Nhớ lại kỷ niệm 5 năm trước đây khi bắt đầu đến với công việc này, chị Hà kể: “Một lần vợ chồng nhà cô chú hàng xóm ngay bên cạnh nhà tôi xảy ra xô xát thì có một chị đến hòa giải và tôi thấy “ồ việc này rất là tốt”, làm phúc cho đời, hàn gắn hạnh phúc cho các gia đình. Thấy công việc rất thú vị và đầy ý nghĩa, tự tôi tìm đến xin được tham gia và ngày càng thêm yêu công việc ấy”.
Hồi mới bắt tay vào việc, chị Hà gặp không ít khó khăn. Những khó khăn không chỉ là bỡ ngỡ với công việc mới mà còn xuất phát từ kiến thức chưa được dồi dào, chưa được va chạm với các tình huống khác nhau. Vì vậy, trong quá trình làm, chị luôn tích cực học hỏi các kiến thức, cách nhìn nhận cuộc sống, tham khảo kinh nghiệm, kỹ năng hòa giải của các cô chú, những người có tuổi đã có nhiều năm “thâm niên” trong nghề.
“Không phải trường hợp nào đến hòa giải cũng được người dân tiếp đón đâu, có trường hợp bị người dân phản ứng khi mình mới tìm đến nhà” - chị Hà cười chia sẻ. Tuy nhiên, nhưng bằng kỹ năng, tình cảm chân thành, chị Hà tìm cách dẫn dắt họ để người ta nghĩ mình là người của gia đình họ, đến đây với tâm tư, tình cảm, chứ không phải vì mục đích gì khác và khi họ coi mình như người thân thì họ lại sẵn lòng tâm sự, nhờ vậy hòa giải viên sẽ xác định được mâu thuẫn đó là gì để có cách xử lý phù hợp.
Đặc biệt, chị tâm niệm: “Đã làm hòa giải thì dù khó khăn đến đâu cũng phải hướng cái tâm của mình đối với vụ việc hòa giải trước, còn khi đưa ra quy định pháp luật này, quy định pháp luật kia thì mình phải dần dần để người được hòa giải tiếp cận”. Theo đúc rút từ “vốn” nghề chưa nhiều của chị, điều chủ yếu vẫn là lương tâm của hòa giải viên, có kỹ năng ứng xử mềm mại, cương nhu thì chất lượng hòa giải sẽ cao hơn.
Chị tâm sự, hồi mới vào nghề, chị và nhiều anh chị em khác bị gọi là “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” nhưng từ khi Luật Hòa giải ở cơ sở ra đời, đội ngũ hòa giải viên đã được công nhận. Vì vậy, chị rất cảm ơn Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội thi Hòa giải viên giỏi toàn quốc lần thứ III vừa qua. Bởi qua Hội thi này từ cấp xã lên huyện, thành phố và toàn quốc đã thay đổi cách nhìn của bà con đối với công tác hòa giải.
Điểm qua những buồn vui không thể nhớ hết được trong 5 năm gắn bó với công tác hòa giải, chị Hà khẳng định niềm yêu nghề chính là động lực để chị cùng đội của mình tham dự Hội thi toàn quốc nói trên. Ngay trước Hội thi một ngày, chị bị ốm, phải cấp cứu tại bệnh viện, nhưng đam mê mang đến Hội thi sắc màu của thành phố Hoa phượng đỏ đã giúp chị vực dậy sức khỏe, góp phần cùng đội Hải Phòng giành giải Nhất tại chung kết Hội thi toàn quốc.
Một trong những bí quyết thành công của công tác hòa giải tại quê nhà của chị Hà (xã Tân Dương, huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng) chính là sự đoàn kết của các thành viên tổ hòa giải. Nếu cá nhân hòa giải viên trong tổ không hòa giải được và vụ việc vẫn ở ngưỡng “hòa giải” thì tổ trưởng tổ hòa giải sẽ vào cuộc và các chị em cùng bàn bạc, thống nhất cách hòa giải nên ít khi bị thất bại. Vẫn đang duy trì công việc kinh doanh, nữ hòa giải viên 37 tuổi này thực sự biết cách sắp xếp thời gian, lên kế hoạch để hoàn thành tốt cả 2 công việc. “Đến với công việc là mình phải biết cách sắp xếp, chứ thích thì mình vào là không lường trước được những gì sẽ đến, xáo trộn giữa 2 công việc” - chị Hà bật mí rất đơn giản.
Khi tôi thẳng thắn hỏi chế độ hòa giải còn khiêm tốn (được biết Hải Phòng và nhiều địa phương khác hỗ trợ 100 nghìn đồng cho 01 vụ việc hòa giải thành), chị Hà đáp lời ngay: “Không quan trọng vấn đề thù lao đâu bạn, chủ yếu là tôi rất yêu công việc này, thấy mình được coi trọng, được người dân gọi là anh chị em hòa giải viên nhân dân”. Hơn nữa, trong quá trình tham gia chung kết Hội thi toàn quốc, chị Hà thấy ngày càng có nhiều bạn trẻ làm hòa giải viên, thể hiện thành công của ngành Tư pháp trong xây dựng tổ hòa giải lớn mạnh và khiến chị càng hãnh diện với công việc mình đã chọn.