Khi ông bà “nặng tay” dạy dỗ cháu
Ngày 30/9/2019, Công an xã Đại An, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam xác nhận việc bà Huỳnh Thị E (SN 1960, trú tại xã Đại An) đánh cháu Ngô Hoàng A. (6 tuổi, học lớp l). Vụ việc đã được chuyển lên Công an huyện Đại Lộc để xem xét xử lý.
Sau khi sinh cháu A. được 8 tháng, mẹ của cháu bỏ đi. Lúc này, ông bà ngoại điện thoại cho ông bà nội đưa cháu A. về nhà nuôi. Vừa qua, ông bà nội của cháu A. lần lượt qua đời, nên gia đình đặt vấn đề nhờ bà E. (là bà cố nội cháu A.) nhận cháu về nuôi. Do con cái đã yên bề gia thất và hiện đang sống một mình, nên bà E. đồng ý.
Cuối tháng 7/2019, cháu A. về sống với bà E. ở xã Đại An, huyện Đại Lộc. Tối 25/9, bà E. thấy vở của cháu A. bị xé, hỏi thì cháu nói do bạn trong lớp làm. Nghe vậy, bà E. điện thoại liên lạc với giáo viên trong trường thì được biết không có ai xé vở của cháu A. mà do cháu lấy trộm bánh của bạn, trong quá trình cãi nhau, cháu tự xé vở của mình. Nghe người thân "kích động" rằng nên dạy dỗ cháu, không nên để cháu nói dối như vậy, đang bực lại sẵn cầm cây nhựa dùng gãi lưng trên tay, bà E. đã đánh cháu A. 3 cái.
Thấy thái độ cháu A. không biết hối lỗi, không thành khẩn, bà E. tiếp tục đánh cháu thêm nhiều cái nữa. Sáng hôm sau, bà E. chở cháu A. đi học thì nhà trường phát hiện các vết thương tích.
Cũng trong tháng 9/2019, tại Cà Mau đã xảy ra vụ việc 4 trẻ em ở ấp Tân Hiệp, xã An Xuyên, thành phố Cà Mau bị người thân bạo hành. Trước đó, thầy cô Trường Tiểu học Trần Quốc Toản, xã An Xuyên đã phát hiện 4 học sinh của trường đến lớp học trong tình trạng nhiều thương tích trên cơ thể. Nghi các em bị bạo hành nên thầy cô đã thông tin đến Ban Giám hiệu nhà trường và cơ quan chức năng để có biện pháp can thiệp và bảo vệ 4 trẻ em này.
Vụ việc được làm rõ cho thấy, 4 em nhỏ đều ở lứa tuổi 7-8 tuổi vì nghịch nước, không vâng lời nên đã bị ông nội là người các em đang sống cùng (cha mẹ các em vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên phải phó thác con trẻ cho ông bà nội trông coi để đi Bình Dương tìm việc mưu sinh) dùng cây và tay đánh khiến các em bị thương tích ở vùng mặt, mông, lưng bị bầm tím...
Xin đừng cả giận mất tình
“Cả giận mất khôn”, “Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi” là nguyên nhân của những câu chuyện ông bà “nặng tay” dạy cháu nói trên.
Đơn cử như trường hợp của bà E. tại xã Đại An. Sau khi đánh cháu, thấy hối hận bà đã lấy dầu xoa vết sưng tấy, lấy đá chườm lên những vết lằn do đòn roi gây ra ở trên người cháu. Công an xã Đại An cho hay, trong quá trình làm việc, bà E. cũng đã nhận ra lỗi lầm của mình và khóc rất nhiều. “Bà E. nói giận quá chỉ muốn đánh cháu để giáo dục, cho cháu nhận ra lỗi và xin lỗi nhưng cháu không nói ra nguyên nhân. Chúng tôi cũng đã khuyên bảo, nói chuyện với bà E. và giải thích rằng, cách giáo dục như vậy là sai” - Trưởng Công an xã Đại An cho biết.
Theo ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH, trên thế giới có khoảng 300 triệu trẻ em từ 2 đến 4 tuổi thường xuyên bị cha mẹ áp dụng các hình thức kỷ luật về thể chất hoặc tâm lý. Trên toàn cầu, khoảng 1,1 tỷ người chăm sóc trẻ cho rằng trừng phạt về thể chất là phương pháp cần thiết để giáo dục trẻ.
Diễn giả Trần Thị Ái Liên (người đã đưa khái niệm “kỷ luật không nước mắt” đến với hàng nghìn bố mẹ Việt) khi kể về tuổi thơ của mình đã cho biết: “Tôi lớn lên khi chiến tranh kết thúc, ba tôi đi học tập cải tạo, mẹ tôi “buôn thúng bán bưng”, anh chị tôi mỗi người ở một nơi. Tôi chỉ nhớ cảm giác khi bị người lớn nói sai và bắt mình im lặng dù mình đúng. Tôi chỉ nhớ cảm giác căm phẫn khi bạn tôi bị ông lao công rượt bắt, bị lôi xềnh xệch ra sân và lấy chổi quất liên tục vào người. Tôi thề với lòng rằng lớn lên tôi sẽ bênh vực trẻ em cho tới cùng”.
Từ ký ức ngày nhỏ, dù đang sống ở Mỹ với cuộc sống vật chất sung túc, Trần Thị Ái Liên bất ngờ rẽ sang một con đường mới hoàn toàn. Chị về Việt Nam với ước mơ mang phương pháp dạy trẻ không đòn roi đến với các phụ huynh Việt. Chị cho biết: “Phương pháp nuôi dạy con “Kỷ luật không nước mắt” dựa trên quan điểm dạy con không dùng bạo lực. Mục đích của phương pháp này là hướng tới khả năng tự bộc lộ và phát huy cao nhất tiềm năng của con cái”.
Với thông điệp “Con luôn luôn tốt, chỉ có hành động là xấu”, Thạc sỹ Ái Liên muốn các bậc cha mẹ tin rằng, bất kỳ đứa con nào cũng thật tuyệt vời theo cách riêng của bé mà không cần đến đòn roi.
Như vậy có thể nói, ngày nay sự trừng phạt đòn roi không còn là phương cách hữu hiệu mà đó chính là bạo lực, làm cho trẻ dạn đòn, lì đòn không có sức thuyết phục không có tác dụng giáo dục, đẩy trẻ đến thái độ phản ứng đối phó, lẩn tránh người lớn, che giấu khuyết điểm, lợi bất cập hại.
Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình đã nhấn mạnh việc trong gia đình ông bà, cha mẹ trước hết phải là người mẫu mực, là khuôn vàng, thước ngọc để con cháu học tập, tin cậy và noi theo. Tấm gương sáng ông bà, cha mẹ có tác động sâu sắc tới nhận thức, hành vi, suy nghĩ và tình cảm của con cháu. Trong gia đình hòa thuận, đầm ấm yên vui, mọi cử chỉ lời nói của ông bà, cha mẹ dịu hiền, ấm áp thân thiện sẽ có tác động tốt trong sự hình thành tính cách, nếp sống con trẻ.
Gương mẫu, yêu thương con thể hiện ở chỗ hiểu biết cách thức kỹ năng nuôi dạy con cháu. Hiểu biết tâm lý tình cảm nhận thức của con cháu để có những tác động tích cực. Xử lý kịp thời, đúng mức những thiếu sót lệch lạc của con trẻ phù hợp với điều kiện hoàn cảnh và lứa tuổi.
Trước những thói hư tật xấu của trẻ con nếu xảy ra, các bậc ông bà, cha mẹ cũng cần phải bình tĩnh, khéo léo xử lý phù hợp. Ông bà ta thường nói “Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng”. Sự gương mẫu thương yêu của ông bà, cha mẹ là tấm gương sáng để con cháu soi vào, noi theo, vượt ra khỏi nỗi ám ảnh của những thói hư tật xấu.