Trước đó, người nông dân Đồng Nai đã kêu cứu với 5000 tấn chuối nằm im tại vườn sau khi thu hoạch. Do thương lái ép giá hơn 10.000 đồng/ kg so với thị trường, chỉ thu mua có 500 – 1.500 đồng cho 1 kg chuối, người nông dân đã thà bỏ chuối chín hư tại vườn chứ không bán phá giá cho thương lái, tránh bị chèn ép lần sau. Nếu không được giải cứu, những vườn chuối đến mùa thu hoạch sẽ bị để mặc cho hư rụng, không chỉ thế, người nông dân sẽ còn phải tính cách xử lý số chuối hư này.
Bắt đầu từ chiến dịch tiêu thụ chuối cho người nông dân nói trên, đến nay, nhiều nơi đã hưởng ứng mạnh mẽ. Tại TP HCM, rất nhiều đoàn thể, tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp đã lên tiếng kêu gọi người tiêu dùng chung tay ủng hộ chuối giúp nông dân.
Hiện, Trung tâm công tác xã hội thanh niên TP HCM đã phát động chương trình “Chuối nghĩa tình”, đưa chuối Trảng Bom về bán, phân phối cho người tiêu dùng, thậm chí ngoài trụ sở Trung tâm ở số 5 Đinh Tiên Hoàng, chuối còn được giao hàng tận tay cho người mua.
Một vài doanh nghiệp, như Công ty bánh kẹo Đại Phát thì dùng xe tải chuyên dụng đến tận nơi thu mua chuối, về tổ chức các điểm bán dã chiến bán cho khách hàng trong khắp TP, đồng thời thông báo đến các khách hàng quen thuộc của mình kêu gọi ủng hộ.
Nhiều cá nhân, tổ chức chuyên làm từ thiện nhỏ lẻ cũng tự thuê xe tải, tự liên hệ nông dân mua chuối về bán lại cho người tiêu dùng. Được biết, mức giá bán ra thị trường của những tổ chức, cá nhân tham gia chiến dịch “tiêu thụ chuối” này đưa ra đồng giá là 9.000 đồng/ kg, sau khi thu mua của người nông dân từ 5-6.000 đồng/kg, trừ đi các chi phí vận chuyển, hư hao, nghĩa là phi lợi nhuận.
Thời gian gần đây, người tiêu dùng đã liên tục nhận được các lời kêu gọi “giải cứu” từ người nông dân: Nào “cứu” hành, dưa leo, dưa hấu, thanh long… Và lần nào cũng nhờ sự chung tay góp sức của các tổ chức và rộng rãi người tiêu dùng, mà người nông dân được “cứu” khỏi cảnh đem công sức trồng trọt bao tháng trời của mình đi đổ bỏ, thất thu nặng nề.
Tuy nhiên, rất nhiều người đặt ra câu hỏi, chẳng lẽ người tiêu dùng, cả xã hội sẽ phai chung tay “cứu” hết lần này đến lần khác? Rồi người nông dân lại trồng tràn lan, không quy hoạch, cung dư cầu, lại bị ép giá, bị thất thu, rồi lại nhờ cứu? Chỉ sợ rằng, lòng tốt nào rồi cũng có giới hạn, và nếu không có một sự quy hoạch hợp lý, sự định hướng trồng gì, trồng thế nào, giải quyết bài toán đầu ra, đầu vào hiệu quả… từ các nhà quản lý nông nghiệp thì bà con nông dân sẽ cứ mãi “chơi bập bênh” với các nông sản mình trồng ra. Đến một lúc nào đó, trở thành “chuyện thường thấy”, quen mắt, không còn ai động lòng, không còn người giải cứu, thì lúc đó, chẳng biết người nông dân sẽ ra sao.