Bà lão 71 tuổi tất tưởi vượt quãng đường 600km từ Sài Gòn về Phú Yên vào một buổi chiều nhá nhem, chỉ kịp thắp nén nhang trước bàn các con rồi lại bật khóc: “Các con độc ác thế. Trước khi tự tử không giết bố mẹ chết trước đi, còn để lại đứa con tật nguyền với bố mẹ già đau đớn làm gì. Thôi các con phù hộ cho bố mẹ may mắn vay được tiền để cứu chữa con chúng mày đang sống dở chết dở trong bệnh viện”.
Từ ngữ cũng bất lực khi định miêu tả nỗi đau trước cảnh tượng này, trước bóng bà lão xiêu vẹo vừa nhớ thương con đã chết, vừa đau đớn tìm tiền chữa chạy cho đứa cháu nội bại não đã bị cha mẹ chúng vứt bỏ lại trên cõi đời.
“Lá vàng khóc lá xanh”
Cưới nhau hơn năm năm, đôi vợ chồng trẻ Trần Văn T (SN 1972) và Nguyễn Thị Thu H (SN 1979, ngụ khu phố Ninh Tịnh, phường 9, TP Tuy Hòa, Phú Yên) đã sinh được hai đứa con, có nhà riêng và cuộc sống khá đàng hoàng. Không rõ vì làm ăn thua lỗ nên nợ nần chồng chất hay buồn bực gì mà sáng ngày 1/10/2011, vợ chồng dắt đứa con gái 5 tuổi cùng nhau trầm mình xuống khúc sông chạy qua huyện Đông Hòa.
Họ chết đã yên thân, song để lại đứa con gái nhỏ Trần Thị Yến Châu (SN 2010) với căn bệnh bại não. Đứa bé bất hạnh khi sinh ra đã mắc chứng nan y, nay tròn 20 tháng tuổi nhưng vì bệnh lý khá nặng nên không hề ngồi được mà chỉ nằm bất động một chỗ.
Lúc vợ chồng còn sống, do công việc làm không kiếm ra nhiều tiền, nghề nghiệp lại chưa ổn định: Anh làm nhân viên hợp đồng thời vụ cho bưu điện huyện, chị làm kế toán tại một Hợp tác xã nên có bao nhiêu tiền trong nhà, vợ chồng đã vét hết để chạy chữa cho con. Ngày tháng trôi đi, tiền hết nhưng bệnh của con không giảm.
Sau đó vợ chồng anh liên tục vay mượn từ bạn bè, người thân số tiền khá lớn để đưa con đi chữa bệnh tận Tp HCM nhưng kết quả vẫn chẳng thu được gì. Có người “đoán già đoán non” biết đâu vợ chồng anh bất lực trước tình cảnh của con nên mới tìm đến cái chết.
Bé Trần Thị Yến Châu (19 tháng tuổi) bị bệnh thiểu năng đang được bà Dưỡng chăm sóc. |
Trong những ngày tang tóc thê lương, vợ chồng bà Dưỡng đau đớn ngậm ngùi đưa con cháu mình về an nghỉ nơi cuối cùng mà lòng đứt từng khúc ruột. Nhà nghèo không có tiền, lại một lúc làm đám tang tới 3 người nên càng thiếu thốn khó khăn hơn. Ngoài nỗi đau tinh thần, vật chất thiếu thốn cũng làm cho ông bà Dưỡng khốn khổ hơn. Bà Dưỡng nhớ lại: “Vợ chồng tôi không có tiền, phải vay hàng xóm trước sau hết 29 triệu đồng mua hòm, lo đám chôn cất rồi xây mả cho các con cháu”. Nói đến đây bà Dưỡng sụt sùi: “Thiếu nợ bao nhiêu tôi cũng đành nhưng con cháu mất hết thì không bao giờ tôi có lại được”.
Sau đám tang, vợ chồng bà Dưỡng vốn đã bệnh cao huyết áp và bệnh khớp, tuổi già nay lại càng nặng gánh thêm. Công việc gia đình bề bộn, thời gian đầu ông bà không thể đón cháu Châu về nuôi liền được mà phải gửi một người quen nuôi giúp. Nào là lo toàn trách nhiệm của cha mẹ, hết lo đám rồi xây mồ, suốt ngày trong nhà nghi ngút hương khói. Gia cảnh khó khăn, đến tuần 21 ngày ông bà chỉ làm mâm chay đơn giản cho các con.
Mới đây, ngày làm tuần giải nghiệp (tuần 49 ngày) cho các con cháu, vì trong nhà không còn một đồng nên vợ chồng bà phải đến ngân hàng thế chấp sổ đỏ vay 30 triệu đồng lo đám chu tất. Ông Quang ngậm ngùi: “Nào tiền mua đồ làm đám cúng, tiền tạ ơn thầy, tiền nhang khói… Biết nợ nhưng vì thương con cháu nên phải lo cho chúng nó. Đến cái nhà cũng không còn nữa rồi chú ạ”.
Con trốn chạy, nợ đời cha mẹ trả
Thời gian nhờ người trông bé Châu, mỗi tháng vợ chồng ông phải trả tiền công cho người ta 2,2 triệu đồng, cộng với tiền ăn, tiền sữa nên số tiền thanh toán lên trên 4 triệu đồng. Khi công việc nhà ổn định, bà Dưỡng xuống thành phố Tuy Hòa bồng cháu nội về nuôi dưỡng. Hàng ngày nhìn cháu bệnh, ông bà nội không nỡ bỏ mặc. Vậy là hành trình vay nợ lại tiếp tục.
Ông bà sang hàng xóm năn nỉ người ta vay được 10 triệu đồng rồi bà Dưỡng lặn lội đưa cháu vào bệnh viện Nhi Đồng TP HCM chữa bệnh, ông Quang ở nhà trông nhà hương khói, coi ruộng vườn. Đường Tuy Hòa – Sài Gòn xa 600km, cháu Châu sức khỏe yếu không thể đi xe đò nên phải thuê xe chạy thẳng mất hết 6 triệu đồng.
Bốn triệu còn lại là chi phí điều trị chỉ trong mấy ngày đã hết sạch. Giữa đất Sài Thành không biết nhờ cậy vào ai, bà Dưỡng đành gửi cháu lại cho một người điều dưỡng tại khoa điều trị của bệnh viện trông giúp. Thuốc men đã có bệnh viện lo, bà lại bắt xe về quê mượn tiền tiếp tục điều trị cho cháu.
Hôm tôi đến nhà cũng là lúc bà Dưỡng mới từ Sài Gòn về. Lặng lẽ đốt ba cây nhang cắm trước bàn thờ con cháu mà nước mắt bà ròng ròng. Trong tiếng nấc, tôi nghe tiếng bà vái trước bàn thờ giọng khàn khàn: “Các con sống sao thác vậy. Nhớ phù hộ cho con Châu mau hết bệnh rồi cha mẹ nuôi nó lớn để sau này cha mẹ già, nó lớn nó cúng giỗ các con nhé”. Nói đến đây bà Dưỡng bật khóc thật to: “Con bé chị nó khôn lắm, sao lại xảy ra nông nỗi này, cháu ơi là con ơi…”.
Ngồi trước chiếc bàn nhỏ có thờ 3 tấm di ảnh của những người thân xấu số trong căn nhà cấp bốn nằm lẻ loi bên đồng ruộng nước ngập tới mép sân, vợ chồng bà Dưỡng cho biết không chỉ lo căn bệnh của đứa cháu nội mà còn lo nơm nớp cho cuộc sống ngày mai.
Ba sào ruộng mỗi vụ trừ chi phí cũng chỉ lãi được 1,5 triệu đồng thì tiền đâu trả khoản nợ nay đã lên đến 70 triệu đồng, tiền đâu chữa bệnh cho cháu? Tiền đâu để ngày mai có tiền vào Sài Gòn nuôi cháu, gửi tiền cho cô hộ lý trông giúp mấy ngày qua và tiền mua thuốc bổ thêm cho cháu uống? Tối nay vợ chồng bà Dưỡng lại phải tất tả sang hàng xóm gõ cửa nhà người ta năn nỉ mượn tiền. Mà ai có thương và có điều kiện thì cũng đã cho mượn cả rồi, những hộ nghèo thì biết lấy gì mà cho vay?
Bà Dưỡng chợt ngừng khóc nở một “nụ cười” méo xẹo: “Nghe đồn vợ chồng nó vay nợ nhiều lắm nhưng may là đến hôm nay vẫn chưa có ai đến đòi tiền. Vài bữa nữa nếu họ tới, vợ chồng tôi không biết tính sao đây”.
Ai cũng có một cuộc đời, nhưng đó là một cuộc đời để sống và vượt qua những khó khăn, chứ không phải một cuộc đời sinh ra cứ gặp chán chường là ngu dại tự tìm đến cái chết. Người chết thì đã mồ yên mả đẹp, nhưng đâu đó trong làng vẫn có những lời xì xào: “Vợ chồng thẳng Trỗi quả là độc ác. Trước khi tự sát sao không nhớ đến cha mẹ, đến con cái nó rồi sẽ như thế nào? Sống còn phải để lo cho người khác chứ đâu phải sống chỉ riêng cho bản thân mình”.
Rời căn nhà của bà Dưỡng trong tâm trạng buồn như bóng chiều nhập nhoạng, chúng tôi biết rằng đêm nay vợ chồng bà Dưỡng sẽ phải băng đồng đến hàng xóm để mượn tiền lo cho cháu. Những cuộc đời đã đến hồi cùng khổ. Nhưng biết đâu những cùng khổ này sẽ được một phần xoa dịu, khi ngày mai những bạn đọc hảo tâm sẽ chung tay góp sức để cứu vớt gia đình này vốn đã phải gánh chịu quá nhiều bi kịch?
Theo Pháp luật & Thời đại