Trong việc giải quyết các vụ án ma túy, chứng cứ được sử dụng chủ yếu là lời khai nên không ít lời buộc tội khiến bị can không tâm phục khẩu phục và tiềm ẩn những oan sai khó gỡ.
Hình minh họa |
Mập mờ trong kết luận điều tra…
Theo Kết luận điều tra vụ án Nguyễn Văn Thương và đồng phạm mua bán trái phép chất ma túy của CQĐT Công an tỉnh Bắc Ninh thì vào 17 giờ ngày 23/12/2011, Công an TX Từ Sơn kiểm tra phòng 304 nhà nghỉ Gia Linh, phát hiện và bắt giữ khẩn cấp các đối tượng mua bán trái phép chất ma túy, gồm: Nguyễn Văn Thương (trú tại Ninh Bình), Nguyễn Lâm Tùng (trú tại Long Biên, Hà Nội), Nguyễn Quang Huy (trú tại Long Biên, Hà Nội) và Nguyễn Văn Phong (trú tại Từ Sơn, Bắc Ninh). Ngày hôm sau, CQĐT trưng cầu giám định những viên nén màu trắng đựng trong túi thổ cẩm thu giữ của đối tượng. Cùng ngày, Viện Khoa học Hình sự có kết luận giám định, xác định đây là ma túy tổng hợp có thành phần MDMA.
Sau một thời gian điều tra, CQĐT Công an tỉnh Bắc Ninh đã kết luận, số ma túy trên là do Thương mua của Phong; Tùng là đồng phạm mua ma túy, còn Huy giữ là “người vận chuyển”. Ngày 6/6/2012, các bị can bị VKSND tỉnh Bắc Ninh truy tố theo Khoản 3 Điều 194 Bộ luật Hình sự.
Theo KLĐT, trong vụ án này chỉ có hai bị can Thương và Tùng nhận tội; hai bị can Phong và Huy nằng nặc kêu oan. Đặc biệt là bị can Phong bị quy kết là người có hành vi bán ma túy nhưng luôn kêu oan, rằng Phong không thực hiện việc mua bán ma túy với Thương.
Theo nội dung KLĐT, Phong “bị bắt” cùng các đồng phạm tại nhà nghỉ Gia Linh thì việc kêu oan của Phong liệu có căn cứ? Tuy nhiên, theo luật sư bào chữa của bị can thì nội dung này của KLĐT là không đúng sự thật. Thực tế, ngày 23/12/2012, Phong không “bị bắt” tại nhà nghỉ Gia Linh. Thời điểm này, CQĐT chỉ bắt giữ Thương và Lâm.
Bà Nguyễn Thị Quế, mẹ của bị can Phong cũng khẳng định ngày 26/12/2012, ba ngày sau khi bắt giữ Thương và Tùng, theo lời khai của hai đối tượng này, CQĐT đã triệu tập Phong và tạm giữ, sau đó khởi tố, bắt giam luôn.
…đến những “ẩn số” cần làm rõ
Việc KLĐT ghi mập mờ về thời gian và địa điểm bắt Phong có ảnh hưởng trực tiếp đến việc buộc tội đối với bị can này. Nếu bị bắt quả tang thì bị can hết kêu oan. Nhưng trong cáo trạng và KLĐT thể hiện, chứng cứ buộc tội đối với bị can Phong là lời khai của bị can Tùng và Thương, bị can Phong không nhận tội và luôn kêu oan.
Theo KLĐT, xuất phát từ việc muốn mua ma túy và súng bắn bi, Thương đã gọi điện nhờ Tùng liên hệ với Phong để mua ma túy và súng bắn bi, đạn. Việc liên lạc giữa Thương và Phong đều thông qua số điện thoại của Tùng đang do Phong sử dụng. CQĐT kết luận, khi Phong đồng ý “giúp”, thì Thương và Tùng đã đến nhà Phong. Tại đây, Phong gọi điện cho một người tên “Tuấn Hà Nội” đến nhà Phong thì Thương đã đưa 50 triệu đồng cho Phong và Phong đưa toàn bộ số tiền cho “Tuấn Hà Nội”.
Cũng theo KLĐT, chiều ngày 22/12/2011, Huy từ nhà Phong lấy xe máy đi về hướng Hà Nội. Lúc này, Phong đã nói với Tùng lái xe ô tô của Thương để đưa Thương đi theo Huy. Sau một lúc “thất lạc”, Tùng và Thương gặp Huy tại cây xăng Đình Bảng. Lúc này, Huy đưa cho Tùng và Thương một túi thổ cẩm rồi quay xe về TP Bắc Ninh. Thương và Tùng quay trở lại nhà nghỉ Gia Linh lấy 3 viên ma túy sử dụng, còn lại 497 viên vẫn để trong túi, cất ở cốp xe ô tô.
Với những chứng cứ trên, CQĐT, VKSND tỉnh Bắc Ninh kết luận Phong là người bán ma túy cho Thương và Tùng, còn Huy là người vận chuyển ma túy. Kết luận này đã loại bỏ vai trò của Tuấn Hà Nội, người đã nhận tiền của Thương để mua ma túy. Hiện thân thế và hành tung của Tuấn Hà Nội vẫn là một ẩn số, còn Phong bị đặt vào vị trí của Tuấn. Với diễn biến sự việc như trên, việc Phong bị quy kết là người “bán ma túy” chứ không phải đối tượng có tên Tuấn Hà Nội là chưa thuyết phục.
Về vụ án này, Luật sư Nguyễn Thành Long cho biết, hiện lời khai của các bị can về vai trò của Phong còn rất nhiều mâu thuẫn, đặc biệt là những thông tin liên quan đến việc Phong có tham gia sử dụng ma túy tại nhà nghỉ Gia Linh. Các bị can khác đã được kiểm tra việc sử dụng ma túy bằng nước tiểu và xác định là có chất ma túy, nhưng riêng Phong thì không có kết quả kiểm tra việc sử dụng ma túy nên việc Phong có đến nhà nghỉ để sử dụng ma túy cũng là ẩn số chưa được làm rõ. Việc Phong có tham gia mua bán ma túy như kết luận điều tra hay không, các cơ quan tố tụng cần phải thận trọng làm rõ để tránh oan sai đối với bị can.
Trong việc giải quyết các vụ án, việc sử dụng lời khai của bị can này để làm chứng cứ buộc tội đối với bị can khác có đảm bảo khách quan hay không, chúng tôi có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Hữu Cường về vấn đề này. Thưa Luật sư, có ý kiến cho rằng, việc giải quyết các vụ án ma túy chủ yếu dựa vào việc truy xét thông qua lời khai của đối tượng bị bắt, ông đánh giá thế nào về nhận định này? - Trong thực tế, các vụ án ma túy thì việc bắt người phạm tội quả tang cũng rất nhiều. Khi bắt đối tượng mua bán, vận chuyển, sử dụng, CQĐT thường mở rộng bằng việc lấy lời khai đối tượng bị bắt. Nên, nhiều bị can không bị bắt quả tang nhưng vẫn bị truy tố, xét xử bằng chứng cứ là lời khai của bị can khác. Việc truy tố, buộc tội bằng chứng cứ là lời khai có đảm bảo khách quan không, thưa ông? - Trong số hàng trăm vụ án ma túy được giải quyết, không ít vụ án có bị can, bị cáo kêu oan vì lý do bị buộc tội bằng lời khai của bị can khác. Về mặt pháp lý, lời khai của bị can là một nguồn thông tin để điều tra, truy tố và buộc tội. Việc bắt, khởi tố hay buộc tội phải căn cứ vào các chứng cứ khác nữa, phù hợp với lời khai của bị can. Nếu trong vụ án, lời khai của bị can không hợp lý, không có căn cứ vững chắc, không phù hợp với các chứng cứ khác thì việc sử dụng lời khai làm căn cứ buộc tội rất dễ dẫn đến oan sai. Do vậy, việc sử dụng lời khai để buộc tội phải hết sức thận trọng. Trong vụ án này, bị can Phong kêu oan nên nếu chỉ dựa vào lời khai của bị can khác để buộc tội sẽ thiếu thuyết phục, đặc biệt là khi có nhiều nội dung còn mâu thuẫn, gây nghi ngờ về tính chính xác của kết quả điều tra. Do vậy, tôi cho rằng nếu chỉ sử dụng lời khai là chưa đủ. Xin cảm ơn ông! |
Bình Minh