Hy sinh tất cả vì sự học của con
Vì thế, đã có những câu chuyện vô cùng cảm động về những người cha, người mẹ hy sinh rất nhiều, kể cả mạng sống của mình cho con.
Hẳn nhiều người chưa quên câu chuyện về người mẹ nghèo tự tử để lấy tiền phúng viếng cho con đi học xảy ra cách đây 6 năm tại xã An Xuyên, Cà Mau. Sau 20 năm kết hôn, cái nghèo vẫn đeo bám gia đình chị Nguyễn Thị Mỹ Nhân. Cùng với chồng, chị Nhân đã làm lụng vất vả, không nề hà bất cứ một công việc gì, miễn là chúng có thể mang lại nguồn thu nhập cho gia đình.
Vậy nhưng, số tiền mà vợ chồng chị kiếm được ngày càng ít ỏi trong khi ba đứa con của chị lại đang ở độ tuổi ăn học. Kinh tế gia đình suy kiệt, chị Nhân lại mắc bệnh hiểm nghèo. Khoản tiền kiếm được giờ đây lại tiếp tục phải san sẻ cho tiền thuốc men của chị nên càng eo hẹp hơn. Cái khốn khổ, nghèo khó cứ vậy mà đè nặng hơn lên đôi vai của người đàn bà.
Nghĩ phận mình đã khổ cực gần suốt cuộc đời nên chị Nhân dành mọi niềm hi vọng vào những đứa con vốn thông minh và chăm ngoan của mình. Chị mong con được học tập, có đủ kiến thức để mai này có thể vươn xa hơn trong cuộc sống.
Vậy nên, nỗi đau lớn nhất của chị Nhân không phải là bệnh tật của bản thân, không phải là những bữa rau cháo qua ngày mà chính là việc những đứa con chị không có đủ tiền để đóng học phí, có nguy cơ phải nghỉ học.
Làm hết cách mà vẫn không thể xoay sở được tiền học phí cho các con, lại thấy mình là gánh nặng của gia đình khi tiếp tục tiêu tốn tiền thuốc men nên cuối cùng chị Nhân đã chọn cách quyên sinh. Với chị Nhân, đó là con đường duy nhất mà chị có thể làm được vào thời điểm lúc bấy giờ để duy trì việc học cho các con. Chị hi vọng, khi chị mất đi, số tiền bà con phúng viếng sẽ giúp các con chị tiếp tục được đi học.
Ngày chị Nhân mất cũng là ngày mà ba người con của chị khóc hết nước mắt. Nỗi đau mất mẹ và câu chuyện mẹ lựa chọn cái chết để các con có thể tiếp tục học tập có lẽ sẽ là một phần kí ức không thể quên trong tâm trí của những đứa trẻ ấy.
Luôn là tự nguyện, từ cái lý của trái tim
Trong cuộc sống gia đình ở thị thành, nhiều bậc cha mẹ đang trở thành “ô sin tại gia” cho con với muôn vàn công việc cần đến sức lực như: trông cháu, cơm nước chợ búa, trông cửa hàng… trong khi nghỉ ngơi là sự cần thiết với tuổi già của họ.
Trước thực tế này nhiều người đã lên tiếng cho rằng đó là hành vi “tận dụng” sức lao động của cha mẹ của những đứa con. Hay nói như nhà tâm lý Trần Thị Hồng Hà, thì việc phó thác con cho ông bà nuôi, việc nhà cho ông bà làm chứng tỏ người con đó chưa trưởng thành, thậm chí còn thể hiện sự ích kỷ khi dồn hết vất vả cho người khác vì lợi ích của bản thân.
Tại dịp phát động thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình ở phường Khương Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội, bà Nguyễn Thị Đức (69 tuổi) ở khu dân cư số 7 khi được hỏi “Cả đời nuôi con vất vả, về già mong nghỉ ngơi, vậy nếu nhận được lời đề nghị giúp trông cháu của con bà sẽ trả lời thế nào và liệu có bao giờ bà nghĩ rằng vì lý do sức khỏe mình sẽ từ chối lời đề nghị trông cháu giúp của con hay không?” đã nêu quan điểm rằng không chỉ bà mà tất cả các bậc cha mẹ khác, tình thương con như nước mắt chảy xuôi, nghĩa là luôn yêu thương và muốn làm tất cả cho con, nên sẽ không bao giờ nghĩ mình đang bị con cái “tận dụng” sức khỏe, thời gian, tiền bạc… hoặc đối xử với mình không tốt.
Bà Nguyễn Thị Đức trú tại phường Khương Trung |
“Tôi chưa có cháu nên chưa phải trông cháu nhưng tôi nghĩ khi các cháu dưới 3 tuổi thì dù ông bà vất vả, ốm đau thế nào cũng cố gắng trông chứ không thể để cháu đi trẻ được vì cháu vẫn còn non quá. Đi trẻ sớm, cháu ốm, thì cũng lại khổ con, khổ cháu và khổ cả mình. Tôi nghĩ rằng trong gia đình tôi, các con đều biết nghĩ và biết yêu thương bố mẹ, để không có việc “tận dụng” sức khỏe, thời gian, tiền bạc ở đây” – bà Đức bày tỏ.
Như vậy có thể nói, từ câu chuyện của những người phụ nữ trên đây thì sự hy sinh nào của người mẹ dành cho con cũng luôn là tự nguyện, từ cái lý của trái tim. Có thể, có ai đó cho rằng những sự hy sinh của chị Nhân là mù quáng, rằng chị đã chọn một cái kết tiêu cực.
Và cũng rất có thể, ai đó khẳng định rằng những đứa con của chị Nhân không nên tận hưởng ân phúc mẹ mình một cách đớn đau như thế, bởi việc học hành không phải là con đường duy nhất dẫn để thoát nghèo. Thế nhưng, khi phải sống trong gia cảnh tận cùng của nghèo đói, khổ đau, mới có thể lý giải nổi những vọng ước, những hy sinh vô điều kiện đó của người mẹ.
Cũng như vậy, bà Đức luôn nghĩ rằng đã làm bố làm mẹ thì gánh vác việc cùng con trông cháu cũng là một cách để giữ lửa ấm trong gia đình. “Tình cảm khi đó sẽ được nối dây từ bố mẹ sang con, cháu và ngược lại. Gia đình yên ấm thì sẽ giữ chân được các thành viên không sơ sẩy với cám dỗ bên ngoài”, bà Đức nói.
Cha mẹ hy sinh cho con cái là vậy, còn con cái thì sao?
Không hiếm những câu chuyện bất hiếu của con cái với cha mẹ đã và đang xảy ra. Vì thế, theo Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình, thì không có hạnh phúc nào trong sở hữu đơn thuần, đón nhận từ một phía. Cha mẹ khi còn tuổi, còn sức lao động có thể chịu nhiều sức ép bên ngoài từ phía quan hệ xã hội. Khi trở về gia đình với con cái họ cần tìm chốn bình yên, lấy lại niềm vui niềm tin và sự thư thái.
Con cái phải hiểu điều đó để tiếp sức tin yêu cho cha mẹ, giải tỏa được những nỗi niềm bức bách tạo ra không khí yên vui hòa thuận, đầm ấm trong nhà, ngoài ngõ. Cha mẹ, ông bà khi về già có thể có những biểu hiện của tuổi tác, dễ sinh ra mất lòng, gây khó chịu cho con cháu.
Thông hiểu được những biểu hiện của tuổi tác và sự lệch pha giữa các thế hệ, phận làm con, làm cháu phải bình tĩnh kiên trì, biết lắng nghe, biết chịu đựng để tháo gỡ, để hòa nhập, cần phải đem lại sự hòa thuận gia đình đem lại niềm vui tuổi già cho cha mẹ, ông bà...
Nói về nội dung này trong gia đình của mình, chị Lê Na – một công dân trẻ ở tổ dân phố 12 phường Khương Trung cho biết, từ bé, nhìn cách đối xử của cha mẹ với ông bà mình, chị đã hiểu được những điều như thế.
“Những tiêu chí ứng xử ở đây tôi đã được ông bà, cha mẹ dạy dỗ từ bé và luôn thực hiện như thế. Gia đình tôi hiện nay là gia đình 3 thế hệ sống vui vẻ, đầm ấm. Đã và đang có quá nhiều những câu chuyện đau lòng xảy ra ở nhiều gia đình, thế nên việc thực hiện Bộ tiêu chí cần được nhân rộng trong mọi gia đình, mọi thời đại để nhân lên yêu thương trong gia đình, để người trong gia đình yêu thương nhau bằng tình cảm ruột thịt, chân thành”.