PV: Thưa ông thời gian gần đây, các vụ việc liên quan đến trẻ em, phụ nữ đều được cộng đồng mạng hết sức quan tâm, mới đây là vụ việc cháu D, 15 tuổi tố cáo anh rể là một MC VTV đã có hành vi bạo hành, đánh đập trong suốt thời gian dài… ông có quan tâm đến vụ việc này?
Ông Trịnh Công Thanh: Tôi có được biết, thông qua mạng xã hội facebook và được bạn bè cập nhật thông tin thường xuyên.
PV: Nhiều quan điểm trái chiều về vụ việc này. Nhưng thưa ông, tại sao cộng đồng mạng đa phần lại ủng hộ cháu D, mặc dù chưa nắm đầy đủ thông tin cũng như chưa có những bằng chứng xác thực hay kết luận từ cơ quan chức năng?
Ông Trịnh Công Thanh: Căn cứ vào nguyên tắc bảo vệ một bên là yếu thế, chúng ta đều biết Bộ Luật Hình sự và Bộ Luật Dân sự, cũng như các bộ luật chuyên ngành khác đều có những nguyên tắc bảo vệ bên yếu thế. Cụ thể trong trường hợp này đối tượng bảo vệ là cháu D, mới 15 tuổi, là trẻ vị thành niên. Đó là căn cứ pháp lý - là công lý, mà pháp luật được xây dựng dựa trên các quy tắc đạo đức, chuẩn mực của xã hội nên dù không nắm được pháp luật thì mỗi người đều thấy bất bình, cần phải lên tiếng để bảo vệ cháu D, bảo vệ trẻ em (người yếu thế) đó là chính nghĩa.
PV: Có nghĩa là chưa cần biết đúng sai, sự thật khách quan, thì mỗi người đều có quyền bảo vệ cháu D, lên tiếng cho cháu D?
Ông Trịnh Công Thanh: Trong trường hợp cụ thể này là đúng, vì cháu D rõ ràng là bên yếu thế, việc chứng minh đúng sai và kết luận thuộc về thẩm quyền của cơ quan điều tra và tòa án. Nhưng cộng đồng mạng lên tiếng bênh vực cháu D là đúng pháp luật, cũng như là lẽ thường tình. Cá nhân tôi cũng ủng hộ cháu D.
PV: Ông có thể chỉ rõ các nguyên tắc bảo vệ bên yếu thế? Tại sao lại coi cháu D là bên yếu thế, có điều luật nào quy định cụ thể về vấn đề này?
Ông Trịnh Công Thanh: Bộ Luật Dân sự và Bộ Luật Hình sự cũng như các bộ luật chuyên ngành đều có những quy định hết sức cụ thể với trẻ vị thành niên, theo hướng bảo vệ. Trong vụ việc này, căn cứ vào độ tuổi của cháu D mới 15 tuổi, là trẻ chưa thành niên, nên chắc chắn sẽ được pháp luật bảo vệ nghiêm ngặt hơn về sức khỏe, tính mạng, nhân phẩm và quyền của trẻ em. Như tôi đã nói ở trên, việc xác định đúng sai thuộc về cơ quan điều tra, việc kết luận thuộc về tòa án nên tôi không thể viện dẫn các điều luật cụ thể được, nhưng chúng ta có thể thấy pháp luật có những biện pháp chế tài nghiêm khắc hơn đối với các vi phạm, các xâm phạm đến trẻ em và người yếu thế.
PV: Trong trường hợp này, theo ông, tổ chức, cá nhân nào có thể đứng lên bảo vệ cháu D?
Ông Trịnh Công Thanh: Ở Việt Nam có hơn 10 tổ chức bảo vệ quyền trẻ em, từ Trung ương đến địa phương, ngoài ra còn có các tổ chức đoàn thể xã hội, các tổ chức phi chính phủ, đều có thể đứng lên bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho cháu D, tuy nhiên việc triển khai hồ sơ, thủ tục thường rất chậm chạp. Dư luận xã hội, và cộng đồng mạng chính là cầu nối để giúp cho cháu D, để pháp luật được thực thi.
PV: Ông và Trung tâm của ông sẵn sàng hỗ trợ pháp lý cho cháu D chứ?
Ông Trịnh Công Thanh: Phải thừa nhận rằng cơ chế bảo vệ người yếu thế của chúng ta còn yếu. Tôi lại nhớ đến nhân vật Núi trong phim “Sóng ở đáy sông”, dù cho ai là người đúng thì cháu D vẫn là kẻ thiệt thòi là bên yếu thế .
Tôi và Trung tâm của tôi rất sẵn sàng, ngoài ra còn có hệ thống Trung tâm trợ giúp pháp lý của nhà nước, các VP Luật sư cũng rất sẵn sàng hỗ trợ pháp lý cho các bên yếu thế.
PV: Cảm ơn ông!