Nhiều tổ chức xã hội “cứu” chuối
Đồng Nai hiện có khoảng 1.700 ha chuối đang vào vụ thu hoạch, chủ yếu tập trung ở các huyện Trảng Bom, Thống Nhất, Định Quán, Tân Phú. Năm trước, chuối được giá cao, đỉnh điểm lên đến 15.000 đồng/kg; giá trung bình khoảng 12.000 đồng -13.000 đồng/kg. Sau khi thu hái tại các vườn, tiểu thương xuất thẳng đến thị trường Trung Quốc tiêu thụ.
Trồng chuối cần đầu tư ít, lại được giá cao nên sau vụ 2016, nhiều nông dân mở rộng diện tích trồng chuối, hy vọng năm nay sẽ tiếp tục được giá. Thế nhưng từ sau Tết, giá chuối bỗng dưng xuống thấp thảm hại. Mỗi kilôgam chuối chỉ bán được từ 1.000 đồng đến 1.500 đồng. Năm trước rất đông tiểu thương tìm đến các vườn thu mua thì năm nay chỉ lác đác vài tiểu thương. Họ thu mua với số lượng ít, kén chọn, ép giá, tìm đủ lý do để mua với giá thấp.
Bán một kilôgam chuối không đủ uống một cốc trà đá, nông dân chán nản, mặc chuối chín trên cây rồi rụng vàng dưới gốc. Nhiều nhà nuôi gia súc tận dụng chuối chín đem làm thức ăn cho trâu bò. Nhiều người chứng kiến cảnh những nải chuối chín thơm phức rơi rụng trong vườn, đem cho gia súc ăn đã không khỏi bùi ngùi, nuối tiếc.
Trước tình cảnh này, nhiều tổ chức xã hội đã vào cuộc “giải cứu” chuối. Chiến dịch này được phát động rầm rộ ở cả trên mạng xã hội, hàng nghìn người hưởng ứng tham gia. Chỉ sau vài ngày phát động, hàng chục tấn chuối được tiêu thụ, giá bán từ 4.000 đồng đến 8.000 đồng/kg.
Tuy nhiên, những cuộc “giải cứu” chuối này chỉ mang tính chất giúp được chút nào hay chút đấy, không thấm vào đâu so với số lượng chuối trong vườn, nông dân vẫn thiệt hại lớn.
Cơ quan quản lý nhà nước chỉ định hướng quy hoạch
Trong bối cảnh đó, dư luận đặt câu hỏi, cơ quan quản lý nhà nước đang làm gì để định hướng, tìm thị trường tiêu thụ cho chuối đang ế ẩm, mất giá? Để trả lời cho câu hỏi này, phóng viên PLVN đã liên hệ với ông Hoàng Anh Tuấn, Vụ Phó Vụ Thị trường Trong nước, người phụ trách mảng nông sản, đơn vị có chức năng tổ chức công tác điều tiết lưu thông hàng hóa, điều hành thị trường trong nước. Tuy nhiên, vị công chức này lại không chia sẻ thông tin vì cho rằng liên quan đến quy chế phát ngôn của Bộ.
Chia sẻ với phóng viên, một cán bộ Phòng Thương mại Nông sản, Thực phẩm và Hàng tiêu dùng (Vụ Thị trường trong nước) cho biết, cho đến nay Vụ này chưa có biện pháp cụ thể để “giải cứu” chuối cho bà con ngoài việc yêu cầu sở Công Thương các tỉnh báo cáo tình hình, thống kê số lượng sản phẩm chuối bị dồn ứ chưa được tiêu thụ.
Vị cán bộ này cũng cho biết, với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước, Vụ đã nhiều lần định hướng quy hoạch, chỉ đạo việc trồng nông sản không nên theo phong trào, phải dựa vào nhu cầu thị trường, không nên phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. “Đến khi họ không thu mua nữa thì mình trở tay không kịp, chúng tôi cũng không có cách”, ông nói.
Lãnh đạo Phòng Thương mại Nông sản, Thực phẩm và Hàng tiêu dùng cho biết, nếu thời gian tới chuối vẫn tiếp tục ế ẩm, mất giá, “có thể” Vụ Thị trường Trong nước sẽ giới thiệu đến các hệ thống phân phối nông sản lớn ở thị trường TP HCM, Hà Nội để giúp bà con tiêu thụ chuối.
Chưa gắn kết các “nhà” với nhau không giải quyết thảm cảnh “được mùa, mất giá”
Trao đổi với PLVN, ông Phạm Công Dzung, Trưởng phòng Thương mại, Cục Chế biến nông - lâm - thủy sản và Nghề muối, Bộ NN&PTNT thừa nhận “Câu chuyện được mùa mất giá là chuyện lâu nay!”. Nguyên nhân được chỉ ra là do người dân trồng tự phát, không ai quy hoạch. Ông Dzung cho biết, những loại cây ngắn ngày như chuối, dưa hấu chưa có quy hoạch, Bộ NN&PTNT chỉ quy hoạch những cây trồng chủ lực lớn như lúa, cao su, cà phê...
“Những loại cây ngắn ngày như nói ở trên thì Bộ chỉ khuyến cáo các địa phương nên chủ động. Ví dụ trường hợp cây vải, cây dưa hấu trước đây trồng tự phát dẫn đến bế tắc đầu ra, lúc đó đích thân đồng chí Bộ trưởng Bộ NN&PTNT phải ban hành các chỉ thị yêu cầu các địa phương căn cứ vào điều kiện của mình tổ chức sản xuất theo hướng phải gắn kết giữa sản xuất và kênh phân phối. Nhưng thực tế là ở các địa phương bà con cứ ồ ạt trồng rồi nghe tin trên biên giới họ mua với giá cao, cứ thế chất lên xe đưa lên đó tiêu thụ. Không có ai tổ chức nên rủi ro là đương nhiên…” - ông Dzung nói.
Theo ông Dzung, cần phải tổ chức lại kênh phân phối cho tốt đảm bảo gắn kết chuỗi giá trị sản phẩm để tránh rủi ro như những câu chuyện chuối hay dưa hấu. “Việc trồng và nuôi những cây, con như thế phải gắn chặt với khâu tiêu thụ, phải đảm bảo theo chuỗi giá trị. Nghĩa là khi biết chắc thị trường có nhu cầu tiêu thụ cho mình thì hãy trồng, hãy nuôi…” - vị này khuyến cáo.
Cũng theo ông Dzung, khi xảy ra tình trạng “được mùa, mất giá”, việc các cá nhân, tổ chức kêu gọi tiêu thụ cho người nông dân là điều tốt. Một khi việc tổ chức chuỗi sản xuất chưa được bài bản, hoàn hảo thì các biện pháp đó cũng rất đáng hoan nghênh, tuy nhiên, đó chỉ là những giải pháp mang tính tình thế.
“Rõ ràng, kênh phân phối, tiêu thụ còn nhiều vấn đề. Tổ chức thương lái thế nào, gắn kết với thị trường bán lẻ ra sao là cả một câu chuyện lớn. Cần phải hướng tới thị trường cần cái gì mình trồng cái đấy. Đơn vị, cá nhân nào nói có thể tiêu thụ cho tôi thì ký hợp đồng đi chứ không giao dịch suông với nhau. Thậm chí, để tránh rủi ro ông còn phải cung cấp giống cho tôi, tất cả phải cam kết với nhau bằng hợp đồng kinh tế”, ông Dzung gợi ý.
Trưởng phòng Thương mại, Cục Chế biến Nông - lâm - thủy sản và Nghề muối cũng cho rằng chính sách gắn kết giữa 4 nhà (nhà nước, nhà khoa học, nhà DN, nhà nông) với nhau đã có nhưng chưa đủ mạnh, chưa đủ sức hấp dẫn. Ông ví dụ, Nhà nước muốn hỗ trợ cho các nhà gắn kết với nhau cho hiệu quả nhưng nguồn tài chính để thực hiện việc hỗ trợ là vẫn còn hạn chế. “Tôi cho rằng khi chưa gắn kết được giữa các “nhà” với nhau thì câu chuyện “được mùa, mất giả” sẽ vẫn chưa giải quyết được một sớm, một chiều”, ông Dzung nêu ý kiến.