Trước đó tại vòng sơ khảo, Hội thi đã được tổ chức tại 3 khu vực với sự tham gia của 63 đội thi đến từ 63 tỉnh, thành phố, thu hút sự tham gia của 189 hòa giải viên chính thức, 252 thành viên khác đại diện cho 762.794 hòa giải viên và 134.873 tổ hòa giải ở cơ sở trong cả nước tham gia tranh tài.
Tham dự vòng chung kết có 12 đội thi xuất sắc nhất được chia thành 3 nhóm, mỗi nhóm gồm 4 đội theo các tiêu chí có đại diện của các khu vực và kết quả dự thi tại khu vực. Nhóm 1 bao gồm: Bình Dương, Đà Nẵng, Hải Phòng, Hà Nội; nhóm 2 gồm: Bà Rịa – Vũng Tàu, Ninh Bình, Nghệ An, Tiền Giang; nhóm 3 gồm: Bắc Giang, Đồng Nai, Sơn La và Lâm Đồng.
Tương tự các vòng trước, vòng chung kết được tổ chức thi theo đội dưới hình thức sân khấu hóa gồm 3 phần thi: giới thiệu, lý thuyết và tiểu phẩm.
Ở phần thi giới thiệu, bằng nhiều hình thức phong phú như múa, hát, diễn xuất, mỗi đội đã nêu bật được với bản sắc riêng của địa phương cũng như bày tỏ quyết tâm cao khi đến với Hội thi.
Với sự đầu tư công phu nhằm tái hiện lại hình ảnh các danh lam thắng cảnh, di tích của Thủ đô, đội Hà Nội còn truyền tải cho khán giả nhiều thông tin hữu ích như tình hình chính trị xã hội của thành phố, đặc trưng về công tác hòa giải, số vụ hòa giải thành công, tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Còn đội Hải Phòng sử dụng hình ảnh hoa phượng đỏ lồng ghép khéo léo trong những câu hát đầy ngọt ngào để giới thiệu các di tích lịch sử và nền kinh tế - xã hội ngày một phát triển của thành phố cảng xinh đẹp này. Các tỉnh, thành phía Nam lại mang tới hội thi những lời ca tiếng hát vui tươi thể hiện sự phấn khởi khi được ra thăm Thủ đô yêu dấu song sau đó lại đầy lắng đọng, thiết tha trong âm hưởng ngợi ca quê hương, đất nước tươi đẹp.
Tiếp đó, trong phần thi lý thuyết, các đội phải trải qua 7 câu hỏi trắc nghiệm và đưa ra phương án hòa giải qua xem 1 clip về mâu thuẫn, tranh chấp, xung đột thuộc phạm vi hòa giải. Nội dung các câu hỏi bao quát được nhiều vấn đề như: Pháp luật về hòa giải ở cơ sở, các quy định của Hiến pháp năm 2013, các đạo luật về quyền con người, pháp luật về đất đai, hôn nhân và gia đình, bảo vệ môi trường. Ngoài ra, nội dung thi còn đòi hỏi các thí sinh phải nắm bắt được các kiến thức về xã hội, đạo đức, phong tục tập quán tốt đẹp, hương ước, quy ước, văn hóa, văn học dân gian cần thiết cho hoạt động hòa giải ở cơ sở thì mới có thể trả lời tốt các câu hỏi.
Được mong chờ nhất là phần thi tiểu phẩm với nhiều tiết mục được đầu tư công phu, bài bản, diễn xuất gần gũi mà lôi cuốn. Đề cập tới vấn đề nóng trong xã hội hiện nay là ô nhiễm môi trường, qua phần thuyết phục, giảng giải của các hòa giải viên, đội Bình Dương đã giúp người xem nâng cao nhận thức và ý thức tuân thủ pháp luật trong việc bảo vệ môi trường, đặc biệt là nguồn nước.
Với lối diễn xuất tự nhiên, đội thi đến từ Đà Nẵng đã khắc họa một cách chân thật mà sâu sắc thực trạng đáng báo động trong nhiều gia đình hiện nay đó là vấn đề bạo lực. Nhờ sự can ngăn kịp thời của đội ngũ hòa giải viên, đôi vợ chồng trong tiểu phẩm không chỉ giải quyết được các xung đột mà họ còn có cơ hội hiểu rõ hơn về các quy định của pháp luật như Bộ luật Dân sự, Luật Hôn nhân và Gia đình.
Các tình huống, vụ việc, tranh chấp nảy sinh khác trong đời sống hàng ngày của người dân cũng đã được các đội thi thể hiện một cách hài hước, dí dỏm, qua đó truyền tải nhiều thông điệp ý nghĩa như “Anh em hiếu thảo thuận hiền, đừng vì đồng tiền mà đấu đá nhau”, “Tòa xử đúng đã tốt nhưng không ra tòa còn tốt hơn”, “Bán anh em xa mua láng giềng gần”…
Sau một thời gian làm việc nghiêm túc, khẩn trương, Ban giám khảo đã chọn ra các đội để trao giải khuyến khích đó là: Đà Nẵng, Ninh Bình, Lâm Đồng, Đồng Nai; giải ba gồm Sơn La, Bắc Giang, Bình Dương; giải nhì gồm Nghệ An, Bà Rịa – Vũng Tàu; giải nhất gồm Hải Phòng, Tiền Giang và giải đặc biệt thuộc về đội Hà Nội. Ngoài ra, Hội thi cũng đã trao tặng Bằng khen của Bộ trưởng cho một số đại diện tỉnh, thành phố và cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác tổ chức Hội thi cùng nhiều giải phụ khác.