Hôm thứ Năm, Cơ quan y tế Liên hợp quốc, sau cuộc họp của hội đồng chuyên gia về tiêm chủng, đã nhắc lại lời khuyên của mình đối với các Chính phủ trong việc điều tiết mũi tiêm tăng cường để các quốc gia thu nhập thấp có cơ hội tiếp cận nguồn vaccine, vốn khan hiếm đối với họ.
Tiến sĩ Kate O’Brien, người đứng đầu bộ phận tiêm chủng, vaccine và sinh phẩm của WHO cho biết: “Điều sẽ ngăn chặn dịch bệnh là tất cả những người đặc biệt có nguy cơ mắc bệnh đều có thể tiêm phòng. Nhưng dường như chúng ta đang "quên mất điều này" ở các quốc gia".
Nguồn cung cấp vaccine COVID-19 đã bắt đầu giảm bớt trong hai tháng qua. Trong khi vaccine được chuyển đến các quốc gia thông qua tài trợ và chương trình COVAX do Liên hợp quốc hậu thuẫn, thì nhiều nước lại bắt đầu dự trữ vaccine để nhằm đối phó với biến thể Omicron.
Tiêm vaccine phòng COVID-19 tại một địa điểm gần Johannesburg (Nam Phi). Ảnh: AP (chụp ngày 8/12/2021) |
“Bất kỳ kịch bản nào xảy ra do Omicron thì đều có nguy cơ là nguồn cung vaccine toàn cầu một lần nữa sẽ chuyển sang các quốc gia có thu nhập cao để tích trữ vaccine", Tiến sĩ O'Brien nói.
“Tình trạng đó sẽ không hiệu quả từ góc độ dịch tễ học và cả khía cạnh hạn chế lây truyền, trừ khi chúng ta thực sự có vaccine đến tất cả các quốc gia, bởi vì nơi không có vaccine là nơi các biến thể sẽ xuất hiện”, chuyên gia của WHO cảnh báo.
Theo chuyên gia của WHO, "Chính các chính phủ, chứ không phải các cá nhân, đang đưa ra các quyết định có thể ảnh hưởng đến việc phân phối công bằng vaccine cho các quốc gia khác".
Nhiều câu hỏi vẫn còn đó về mức độ nghiêm trọng, khả năng lây truyền và khả năng kháng vaccine của biến thể Omicron. Các chuyên gia đều kêu gọi việc tăng cường phổ biến vaccine và thực hiện giãn cách xã hội, đeo khẩu trang để ngăn ngừa hiệu quả sự lây lan của Omicron.