặng, ông chỉ kịp nhắn cho con trai lời cuối: “Tình hình ba không ổn, ba có chuyện gì các con lo cho mẹ, đừng để cho mẹ khổ. Nói mẹ ba thương mẹ nhiều lắm”...

Ông trở về nhà vào ngày mưa 23/9 trong một chiếc bình sứ, trên tay một người đồng đội, cùng với 600 ngàn trong túi áo chưa thể đưa tận tay vợ.

Ngã xuống cho ngày hồi sinh

Nhận xét về ông Nghĩa, ông Trần Đăng Khoa, Chủ tịch UBND phường 1, Bình Thạnh, cho biết: “Gia đình ông Hoàng Phụng Nghĩa khá khó khăn, cả nhà ở nhà cấp 4 đi mượn, trong dịch bệnh các con đều thất nghiệp. Nhưng ông Nghĩa vẫn luôn hết mình trong công tác. Thời gian công tác tại phường 13, ông chấp hành tốt công việc, được đánh giá cao. Thời gian làm công tác chống dịch, ông Nghĩa luôn lăn xả, tận tụy với dân, tinh thần trách nhiệm cao, san sẻ, yêu thương đồng nghiệp, không ngại khó ngại khổ”.

Lãnh đạo phường cho biết hàng ngày, vào lúc 3h sáng, ông Nghĩa tham gia phối hợp cùng lực lượng quản lý đô thị, công an tuần tra quanh khu vực chợ Bà Chiểu nhắc nhở người dân các biện pháp phòng chống dịch, không vắng mặt ngày nào. Cạnh đó, ông cũng luôn chấp hành tốt mọi nhiệm vụ được giao trong công tác phòng chống dịch như trực chốt, tiếp tế lương thực cho gia đình bị ảnh hưởng, đưa F0 là người già yếu đi bệnh viện, hỗ trợ tích cực cho lực lượng công an, không để tội phạm thừa cơ hoạt động... “Phường cũng đã có phương án hỗ trợ gia đình ông Nghĩa trong thời gian sắp tới”, lãnh đạo phường trăn trở.

Từ ngày ông Nghĩa ra đi, căn nhà vắng bặt tiếng cười. Người con trai của ông, anh Hoàng Nhựt Nhân, trở nên lặng lẽ. Anh đã mất một người cha, một người bạn già, người nuôi nấng và dạy dỗ anh những bài học làm người thông qua lối sống nhiệt thành và chuẩn mực của mình. Hơn 15 năm làm bảo vệ TDP, ông Nghĩa luôn được cấp trên, đồng đội tin tưởng mến thương, dân yêu quý. Suốt từ 2012 đến nay, năm nào ông cũng nhận các bằng khen, từ thành tích xuất sắc trong phong trào toàn dân Bảo vệ an ninh Tổ quốc, phong trào thi đua yêu nước, thực hiện tốt các chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương...

Con trai ông, theo gương cha, cũng từng là dân quân tự vệ giỏi, từng làm Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự phường, từng nhận nhiều bằng khen cho thành tích xuất sắc. Sau này vì cơm áo, anh đã nghỉ để lăn lộn kiếm sống nhưng chưa bao giờ quên lời dạy của cha, sống chính trực, nhiệt tâm. Trên bức tường cũ kỹ, giấy khen của cha và của con treo kín.

Trong căn nhà mượn ngập nước, chiếc bàn thờ nhang khói nghi ngút, gương mặt ông Nghĩa trong di ảnh trung hậu, hiền lành. Phía bức tường tay trái, trên cao trang trọng tấm ảnh Bác Hồ đã hơi nhạt màu, ông treo từ ngày làm bảo vệ TDP. Bà Lý bảo, ông treo ảnh Bác để nhắc nhở chính mình để noi gương Người. Bức tường bên phải, bà Lý mới đây treo chiếc nón bảo hiểm đồng phục bảo vệ Tổ dân phố, để hàng ngày nhớ đến người chồng.

Bà Lý và các con kể, trong suốt những năm tháng làm việc, ông Nghĩa luôn yêu nghề, chưa một lần than vãn. Ngay cả những ngày tháng cuối đời trên giường bệnh chiến đấu với con virus quái ác ông cũng luôn lạc quan, chưa bao giờ hối tiếc, than trách số phận. Ông đã sống một cuộc đời giản dị nhưng đầy ý nghĩa. Ông ngã xuống trong trận chiến chống COVID-19, bảo vệ nhân dân; dấn thân như biết bao tổ trưởng dân phố, Bí thư đoàn, cảnh sát, bộ đội, cán bộ xã phường, chiến sĩ, nhân viên y tế... Ngã xuống để góp sức cho thành phố hồi sinh.

Theo đánh giá, từ những ngày đầu chống dịch, lực lượng dân phòng, bảo vệ dân phố là những lực lượng đặc biệt gần gũi nhân dân. Ở “phòng tuyến” nào họ cũng nhiệt tình tham gia, phát huy hiệu quả vai trò, kịp thời nắm chặt tình hình, phối hợp nhịp nhàng cùng các lực lượng không kể đêm ngày bám trụ tại các chốt kiểm soát, điều tiết giao thông, tuần tra kiểm soát, hỗ trợ hậu cần, vận động nhân dân chấp hành nghiêm các quy định về phòng, chống dịch.

Thời bình họ cũng là những người đội nắng mưa, không quản ngại gian khổ với biết bao công việc có tên và không tên. Trong lòng nhân dân, hình ảnh của họ luôn thân thiết, đáng trân quý.

Đọc thêm

Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại khu dân cư ở Khánh Hòa

Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại khu dân cư ở Khánh Hòa
(PLVN) - Nhân kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam (18/11/1930 - 18/11/2024), chiều 16/11, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh đã đến dự và chung vui Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại khu dân cư thôn Phong Ấp, xã Ninh Bình, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa.

Sửa đổi Luật Công chứng: Đề xuất quy định mua bảo hiểm nghề nghiệp là nghĩa vụ

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh báo cáo một số nội dung về dự thảo Luật Công chứng sửa đổi. (Ảnh Cổng TTĐTQH)
(PLVN) - Về bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên, theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh, nếu quy định việc mua bảo hiểm nghề nghiệp là nghĩa vụ thì sẽ mua trên cơ sở thỏa thuận giữa doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm và tổ chức hành nghề. Nhưng nếu là loại hình bảo hiểm bắt buộc thì sẽ phải quy định rõ mức mua và mức bồi thường.

Noi gương Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - Vị Chủ tịch đầu tiên của Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - Vị Chủ tịch đầu tiên của Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam (Ảnh: T.Ư Hội LHTN Việt Nam)
(PLVN) - Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, vị Chủ tịch đầu tiên của Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, không chỉ là nhà lãnh đạo quân sự tài ba mà còn là người đặt nền móng vững chắc cho tổ chức thanh niên lớn mạnh, gửi gắm niềm tin vào thế hệ trẻ - những người chủ tương lai của đất nước.

Quảng Bình: Tập huấn nghiệp vụ và kỹ năng cho tất cả công chức tư pháp, hộ tịch

Toàn cảnh hội nghị tập huấn.
(PLVN) - Sở Tư pháp Quảng Bình vừa tổ chức hội nghị tập huấn nghiệp vụ hộ tịch, chứng thực, nuôi con nuôi và kỹ năng, nghiệp vụ liên quan đến quy trình tiếp nhận, xử lý hồ sơ chứng thực bản sao điện tử , thực hiện 02 nhóm TTHC liên thông theo Đề án 06 cho công chức Tư pháp - Hộ tịch trên địa bàn tỉnh .

Chú trọng hoàn thiện thể chế thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo

Quang cảnh Hội nghị.
(PLVN) -Ngày 14/11, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Bộ Khoa học & Công nghệ phối hợp với Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Viện Hàn lâm Khoa học & Công nghệ Việt Nam tổ chức Hội nghị thường niên 1M4W năm 2024 với chủ đề “Hoàn thiện thể chế thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo”.

Cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế của Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam

PGS.TS Vũ Văn Phúc.
(PLVN) -Sự nghiệp xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử; lý luận đường lối đổi mới, lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội được định hình sáng rõ, được thực tiễn kiểm nghiệm là đúng đắn.

Bà Rịa - Vũng Tàu: Ngày đầu thí điểm cấp Phiếu lý lịch tư pháp qua ứng dụng VNeID

Người dân làm thủ tục tại bộ phận một cửa của Sở Tư pháp trong Trung tâm PVHCC. (Ảnh: Tiến Dũng)
(PLVN) - Từ 8h sáng qua (13/11), UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT) chính thức triển khai thí điểm cấp Phiếu lý lịch tư pháp (LLTP) trên ứng dụng định danh quốc gia VNeID. Đây là kết quả của sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng của tỉnh, gồm Sở Tư pháp, Sở TT&TT, Công an tỉnh cùng các Bộ, ngành liên quan.

Hoàn thiện khung pháp lý về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bằng tài sản trí tuệ

Hoàn thiện khung pháp lý về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bằng tài sản trí tuệ
(PLVN) - Ngày 14/11, Bộ Tư pháp phối hợp Viện Friedrich Naumann Foundation (FNF) tổ chức Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm của Cộng hoà Liên bang (CHLB) Đức về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bằng tài sản trí tuệ. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc và bà Vanessa Steinmetz, Giám đốc quốc gia FNF Việt Nam đồng chủ trì Hội thảo.

Bộ Tư pháp trao Quyết định nghỉ hưu cho công chức

Bộ Tư pháp trao Quyết định nghỉ hưu cho công chức
(PLVN) - Chiều 13/11, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh trao Quyết định nghỉ hưu đối với đồng chí Nguyễn Thị Tố Nga, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, nguyên Vụ trưởng Vụ Thi đua – Khen thưởng, Bộ Tư pháp.

Bảo đảm quyền được giáo dục ở Việt Nam hiện nay

PGS, TS Nguyễn Kim Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo
(PLVN) - Quyền được giáo dục ở Việt Nam hiện nay là một trong các quyền được Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm. Mới đây, tại Phiên thảo luận Tổ tại Quốc hội về dự thảo Luật Nhà giáo, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh vị trí và ý nghĩa chiến lược của giáo dục và đào tạo, trong đó, đào tạo giáo viên là trọng tâm và phải "tiến dần lên", theo hướng các cháu đến tuổi đi học phải được đến trường. "Nếu tiến lên nữa thì Nhà nước phải nuôi, tiến tới miễn học phí, nuôi ăn các cháu ở tuổi đi học”. Nhân dịp Kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 – 20/11/2024), Báo Pháp luật Việt Nam trân trọng giới thiệu bài viết “ Bảo đảm quyền được giáo dục ở Việt Nam hiện nay” của PGS,TS Nguyễn Kim Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo