Tại Trung Quốc, nhiều người già về hưu thường mắc kẹt ở nhà vì phải chăm sóc cháu nhỏ để con trai và con dâu đi làm. Nhưng vợ chồng bà Chen Shuxiang không muốn vậy. Họ chỉ thi thoảng phụ giúp đưa đón cháu đến trường. "Chúng tôi hài lòng với cuộc sống của mình", người phụ nữ ngoài 60 tuổi, ở Phúc Châu, đông nam Phúc Kiến, nói.
Cũng như vợ chồng bà Chen, nhiều người già đang thay đổi quan niệm truyền thống. Thay vì chăm cháu không công toàn thời gian, họ chỉ phụ giúp trong thời gian nhất định hoặc muốn con trả tiền công.
Đầu tháng này, tòa án Tế Nam, tỉnh Sơn Đông ra phán quyết một cặp vợ chồng phải trả cho cha họ 20 nghìn tệ vì chăm sóc cháu nội nhiều năm. Vợ chồng này để con sống cùng ông nội, hứa trả 300 tệ mỗi tháng, nhưng không thực hiện.
Nhiều trường hợp đòi tiền chăm cháu khác đã xuất hiện trên khắp Trung Quốc những năm gần đây. Linda Sun, một giáo viên mẫu giáo ở Thượng Hải cho biết ít nhất 80% trẻ em trong lớp của cô được ông bà đưa đón hàng ngày. Nhưng gần đây, cô bắt đầu thấy bố mẹ đưa đón con nhiều hơn. "Mọi người ngày càng nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng của việc dành thời gian cho con", cô nói.
Theo một khảo sát năm 2017 về việc "có cần trả công cho ông bà", 84,3% người Trung Quốc tham gia khảo sát nghĩ rằng "nên trả", 9,4% cho biết "không muốn trả", và 6,2% chỉ trả khi được yêu cầu.
Ảnh minh họa: Sohu
Dẫu đã có những thay đổi trong quan điểm sống, nhưng việc ông bà từ chối chăm cháu để theo đuổi cuộc sống độc lập vẫn tương đối thấp. Cuộc thăm dò tháng 4/2021 do chính quyền Thường Châu thực hiện tại Giang Tô cho thấy 20% các bậc cha mẹ "nuôi dạy con độc lập", 1/3 trong số đó nhờ ông bà phụ giúp chăm con, trong khi có tới 47% cho biết ông bà là người chăm sóc trẻ chính.
Cũng theo thăm dò, không phải phụ huynh nào cũng hài lòng với sự sắp xếp này. Hơn một nửa số người được hỏi cho rằng ông bà quá cưng chiều cháu, làm hư cháu và thói quen sống không văn minh.
Giáo sư Yuan Xin, thuộc viện Dân số và phát triển của ĐH Nam Khai, ở Thiên Tân cho biết, thiếu các cơ sở chăm sóc trẻ khiến ông bà trở thành người nuôi dạy cháu chính trong các gia đình. Tuy nhiên, tư duy xã hội và điều kiện tài chính gia đình tốt hơn đã góp phần thay đổi quan niệm truyền thống này.
"Những người nghỉ hưu hiện nay sinh sau năm 1960, họ đủ trẻ để hưởng các lợi ích kinh tế và tiếp thu những thay đổi trong quan niệm xã hội. Họ không phải kiểu người sống xoay quanh gia đình nữa. Thế hệ trẻ cũng muốn cha mẹ có cuộc sống riêng", chuyên gia nói.
Bà Chen có thể tận hưởng quãng thời gian hưu trí bên chồng một phần vì có thể tự trang trải cuộc sống khi nghỉ hưu. "Chúng tôi ổn định tài chính đủ để đi du lịch khắp nơi và làm những điều mình thích. Con trai và con dâu tôi thỉnh thoảng tặng chúng tôi tiền mặt", bà nói.
Bà Chen cho biết, các con rất ủng hộ cha mẹ theo đuổi cuộc sống độc lập tuổi già. "Chúng tôi hy vọng sẽ có nhiều người trẻ ủng hộ cha mẹ sống độc lập, không vướng bận trong tương lai".